Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Trước thông tin năm 2016 Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ hoàn tất các điều kiện biên soạn 2 bộ sách giáo khoa (SGK) miền Bắc và miền Nam, Phó giám đốc Nguyễn Văn Tùng khẳng định Nhà xuất bản không hề cung cấp thông tin nào về việc này.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng cho biết, thông tin lan truyền về SGK riêng cho hai miền là không đúng sự thật. Theo ông Hiển, chủ trương một chương trình, nhiều bộ SGK đã được nghị quyết của Quốc hội thông qua năm 2014, cũng hoàn toàn không nhằm mục đích mỗi miền có một bộ riêng rẽ.
Theo ông Tùng, khi thực hiện chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, các nhà xuất bản, các tổ chức, cá nhân đều có quyền tham gia viết sách giáo khoa. Nhà xuất bản Giáo dục đã chuẩn bị điều kiện về nhân lực, tài lực, tiến hành ở các cơ sở khác nhau ở miền Bắc, miền Nam, và có thể ở miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long. Đây chỉ là các địa điểm tổ chức bản thảo bộ sách của Nhà xuất bản. Khi chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình chi tiết các môn học được thông qua thì Nhà xuất bản mới tiến hành biên soạn các bộ sách giáo khoa phù hợp với chương trình này.
Còn theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, Bộ GD-ĐT chỉ đưa ra các tiêu chí cụ thể về SGK và chịu trách nhiệm thẩm định, trước khi cho phép bộ sách hoặc cuốn sách đó lưu hành trên thị trường. Các tiêu chí ấy cũng sẽ không có quy định về việc vùng miền nào phải sử dụng SGK do vùng miền ấy biên soạn. Với chủ trương này, lãnh đạo Bộ muốn các nhà xuất bản, các tổ chức, cá nhân đều có quyền tham gia viết sách và hy vọng sẽ có nhiều bộ, nhiều cuốn sách có chất lượng, hấp dẫn, có tính cạnh tranh để học sinh, giáo viên lựa chọn.