Đa phần họ bị người thân, người quen lợi dụng lừa bán sang Trung Quốc khi tuổi đời còn trẻ. Trở về sau hàng chục năm lưu lạc xứ người, có người trở nên điên dại, có người mất toàn bộ sức lao động, có người đến ngay cả tấc đất cắm dùi cũng không có.
Số phận đắng cay của những nạn nhân mua bán người ở Hải Dương
Hải Dương trong quá khứ từng là một trong số những tỉnh/thành có tình hình tội phạm mua bán người diễn biến hết sức phức tạp. Chúng thường lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của các cô gái trẻ ở vùng nông thôn chưa có việc làm ổn định, muốn thoát ly gia đình để mưu cầu cuộc sống đầy đủ.
Ngoài những trường hợp hành nghề lang bạt, tội phạm mua bán người có khi chính là người thân, người quen trên địa bàn nạn nhân sinh sống. Khi bị đồng tiền che mờ mắt, chúng nhẫn tâm dụ dỗ, lừa gạt, bán các thiếu nữ trẻ cho những đường dây mua bán người xuyên quốc gia.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Công an tỉnh Hải Dương, đến năm 2013, trên địa bàn Hải Dương có khoảng 135 phụ nữ, trẻ em bị mua bán... Với đặc thù như vậy nên công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này gặp rất nhiều khó khăn, trong khi đối tượng gây án thường là người từng trải, tinh vi, xảo quyệt và tổ chức qua nhiều khâu trung gian.
Chú lừa lừa bán cháu cho đường dây buôn người
Chị Đắng (nhân vật đã được đổi tên, SN 1976, trú tại huyện Thanh Hà, Hải Dương). Bố mẹ chị chia tay nhau từ sớm, mẹ chị Đắng một mình bươn trải nơi xứ người (Trung Quốc) kiếm tiền gửi về nuôi 4 con nhỏ, suốt nhiều năm trời không trở về nhà. Lợi dụng hoàn cảnh và tâm lý muốn gặp mẹ của chị Đắng, một người chú rể đã dụ dỗ, bán chị cho đường dây mua bán người tại Hải Phòng.
Sang bên Trung Quốc, chị Đắng bị cưỡng ép kết hôn làm vợ một người dân bản địa hơn 60 tuổi ở tỉnh Quảng Đông. Sau gần 30 năm sinh sống cùng người đàn ông này, chị Đắng có 2 người con. Trong một lần sang tỉnh Quảng Tây làm việc, chị bị chính quyền địa phương phát hiện cư trú bất hợp pháp và bị trục xuất về Việt Nam vào năm 2020.
Trở về quê nhà sau hàng chục năm xa cách, một thước đất cắm dùi cũng không có, chị Đắng đang phải sống ở nhà người em họ, không có việc làm và phải chăm sóc người anh trai bị tâm thần.
"Tôi đi xin việc, công ty không nhận do làm chậm, mắt kém. Thôi thì ở nhà, người ta gọi cái gì làm cái đấy thôi", chị Đắng bùi ngùi.
Ở bên Trung Quốc, 2 người con của chị Đắng đã lập gia đình. Trong những ngày này, mỗi khi nằm nghỉ, chị đều rơm rớm nước mắt, ao ước một ngày được sum vầy cùng những đứa con, đứa cháu của mình.
"Bây giờ tôi chỉ mong ước làm sao làm được thủ tục giấy tờ đi sang bên đấy gặp được lại chồng con là mừng. Ở nhà lắm lúc nằm nghĩ đến con cũng chỉ muốn khóc, cũng chẳng biết làm sao cả", chị Đắng nghẹn ngào.
Bỗng nhiên trở về nước trong bộ dạng "hấp hối"
Không may mắn như chị Đắng khi trở về Việt Nam vẫn trong tình trạng khỏe mạnh và nhận thức bình thường, chị Cay (nhân vật đã được đổi tên, SN 1985, trú tại huyện Gia Lộc) bị một đối tượng xấu (không rõ danh tính) lừa bán sang Trung Quốc từ năm lên 10 tuổi.
Chị lưu lạc nơi xứ người gần 15 năm, trong cảnh bệnh động kinh hay tái phát, sức khỏe suy sụp tưởng như không qua khỏi. Năm 2009, các đối tượng buôn người bí mật đưa chị Cay qua biên giới Việt Nam. "Đột xuất là về, sắp chết rồi, người ta không làm ma cho bên đấy, người ta cho về. Gia đình tôi cũng chẳng biết ai đưa nó đến đây", bà T.T.N (64 tuổi), mẹ chị Cay, chia sẻ.
