“Cánh tay” hữu dụng
Sản phẩm này chỉ mới xuất hiện trên thị trường phương Tây được vài tuần và cũng mới được giới trẻ ở Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore “cập nhật” khoảng chục ngày trước đây, song nó đã lập tức tạo nên một “cơn sốt” trong cộng đồng sử dụng mạng xã hội toàn thế giới. Thậm chí, cụm từ “Selfie Arm” đã được cập nhật trên từ điển cộng đồng Urban Dictionary.
Xét về tính năng, công cụ này chẳng khác mấy so với chiếc “gậy tự sướng” (selfie stick) - tức nối dài cánh tay của người sử dụng để có thể giúp họ tự chụp những bức ảnh của mình với một góc rộng hơn. Xét về hình thức, sản phẩm này được thiết kế như một cánh tay người, được làm bằng sợi thủy tinh và có trọng lượng nhẹ, cấu tạo chính gồm tay cầm và giá đỡ điện thoại, cũng được điều khiển bằng hệ thống bluetooth như “gậy tự sướng”.
Theo mô tả của anh Trần Vĩnh, một Việt kiều làm việc trong ngành công nghệ thông tin, đang sinh sống tại bang Florida (Mỹ), thì phần gắn điện thoại được thiết kế ở khuỷu tay, chỗ này có một bộ phận giúp giữ chắc smartphone. Người dùng cầm lấy phần bàn tay, chỉ việc thiết lập thời gian cho smartphone tự động chụp hoặc dùng thiết bị điều khiển từ xa để chụp là có thể lấy hình bản thân đang nắm bàn tay của một “người nào đó”. Cánh tay này có thể tương thích tốt với nhiều mẫu smartphone hiện có trên thị trường.
Chụp hình với Selfie Arm cho tấm ảnh như bạn đang nắm tay một ai đó
Nhìn chung, cách thức sử dụng khá đơn giản, xét về mặt công nghệ thì sản phẩm này không hẳn là một bước đột phá đáng kể so với sản phẩm “tiền nhiệm” từng được sử dụng rộng rãi trong giới trẻ vốn là ‘tín đồ” của mạng xã hội, có thói quen thường xuyên tải hình ảnh của mình lên mạng trong mọi hoạt động thường nhật.
Sản phẩm này được thiết kế bởi 2 thanh niên người Mỹ là Justin Crowe và Aric Snee, hiện có giá bán tại Mỹ lên tới 6.200 USD (hơn 130 triệu đồng) - tức gấp vài chục lần so với chiếc “gậy tự sướng” có cùng chức năng. Các nhà sáng chế hy vọng trong tương lai không xa, sản phẩm của họ sẽ thay thế những cây “gậy tự sướng”, trở thành “vật bất li thân” của hàng trăm triệu người. Chắc hẳn nếu điều này xảy ra thì họ sẽ dễ dàng bước chân vào “thế giới tỉ phú” - theo cách mà nhiều nhà sáng chế khác từng có được.
Không còn cô đơn?
“Đây là sản phẩm dành riêng cho những ai cô đơn. Khi xem ảnh, chúng ta sẽ có cảm giác người trong ảnh đang tay trong tay cùng một người giấu mặt nào đó. Và như thế rõ ràng nó không nhàm chán, lạnh lẽo như việc chúng ta chụp với gậy tự sướng kiểu cũ” - Justin Crowe và Aric Snee chia sẻ về lý do cho ra đời Selfie Arm.
Theo họ, với công cụ này, người thích chụp ảnh “tự sướng” sẽ không hề cô đơn vì luôn có “người giấu mặt” đi cùng trong mỗi bức ảnh. Việc cầm bàn tay rồi giơ lên chụp sẽ cho ra hình ảnh như ta đang cầm tay người yêu - xuất phát từ trào lưu “Nắm tay nhau đi khắp thế giới” đang rất “hot” trong giới trẻ.
Chiếc “gậy tự sướng” đã có đối thủ cạnh tranh
Thực chất, sản phẩm này là kết quả của một dự án xã hội về “trào lưu gậy tự sướng và niềm khao khát được công nhận và chú ý đến vẻ đẹp bản thân”. Selfie Arm được chào đón nồng nhiệt nhất ở một số nước như Hàn Quốc, Singapore, Pháp...
Mặc dù vậy, sản phẩm hiện cũng gây không ít tranh cãi trong cộng đồng sử dụng mạng xã hội, không chỉ bởi giá bán “cao chót vót” mà còn do hình thức khá… ghê rợn. Trong khi nhiều người ca ngợi, cho rằng đó là sản phẩm “giàu tính nhân văn”, giúp người chụp ảnh tự sướng không cảm thấy cô đơn (nhất là với những người đang sống trong cảnh cô độc), thì cũng có không ít ý kiến cho rằng giá sản phẩm “đắt một cách vô lý” hay cho đó là “sản phẩm của sự giả dối” và tin rằng sản phẩm sẽ chỉ có một “thị trường nhỏ”…
Đặc biệt, nhiều người đàn ông độc thân ở Đông Nam Á tỏ vẻ không thích sản phẩm này, phần vì hình thức của nó giống như bàn tay của một người đàn ông da trắng, phần vì họ “dị ứng” với việc chụp hình cùng một bàn tay… giả, có thể khiến họ gặp rắc rối khi sau đó có ý định làm quen với một cô gái nào đó.
Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An (Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam) nhận xét, Selfie Arm có thể xem như một “liệu pháp tinh thần giúp giảm bớt cảm giác cô đơn, trống rỗng ở người sử dụng”. Công nghệ đem lại cho con người rất nhiều điều tốt đẹp nhưng đồng thời lấy khỏi chúng ta những điều tuyệt vời khác. Việc phải trở thành một người cô độc, không còn bạn bè thân thiết, thật ra không quá khó hiểu với một bộ phận giới trẻ ngày nay. Do đó sản phẩm “bàn tay tự sướng” để hạn chế sự cô đơn khó có thể coi là giải pháp lâu dài, bền vững.
“Công nghệ dù có tân tiến thế nào cũng không thể thay thế được sự ấm áp giữa người và người. Khi cần một bàn tay để nắm, hãy bỏ thiết bị số xuống và quan tâm đến người khác nhiều hơn”, nhà văn trẻ Lưu Quang Minh bày tỏ. |