pnvnonline@phunuvietnam.vn
Số ca sởi và nghi sởi tại TPHCM tăng hơn 50%
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi mắc sởi
Ngày 3/9, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết trong tuần 35 (26/8 đến 1/9), thành phố ghi nhận 118 ca sốt phát ban nghi sởi, tăng 53,7% so với trung bình 4 tuần trước (77 ca). Trong đó có 106 ca sởi gồm 22 ca xác định phòng thí nghiệm và 84 ca nghi ngờ lâm sàng.
Như vậy, tổng số ca sốt phát ban nghi sởi trên địa bàn TPHCM tích lũy từ đầu năm đến ngày 1/9 là 644 ca. Các quận huyện có số ca mắc cao bao gồm quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn.
Được chính thức triển khai từ ngày 31/8, tính đến ngày 2/9, chiến dịch tiêm vaccine sởi đã tiêm được cho 12.625 trường hợp, trong đó có 77 trường hợp trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao được tiêm tại bệnh viện và 19 trường hợp là nhân viên y tế.
Hôm nay (3/9), chiến dịch tiêm vaccine sởi tiếp tục diễn ra với 305 bàn tiêm tại các quận huyện, TP Thủ Đức và 1 bệnh viện tuyến thành phố với tổng số trẻ dự kiến được tiêm là 7.221.
Theo HCDC, kết quả giám sát cho thấy quy trình tổ chức tiêm chủng tại các Trạm y tế được thực hiện đúng quy định. Các điểm tiêm đều đảm bảo an toàn và hiệu quả, từ khâu chuẩn bị đến tiêm chủng và xử lý phản ứng sau tiêm. Công tác truyền thông tại các Trạm y tế cũng được thực hiện rộng rãi, giúp người dân hiểu rõ về tầm quan trọng của việc tiêm phòng và khuyến khích họ đưa trẻ em đi tiêm đúng lịch.
BS.CKI Trần Ngọc Lưu, khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) cho biết, giai đoạn khởi phát của bệnh sởi, trẻ thường có các biểu hiện của triệu chứng viêm long đường hô hấp như đỏ mắt, ho, hắt hơi, sổ mũi; một số trẻ kèm theo vết loét, nổi ban trong miệng.
Khi mắc sởi, trẻ sốt cao và khó hạ trong vòng 5-7 ngày đầu, sau ngày 4-5 của phát ban thì tình trạng sốt sẽ giảm. Khi mắc sởi thì trẻ cũng dễ gặp phải các biến chứng như viêm loét giác mạc, viêm tai giữa, viêm phổi.
Theo bác sĩ Ngọc Lưu, khi trẻ mắc sởi, tốt nhất là nên chăm sóc trẻ trong môi trường đủ thông thoáng, đủ ánh sáng để quan sát kịp thời các dấu hiệu bất thường như chảy mủ tai, nhòe mắt nhiều, trẻ thở nhanh, thở mệt. Một số trẻ mắc sởi thì còn kèm theo các vấn đề về đường tiêu hóa, trẻ có thể bị tiêu chảy nhiều dẫn đến mất nước.
Do vậy phụ huynh nên chia nhỏ cữ ăn, cho trẻ ăn những thức ăn dễ tiêu; không nên kiêng ăn tuyệt đối vì có thể khiến cho trẻ bị thiếu chất, suy dinh dưỡng. Trẻ bị sởi thì không cần kiêng gió kiêng nước; nên cho trẻ tắm, lau người nhẹ nhàng cho trẻ.
Ngành y tế khuyến cáo, ngoài tiêm vaccine phòng sởi, người dân cũng lưu ý thực hiện các biện pháp sau để phòng bệnh sởi, bao gồm: giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên và vệ sinh nhà cửa sạch sẽ.
Đồng thời, cung cấp chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng, duy trì chế độ vận động, luyện tập thể dục thể thao khoa học để nâng cao sức đề kháng. Bên cạnh đó, cần hạn chế tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ sởi như sốt, phát ban và viêm long ho hấp (ho, chảy nước mũi …). Khi có biểu hiện sốt phát ban dạng sởi thì cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.