Tình trạng sức khỏe của chị Cay khi đó như ngọn đèn dầu sắp cạn, bà N. phải gọi trạm trưởng y tế xã xuống ngay để tiêm trợ sức và đưa đi cấp cứu. Trong cảnh nhà túng bấn, để cứu con, bà N. vay mượn khắp nơi đưa con lên các bệnh viện trên Hà Nội chạy chữa. Chữa bướu cổ xong, về nghỉ ngơi lấy sức 1 tháng, bà N. lại đưa con lên một bệnh viện thâm thần chữa trị thêm vài tháng.
Ở tuổi gần 40 nhưng chị Cay giống như một đứa trẻ, ai hỏi gì nói đấy, đôi lúc còn nói không ra hơi, không hiểu người hỏi nói gì. Kể từ lúc trở về nhà, chị chỉ ngồi, nằm một chỗ, không làm được việc gì. Mọi thứ cơm nước, tắm rửa, bà N. phải lo hết.
Tình cảnh trở nên bi đát khi cả hai vợ chồng bà N. cũng thường xuyên đau yếu. Bà N. bị bệnh tiểu đường nặng, đã 6-7 năm nay không thể lo công việc đồng áng được. Còn chồng bà là cựu chiến binh, bị viêm phổi nặng, có tháng phải đi viện 2-3 lần chữa trị. Kinh tế gia đình đè nặng lên vai của con trai và con dâu, làm công nhân với đồng lương ít ỏi.
Gian bếp bà N. cải tạo để có nơi cho con gái ở
Mới đây, vì căn nhà cấp 4 chật chội, không đủ chỗ cho 5 con người, bà N. phải cải tạo lại gian bếp để làm nơi trú ngụ cho con gái. Trong cái nắng gay gắt của những ngày hè, dù đã bật quạt nhưng mồ hôi vẫn túa ra trên má, bà N. dùng chiếc khăn ân cần lau mồ hôi cho con.
Biết rằng chẳng sống được bao lâu, trong khi cuộc sống của con gái còn dài, bà N. gạt nước mắt chia sẻ: "Tôi chỉ mong ước một điều thôi, các cấp các ngành làm sao để hỗ trợ cho cháu được gian nhà gian cửa, cháu ở cho cháu đỡ khổ. Còn về phần tôi, còn sống được ngày nào hay ngày ấy, tôi sẽ cố gắng làm tròn bổn phận của một người mẹ".
Chạnh lòng nhớ con
Cũng là nạn nhân của mua bán người nhưng cuộc đời chị Quá (nhân vật đổi tên, SN 1973, trú tại huyện Thanh Hà) có phần may mắn hơn. Chị Quá bị người anh họ lừa bán sang Trung Quốc cho một người nông dân đứng tuổi ở tỉnh Quảng Đông.
Tuy nhiên, trong cuộc sống vợ chồng, người đàn ông này chưa từng một lần hành xử vũ phu với chị. Những lúc khó khăn, cả hai thường bảo ban nhau làm ăn, chị Quá theo anh chăn vịt, trồng rau, làm cỏ bán lấy tiền sinh sống.
"Chúng tôi có 1 người con, cuộc sống gia đình hạnh phúc lắm. Tôi lấy anh ấy hơn chục năm nhưng anh ấy chưa đánh tôi một lần nào. Chỉ dịu dàng bảo ban, động viên nhau cố gắng làm ăn", chị Quá xúc động nhớ lại.
Cũng bởi vậy, cộng thêm hoàn cảnh con nhỏ, không muốn con thiếu vắng tình cảm của người mẹ, chị Quá đành nén lại ước mong trở về quê nhà. Nhưng cách đây 7 năm, chồng chị qua đời, chị cũng vì thế mà buồn rầu ốm nặng, chân tay trở nên teo tóp, không thể đứng vững. Lúc này, người con của chị đã bước sang tuổi 23 và làm công nhân ở gần nhà.
Trong một lần sang Trung Quốc du lịch, 1 người phụ nữ quê Hải Phòng bỗng gặp chị Quá và có ý muốn giúp đỡ chị về nơi chôn rau cắt rốn. Trước sự phản đối của họ hàng gia đình chồng và người con trai, chị Quá và người phụ nữ đó đã cố gắng thuyết phục con trai, ra đi một cách bí mật. Ở quê nhà nhận được tin tức từ trước, mẹ và các em đã chạy vạy nhiều nơi vay tiền, thuê xe đón chị ở đường biên giới Móng Cái (Quảng Ninh) với Trung Quốc.
