Nhận ra tầm qua trọng của hình thức hòa giải ở cơ sở trong việc tăng cường tiếp cận trợ giúp pháp lý của người dân Việt Nam, đặc biệt là các nhóm yếu thế, ngày 22/8, Liên minh châu Âu (EU), Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Bộ Tư pháp đồng tổ chức Hội thảo “Góp ý Bộ công cụ khảo sát, đánh giá thực trạng giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải ở cơ sở”. Đây là hoạt động được tổ chức trong khuôn khổ chương trình “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE).
Ở Việt Nam, hòa giải ở cơ sở là hình thức giải quyết tranh chấp ngoài toà án phổ biến nhất. Hoà giải ở cơ sở thường được sử dụng để giải quyết các tranh chấp phát sinh từ các mối quan hệ gia đình, dân sự hoặc ở trong cộng đồng địa phương. Hình thức này được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam.
Kể từ khi Luật Hòa giải cơ sở được ban hành năm 2013, tính đến nay, cả nước có hơn 100.000 tổ hòa giải được thành lập với hơn 650.000 hòa giải viên. Trong đó, số hòa giải viên là nữ chiếm hơn 28%, số hòa giải viên là người dân tộc thiểu số cũng chiếm khoảng 1/4 tổng số hòa giải viên cả nước. Gần 800.000 vụ, việc tranh chấp đã được giải quyết bằng hòa giải ở cơ sở kể từ năm 2014 đến năm 2018.
Tuy nhiên, thực trạng hòa giải ở cơ sở tại Việt Nam còn đặt ra nhiều thách thức như: Nâng cao năng lực hòa giải viên, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong giải quyết các tranh chấp dân sự ngày một phức tạp thông qua hòa giải ở cơ sở; đẩy mạnh áp dụng hòa giải ở cơ sở trong xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên và hòa giải giữa người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý, hoặc tội phạm ít nghiêm trọng với người bị hại trong một số trường hợp theo quy định của Bộ luật Hình sự, nhằm thực hiện chủ trương chuyển hướng xử lý hành vi vi phạm pháp luật, giải quyết tranh chấp về hòa giải ở cơ sở.
Nhu cầu cấp thiết trong việc đánh giá thực trạng công tác hoà giải ở cơ sở hiện tại. Đánh giá này sẽ giúp cung cấp một nền tảng đáng tin cậy nhằm tìm ra những giải pháp tiếp theo để cải thiện công tác hoà giải ở cơ sở tại Việt Nam. “Chúng ta cần hợp tác để xây dựng một bộ công cụ khảo sát hữu hiệu nhằm đánh giá thực trạng công tác hòa giải ở cơ sở hiện nay. Hoạt động này sẽ hỗ trợ Việt Nam tiếp tục nỗ lực thúc đẩy trao quyền pháp lý và tiếp cận công lý tới tất cả mọi người”, bà Sitara Syed - Phó Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam chia sẻ.
Theo ông Lê Vệ Quốc - Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp - ở Việt Nam, hoạt động hòa giải ở cơ sở là một phương thức giải quyết tranh chấp tại cộng đồng mang tính nhân đạo và nhân văn sâu sắc, không chỉ hàn gắn mối quan hệ xã hội bị phá vỡ mà còn giúp các bên xóa bỏ bất đồng, chính kiến, tiếp tục duy trì và phát triển mối quan hệ với nhau ngày càng bền vững, tiến tới xây dựng cộng đồng, khu dân cư ổn định, bình yên, hòa thuận và hạnh phúc. Công tác hòa giải ở cơ sở đã kịp thời hòa giải những tranh chấp, bất đồng ngay từ khi mới phát sinh ngay tại cơ sở, giải quyết dứt điểm mâu thuẫn, tranh chấp, không để tranh chấp kéo dài, khó xử lý, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.