Hàng trăm quán bán món bún đậu mắm tôm ở Sài thành lần lượt đóng cửa hoặc chuyển sang bán những món khác. Nguyên nhân chính là bởi các “Thượng đế” thường chỉ ghé qua “ăn cho biết”, rồi sau đó “một đi không trở lại”.
Một trong những nguyên nhân khiến món bún đậu mắm tôm không còn được ‘chuộng’ ở Sài Gòn là bởi hương vị món ăn này bị ‘biến tướng’ nên người miền Nam chỉ ‘ăn cho biết’. Ảnh minh họa: internet
Tại sao món ăn này đã “trường tồn” ở Hà thành suốt cả thế kỷ nay, đến giờ vẫn tỏ ra cực kỳ hấp dẫn các thực khách, lại sớm bị “ghẻ lạnh” ở thành phố phương Nam nổi tiếng sành ăn, và có số dân miền Bắc di cư vào chiếm đến 30%-40% như vậy? Theo nhiều người, có hai nguyên nhân chính, đó là: Thứ nhất, bún đậu mắm tôm ở Hà Nội chỉ là món ăn dân dã bán ở vỉa hè với giá rất rẻ, thường dành cho giới bình dân nhưng khi vào Sài Gòn thì lại bị “biến” thành món đặc sản bán trong quán xá, nhà hàng với giá đắt gấp mấy lần so với Hà Nội. Do đó, món ăn này cũng không còn phù hợp với giới bình dân.
Thứ hai, sau khi du nhập vào Sài Gòn, thì hương vị món ăn này bị “biến tướng”, không còn “nguyên bản” nên người miền Nam chỉ “ăn cho biết”, còn người gốc Bắc thì cũng không thể thưởng thức để... nhấm nháp nỗi hoài hương.
Với hai lý do chính ấy, món bún đậu mắm tôm đã nhanh chóng “thất thủ” ở Sài Gòn. Đó chính là sai lầm lớn của những người kinh doanh món ăn này, mặc dù không ít người – kể cả người nổi tiếng trong giới showbiz - vừa lao vào kinh doanh, vừa nỗ lực PR cho món ăn này bằng rất nhiều thủ thuật khác nhau.
Thế mới thấy, quyền lực của người tiêu dùng lớn đến mức nào. Một khi họ đã không hài lòng về sản phẩm nào đó thì bất chấp sự tiếng tăm đã có sẵn của sản phẩm/món ăn lẫn người kinh doanh, bất kể các “chiêu thức” PR, họ vẫn sẵn sàng quay lưng, và sản phẩm/món ăn đó từ nay sẽ chẳng còn được mấy ai ngó ngàng đến!
Đây thực sự là bài học nhớ đời cho giới kinh doanh, và cũng thật đáng tiếc cho một “tinh hoa ẩm thực” đất Bắc khi không được đặt đúng vị trí của nó.