Thông tin trên được Chủ tịch Hội đồng Dân tộc (HĐDT) của Quốc hội Hà Ngọc Chiến công bố vào sáng 23/10, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV khi trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, MN giai đoạn 2016 – 2018.
Theo ông Hà Ngọc Chiến, tỷ lệ lao động vùng dân tộc thiểu số đạt trình độ cao đẳng trở lên hiện mới chỉ đạt 3% - một tỷ lệ rất thấp. “Cần bổ sung thông tin, số liệu cụ thể, phân tích, đánh giá đúng mức hơn thực trạng giải quyết việc làm và công tác dạy nghề ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi” – ông Chiến nhấn mạnh.
Cũng theo ông Chiến, tình trạng thất nghiệp của thanh niên dân tộc thiểu số là 5,76% - cao hơn gấp 2,5 lần so với tỷ lệ thất nghiệp của cả nước là 2,34%. Ông băn khoăn đến con số báo cáo lao động trong độ tuổi có việc làm của thanh niên vùng dân tộc thiểu số với 86% - cao hơn mặt bằng chung cả nước, là chưa sát thực tế.
“Hiện nay do khu vực miền núi thiếu việc làm dẫn đến tình trạng lao động tự phát qua biên giới, lao động tự do về các trung tâm đô thị, xu hướng đi lao động ở các khu công nghiệp, hầm mỏ ngày càng nhiều. Đây là những vấn đề mới cần được bổ sung và nghiên cứu để có những chính sách phù hợp hỗ trợ cho lao động dân tộc thiểu số” – ông Chiến nêu.
Cũng trong báo cáo thẩm tra, ông Hà Ngọc Chiến cho biết hiện tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số đi học THPT chỉ đạt hơn 41%. