Sau hàng loạt vụ vỡ nợ tiền tỷ: Dấu hiệu nhận biết 'bong bóng' sắp vỡ

09/11/2018 - 07:40
Các đối tượng vay nợ lớn thường núp dưới vỏ bọc doanh nhân thành đạt, chủ tiệm vàng, hoặc người có chức quyền ở địa phương. Họ đi xe đẹp, tiêu tiền như nước khiến nhiều người ngưỡng mộ. Khi đã tạo được lòng tin, họ bắt đầu tỉ tê những người thân quen để vay tiền với lãi suất cao. Những trường hợp này người dân cần cảnh giác, bởi nguy cơ vỡ nợ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Trong thời gian qua, tại các địa phương trong cả nước đã xảy ra nhiều vụ vỡ nợ với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Các vụ việc này đều có chung kịch bản là nhiều người dân cho một người quen vay số tiền lớn để hưởng lãi suất cao. Khi người vay không có khả năng chi trả thì tuyên bố phá sản, khiến hàng trăm gia đình lao đao.
Mới đây nhất, ngày 2/11, Cơ quan CSĐT (Công an tỉnh Quảng Trị) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Trần Thị Nhàn (32 tuổi, TP. Đông Hà, Quảng Trị) để điều tra, làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo lời khai, Nhàn dùng vỏ bọc là người kinh doanh nhà đất, cần tiền để đáo hạn ngân hàng nên ai cho vay sẽ được trả lãi suất rất cao. Tin tưởng, nhiều người đã cho Nhàn vay số tiền lớn, tổng cộng hơn 400 tỷ đồng. Đến tháng 8/2018, thấy Nhàn không có khả năng trả nợ nên nhiều chủ nợ đã làm đơn tố giác. Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu lừa đảo, cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án để điều tra.
Trước đó, cuối tháng 8/2018, trên địa bàn huyện Yên Phong (Bắc Ninh) đã xảy ra vụ vỡ nợ lớn khiến một người tự tử. Theo đó, bà Nguyễn Thị Khanh (sinh năm 1961, tại xã Tam Đa, huyện Yên Phong) đã vay nợ của nhiều người với lãi suất từ 1.000 đến 1.500 đồng/triệu/ngày. Sau đó, bà Khanh cho Trần Thị Bích ở cùng xã vay tiền lại với mức lãi suất từ 2.000 đồng đến 3.000 đồng/triệu/ngày. Tổng cộng, bà Khanh vay tiền của mọi người khoảng 120 tỷ đồng.
images1530015_quynh_thach.jpg
Các nạn nhân một vụ vỡ nợ ở Nghệ An

 Sau đó, bà Khanh nhiều lần đòi nợ nhưng bà Bích không trả khiến bà Khanh lâm vào tình trạng phá sản, tuyên bố vỡ nợ, mất khả năng thanh toán. Ngay sau đó, một số đối tượng đã đến nhà bà Khanh gây sức ép, đòi tiền nợ. Không chịu nổi áp lực, chồng bà Khanh là ông Trần Văn T. đã uống thuốc diệt cỏ tự tử.

Việc chủ nợ tuyên bố vỡ nợ khiến hàng trăm hộ gia đình khốn đốn, kiệt quệ. Bởi, trong số những nạn nhân, có trường hợp mang tất cả số tiền gia đình tích cóp cả đời để cho vay. Thậm chí, nhiều trường hợp còn đi cầm cố giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình cho ngân hàng lấy tiền cho vay để ăn chênh lệch lãi suất. Một số gia đình còn huy động tiền anh em, người thân, bạn bè để cho vay. Khi vỡ nợ, đã kéo theo sự đổ vỡ hàng loạt.
Đánh vào lòng tham
Hầu hết, các vụ vỡ nợ đều cơ quan truyền thông đăng tải, phát trên tivi, vậy tại sao người dân không cảnh giác mà vẫn cho vay? Theo bà Nguyễn Thị Mai, Giảng viên khoa Xã hội học (ĐH Công Đoàn) thì người vay đánh vào lòng tham của con người.
Theo đó, để được tin tưởng các đối tượng vay nợ có nguy cơ thường núp dưới vỏ bọc doanh nhân thành đạt, chủ tiệm vàng, hoặc người có chức quyền ở địa phương. Những người này phóng khoáng, ăn mặc đồ đắt tiền, đi xe đẹp, tiêu tiền như nước khiến nhiều người ngưỡng mộ. Khi đã tạo được lòng tin, họ bắt đầu tỉ tê những người thân quen để vay tiền với lãi suất cao. Lý do họ đưa ra là vay để đầu tư, để đáo hạn khoản vay khác…
1-22.jpg
Các vụ vỡ nợ tín dụng đen để lại hậu quả nặng nề với nhiều gia đình

Ban đầu, người vay trả lãi rất cao, từ 1.000 đồng đến 2.000 đồng/triệu/ngày, thậm chí còn hơn. Hơn nữa, mới đầu họ thường vay ít, trả gốc và lãi rất đầy đủ để tạo sự tin tưởng. Thậm chí, có trường hợp khi có người cho vay, họ sẵn sàng tặng thêm nhẫn, dây chuyền vàng và hứa sẽ thưởng thêm nếu giới thiệu thêm được người mới. Hám lợi, người này giới thiệu người kia, chị giới thiệu em,…

Người cho vay ban đầu cũng thấy “nghi”, nhưng rồi thấy người cho vay trước được trả lãi đầy đủ nên cũng dần tin tưởng. Không ít trường hợp tính toán, với lãi suất cao như vậy chỉ sau một thời gian họ sẽ thu hồi vốn. Vì thế, họ đã nhắm mắt “làm liều” mang tiền cho vay.
Số tiền vay được, người vay chỉ một số ít dùng để đầu tư, còn lại dùng để mua sắm đồ đạc, xe cộ tạo sự hào nhoáng để đánh bóng bản thân. Càng về sau, họ trả lãi càng cao để thu hút người cho vay. Đến khi không thể trả được nữa, họ tuyên bố vỡ nợ. Lúc này, người dân mới ngã ngửa, kéo đến đòi tiền thì con nợ đã mất khả năng thanh khoản.
Bà Mai cũng cho rằng, các vụ vỡ nợ “tín dụng đen”, ngoài nguyên nhân là lòng tham hưởng lãi suất cao thì phần lớn nạn nhân cũng đều thiếu hiểu biết xã hội. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn thì chỉ cần tỉnh táo một chút cũng có thể nhận biết được người vay tiền kinh doanh cái gì mà có thể trả lãi cao như vậy. Vì vậy, với những người đang có tiền nhàn rỗi, cần cảnh giác với những trường hợp gạ gẫm vay tiền với lãi suất cao để tránh rủi ro.
(Còn nữa)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm