Sau nghỉ lễ, nhiều trẻ nhập viện

04/05/2016 - 20:53
Sau kỳ nghỉ lễ dài, tại một số bệnh viện lớn của Hà Nội gia tăng bệnh nhi ốm phải vào viện.
Mới đầu giờ sáng, khu khám bệnh của khoa Nhi, BV Bạch Mai, Hà Nội, đã đông kín. Khu chờ không còn chỗ trống. Các phòng khám, bác sĩ làm việc hết công suất. Bé Minh Lâm, 3 tuổi ở quận Đống Đa, Hà Nội, đang nằm trên tay mẹ chờ đến lượt khám. 3 ngày nay bé sốt, ho nhẹ nhưng đêm qua ho nhiều, nôn khiến cả nhà lo lắng. Sáng nay, mẹ vội đưa bé vào viện khám. “Bé bỏ ăn, không uống sữa, ho nhiều… cho uống sirô ho bé không chịu. Cả ngày chỉ nằm không ăn uống gì”, mẹ Minh Lâm chia sẻ.
 
Bé Thảo My mới 18 tháng tuổi, được mẹ bế ra khỏi phòng khám. Mẹ bé thở phào: May quá bé chỉ viêm họng chưa xuống phổi. “Mấy ngày nghỉ lễ, cả nhà cho bé đi biển. Vừa về nhà bé bỗng sốt, ho. Suốt cả ngày cuối cùng của nghỉ lễ, bé không ăn uống gì, người mệt. Bé lại chưa biết nói nên không biết bé đau ở đâu, đành đưa vào viện kiểm tra”, mẹ Thảo My cho hay.
 
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khoa Nhi, BV Bạch Mai) cho biết, thời tiết thay đổi với nắng nóng đầu mùa khiến sức đề kháng của trẻ giảm, cộng thêm mật độ vi khuẩn, virus trong không khí tăng lên khiến trẻ mắc các bệnh hô hấp tăng trong thời gian gần đây. Cả khoa Nhi có 60 giường bệnh, nhưng có đến trên 100 trẻ nhập viện. Trong số này quá nửa là trẻ mắc các bệnh đường hô hấp: Viêm phổi, viêm tiểu phế quản...
 
“Với các bệnh đường hô hấp trên, trẻ chỉ sốt, ho... do sốt virus, cảm cúm thông thường thì không cần phải nhập viện, không cần dùng kháng sinh. Những trẻ có biểu hiện ho, sốt, kèm theo thở nhanh, rút lõm lồng ngực, mệt mỏi, suy hô hấp, biến chứng phổi thì cần đến BV khám và điều trị kịp thời”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo.
 
Tại BV Nhi TƯ, thống kê của BV cho thấy, hiện mỗi ngày BV tiếp nhận khoảng 2.000 bệnh nhi đến khám. Ngày cao điểm lên đến 2.200 trường hợp. Do đang là thời điểm chuyển mùa xuân sang hè, thời tiết thay đổi nhanh nên số trẻ nhỏ nhập viện gia tăng. Các bệnh thường gặp chủ yếu liên quan đến bệnh chuyển mùa như viêm đường hô hấp, viêm xoang, sốt virus, ho….
 
TS Trương Đình Bắc, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, thời tiết nắng, nóng làm cơ thể ra mồ hôi nhiều, nếu không được bù nước đầy đủ sẽ gây mất nước, điện giải; đồng thời nếu bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp, dễ gây bị nhiễm lạnh; việc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy cấp. Ngoài ra môi trường nắng nóng là điều kiện rất thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển, lây lan và gây bệnh như sốt do vi rút, bệnh đường hô hấp, bệnh đường tiêu hóa, bệnh viêm da do tụ cầu…
nhi.JPG
Trẻ mắc bệnh nặng phải điều trị nội trú tại BV Nhi Trung ương
“Để phòng bệnh trong thời gian này, mọi người không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để quạt thổi trực tiếp gần vào người để phòng bệnh đường hô hấp. Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng, tăng cường ăn trái cây để đảm bảo đủ vitamin nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể. Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...”, TS Trương Đình Bắc khuyến cáo.
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm