pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sau biến cố, bỏ ý định tha hương, "sống chết" với nghề bắp sấy xốp
Chị Võ Thị Dung Em đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề làm bắp sấy xốp
Đến cù lao Long Khánh (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp), hỏi nhà của chị Võ Thị Dung Em - chủ cơ sở bắp sấy xốp Quốc Vinh thì hầu như ai cũng biết. Khi chúng tôi đến, chị Dung Em đang cùng mẹ mình - năm nay đã 66 tuổi - đang tất bật với công việc để kịp giao cho khách.
Năm 2000, chị Dung Em bắt đầu đến với nghề làm bắp sấp xốp - công việc mà mẹ chị đã từng làm - sau khi nghỉ công việc bán xăng dầu. Nguyên liệu được chị mua chính từ những người nông dân trồng bắp ở cù lao Long Khánh. Với sự chỉ dạy của mẹ, chị Dung Em đã tự tay làm được những sản phẩm từ bắp được người tiêu dùng đánh giá cao với vị ngọt thanh, giòn hơn so với nhiều sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Tuy nhiên, trong suốt nhiều năm từ khi bắt đầu khởi nghiệp, chị phải đối mặt với nhiều khó khăn. "Do nhà cửa chật hẹp, lại làm hoàn toàn bằng thủ công nên bị ảnh hưởng rất nhiều vào thời tiết. Khi gặp mưa là bắp bị hỏng. Bên cạnh đó, trong quá trình làm chỉ cần sơ sẩy, không để ý một chút là sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Trong 6 năm đầu hầu như làm không có lợi nhuận", chị Dung Em nhớ lại.
Khó khăn chồng chất, đã có lúc, chị Dung Em dự tính khi con lớn hơn một chút sẽ bỏ nghề bắp sấy để đi Bình Dương, TPHCM tìm công việc mới. Nhưng chính trong thời điểm này, không may chồng chị qua đời. Thế là chị lại phải từ bỏ ý định tha hương để mưu sinh. "Nếu đi làm nơi khác, bỏ con lại thì không ai chăm sóc con cả", chị Dung Em kể.
Lúc này, với quyết tâm "sống chết" với nghề, chị Dung Em mày mò cho ra những sản phẩm mới hơn từ bắp, đậu phộng để chinh phục người tiêu dùng. Đến khoảng năm 2016, chị cũng bắt đầu vay vốn để đầu tư vào máy móc, bao bì… nâng cao chất lượng sản phẩm.
Những sản phẩm của chị cũng dần đến với người tiêu dùng ở nhiều tỉnh/thành như An Giang, TPHCM… chứ không còn bó hẹp tại địa phương.
Dịch Covid-19 xảy ra, chị lại gặp một phen lao đao vì trong kho còn rất nhiều bắp, đậu. Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền và "cầu cứu" các mối quen, chị bán được hết số bắp, đậu trong kho nhưng giá chỉ bằng phân nửa so với bình thường. "Các mối quen, quán xá cũng gặp khó khăn do buôn bán rất hạn chế. Mình bắt buộc phải bán chứ để lâu thì sản phẩm sẽ hỏng", chị Dung Em nói.
Giờ đây, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, chị Dung Em lại tiếp tục với công việc dù còn rất nhiều bộn bề khó khăn. "Các mối quen ở TPHCM mất hút", chị buồn rầu chia sẻ. Nếu như trước đây, vào những lúc hàng nhiều, chị và những lao động khác tại cơ sở phải làm việc đến tận 10-11 giờ đêm thì nay chừng hơn 4 giờ đã nghỉ. Giờ đây, chị lại thèm cảm giác được bận rộn như trước kia.
"Khó khăn vẫn còn phía trước nhưng tôi nhất định vẫn sẽ tiếp tục gắn bó với nghề. Tôi mong sẽ tiếp tục được hỗ trợ để đầu tư thêm máy móc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm", chị Võ Thị Dung Em chia sẻ.