Bà N.T.G (74 tuổi) tóc bạc trắng, đôi mắt dần mù lòa, xót xa chăm sóc con
Trở về nhà sau đúng 30 năm xa cách, bố đã mất, em út chịu di chứng chiến tranh cũng vừa qua đời, nhìn cảnh mẹ già 74 tuổi chăm sóc người em gái gần 40 tuổi, chị Quá rơm rớm nước mắt. Bởi giờ đây, chị lại thêm gánh nặng vào vai mẹ, khó khăn đã khiến một con mắt của mẹ dần trở nên mù lòa.
"Tôi bây giờ không có sức khỏe, không thể tự chủ đi lại được, nhiều lần bị ngã. Nhìn cảnh mẹ già chăm sóc hai chị em, tôi cũng rất xấu hổ với mẹ. Tôi chỉ mong ước được khỏe mạnh để cùng mẹ, cùng em làm ăn", chị Quá nói trong tiếng nấc.
Khi đã thỏa được nỗi nhớ nhà, gần gũi với mẹ và những người em ruột, trái tim chị Quá lại bị nỗi nhớ con đè nặng. Đã hơn 1 năm nay, 2 mẹ con chị không liên lạc được với nhau. Chị không biết sử dụng điện thoại thông minh, con nhiều lần gọi điện cho các cậu nhưng vì bất đồng ngôn ngữ mà bị gián đoạn.
Trước khi chị về Việt Nam, con chị đã có bạn gái, chị cũng không biết rằng cháu đã lập gia đình chưa. Trong thâm của người mẹ chỉ mong rằng, con chăm chỉ làm ăn, giữ gìn sức khỏe. "Nếu được, tôi mong cháu về thăm tôi một chút thôi, một chút thôi rồi đi cũng được", chị Quá rơm rớm nước mắt nói.
Chia sẻ về hoàn cảnh của gia đình chị Quá, ông Mai Văn Vầng (58 tuổi), Trưởng thôn nơi chị cư trú, cho biết: "Ông bà G. sinh được 6-7 người con, trong đó có 2 người con bị tàn tật là trường hợp đặc biệt của thôn. Một người con bị tàn tật nặng đã qua đời, hiện tại còn một người đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội, chế độ chất độc màu da cam và đang sống với bà cụ. Hiện nay thêm trường hợp của cô Quá, bị buôn bán trừ Trung Quốc trở về, không còn sức lao động, hoàn cảnh càng trở nên khó khăn hơn".
Những trường hợp phụ nữ là nạn nhân của tội phạm mua bán người kể trên chỉ là một khía cạnh rất nhỏ trong bức tranh toàn cảnh của nạn mua bán người. Nhưng qua đó ta thấy phần nào số phận bất hạnh, đắng cay mà những con người yếu thế phải chịu đựng. Từ đó cần tiếp tục lên án, ngăn chặn, phát hiện, tố giác tội phạm mua bán người, để không còn tái diễn những câu chuyện buồn như trên.
Hội LHPN tỉnh Hải Dương thăm hỏi, động viên phụ nữ bị buôn bán từ Trung Quốc trở về và gia đình họ
Góp phần giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, trong thời qua, TƯ Hội LHPN Việt Nam và các tổ chức quốc tế đã triển khai thành lập Văn phòng OSSO (Văn phòng Dịch vụ Một điểm đến) tại Hải Dương nhằm hỗ trợ họ nhằm tăng cường năng lực cho các cơ quan Việt Nam nhằm hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho Phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ - trong đó có đối tượng phụ nữ là nạn nhân của mua bán người trở về.
Những dịch vụ được cung cấp miễn phí dưới hình thức trực tiếp tại Văn phòng OSSO Hải Dương (Đường Đỗ Ngọc Du, Phường Tân Bình, TP Hải Dương) và trực tuyến theo hotline 1800 599967 và các ứng dụng khác, gồm:
- Tư vấn/tham vấn và hỗ trợ chuyển tuyến trợ giúp pháp lý, các chính sách bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em, đặc biệt là trong lĩnh vực hôn nhân - gia đình.
- Tư vấn/tham vấn và hỗ trợ kết nối dịch vụ y tế, giáo dục, đào tạo, học nghề
- Tư vấn/tham vấn tâm lý, hỗ trợ kỹ năng phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, chăm sóc con cái,…
- Tư vấn/tham vấn và hỗ trợ kết nối dịch vụ về lao động, việc làm, vay vốn, khởi nghiệp kinh doanh
- Tư vấn/tham vấn tham gia các hoạt động của tổ chức Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.
- Chăm sóc, tư vấn cho trẻ em đi theo mẹ.
Thực hiện: Trường Hùng