Sổ tay chăm sóc sức khỏe dành cho lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc

Bài và ảnh: An Khê
18/07/2022 - 19:49
Sổ tay chăm sóc sức khỏe dành cho lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc

Ảnh minh họa

Ngày 18/7, Tổng cục Dân số, Bộ Y tế đã phối hợp với Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Giới thiệu Sổ tay Sức khỏe Người di cư dành cho lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc.

Sổ tay Sức khỏe Người di cư được xây dựng dưới hình thức hỏi-đáp, ngắn gọn, thiết kế bắt mắt do chuyên gia của Nhật Bản, Hàn Quốc thực hiện. Cuốn sổ cung cấp những thông tin cơ bản về sức khỏe cho lao động Việt Nam tại Nhật Bản và Hàn Quốc, bao gồm hệ thống y tế, bảo hiểm xã hội - y tế, an toàn lao động, phòng chống bệnh truyền nhiễm, sức khỏe sinh sản, tránh mang thai ngoài ý muốn, sức khỏe tinh thần, xây dựng lối sống lành mạnh, khỏe mạnh, những thông tin dẫn chiếu tham khảo, hỗ trợ và bảo hộ công dân.

Cẩm nang chăm sóc sức khỏe người di cư dành cho lao động Việt Nam - Ảnh 1.

Các khách mời tham dự chương trình

Ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng Cục trưởng Tổng Cục dân số Kế hoạch hóa gia đình cho hay, di cư là một hiện tượng mang tính toàn cầu. Trên thế giới hiện có 281 triệu người di cư trong tổng dân số gần 8 tỷ người; phụ nữ di cư chiếm 48% và lao động di cư chiếm 60%.

Dân số Việt Nam hiện nay là 98 triệu người, đứng thứ 15 thế giới, thứ 8 châu Á và thứ 3 cộng đồng ASEAN. Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với 66,6 triệu người trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi), chiếm 68% tổng dân số. Số lượng dân số trong độ tuổi lao động lớn, mang đến nhiều lợi thế cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nhưng cũng chắc chắn tác động rất lớn đến các dòng di cư tại Việt Nam.

Việt Nam là nước xuất cư, hiện có khoảng 600.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hàng năm, số kiều hối chuyển về trong nước ước đạt 3-4 tỷ USD. Từ năm 2015 đến 2019, mỗi năm có trên 100 nghìn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (2019 là trên 152 nghìn người). Các thị trường truyền thống và trọng điểm như Nhật Bản (250 ngàn lao động), Đài Loan (230 ngàn lao động), Hàn Quốc (40 ngàn lao động) và Malaysia (10 ngàn lao động). Thị trường Nhật Bản và Đài Loan chiếm trên 90% lao động Việt Nam ở nước ngoài.

Di cư là một sự tất yếu và là động lực của phát triển kinh tế-xã hội của bất cứ quốc gia nào. Người di cư gặp nhiều những khó khăn, thách thức tại nơi đến, nhất là di cư quốc tế. Những khó khăn, rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, lối sống, sự hiểu biết pháp luật, xa gia đình và người thân và cả việc tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ chăm sóc y tế sẽ tác động đến cuộc sống, sức khỏe, sức khỏe tinh thần của người di cư. Người di cư là một trong những nhóm dân số dễ bị tổn thương. Người di cư khỏe mạnh là lực lượng lao động quan trọng cho sức khỏe của doanh nghiệp, sức khỏe của nền kinh tế.

Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã chỉ đạo cần quan tâm, đầu tư hơn nữa đối với nhóm dân số dễ bị tổn thương trong đó có người di cư.

Bà Park Mihyung Trưởng Phái đoàn IOM tại Việt Nam nhấn mạnh: Chúng tôi thực sự đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Chúng tôi đã làm việc với các bên có liên quan tại Nhật Bản và Hàn Quốc về thiết lập một nền tảng hợp tác nhằm bảo đảm sức khỏe người di cư Việt Nam và đã nhận được những phản hồi tích cực. IOM mong tiếp tục nhận được và sẵn sàng làm việc với các bên về kế hoạch triển khai sổ tay nhằm nâng cao sức khỏe người di cư Việt Nam.

Ông Lương Quang Đảng: Vụ Trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Tổng cục Dân số cho biết: Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý Lao động ngoài nước thì có khoảng 600.000 người Việt Nam đang làm việc và sinh sống tại nước ngoài. Trong đó thị trường rất lớn như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc.

Ông Lương Quang Đảng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ - Tổng cục Dân số

Như vậy đặt ra vấn đề rất lớn tiếp cận thông tin chăm sóc sức khỏe nói chung về sinh sản, kế hoạch gia đình nói riêng. Người lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài có nhiều rào cản về mặt ngôn ngữ, văn hóa, lối sống, chính sách, pháp luật ở nước sở tại. Ngay cả việc hiểu biết về hệ thống chăm sóc sức khỏe như thế nào làm thế nào để tiếp cận được các dịch vụ này cũng là một trong những rào cản. Chính vì thế nhóm kỹ thuật sức khỏe người di cư đã đưa ra sáng kiến xây dựng cuốn sổ tay sức khỏe dành cho người di cư ở Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trong cuốn sổ tay bao gồm những kiến thức cơ bản về hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe, tinh thần, sinh sản, tránh mang thai ngoài ý muốn, lao động an toàn, lối sống lành mạnh, thông tin tham khảo hỗ trợ cho người Việt Nam tại nước ngoài. Thiết kế ngắn gọn, nhân vật là lao động di cư, hình ảnh thân thiện, song ngữ để dễ dàng tra cứu, tham khảo. Hướng đến đối tượng lao động Việt Nam ở nước ngoài, ngoài ra thêm đối tượng ở Trung Đông - Ông Đảng khẳng định.

- Nhóm Kỹ thuật Sức khỏe Người di cư Việt Nam do Bộ Y tế thành lập năm 2021.

- Mục tiêu của Nhóm là hỗ trợ kỹ thuật, tham gia đóng góp xây dựng các chương trình liên quan đến di cư và sức khỏe người di cư, thúc đẩy sự tham gia, kết nối, chia sẻ giữa các bên liên quan trong lĩnh vực này.

- Thành viên bao gồm các đại diện đến từ Bộ Y tế, Bộ Lao động Thương bình và Xã hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương LHPN Việt Nam và một số cơ quan của Liên hợp quốc như Tổ chức Di cư Quốc tế, Tổ chức Y tế Thế giới, cơ quan phòng chống AIDs Liên hợp quốc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm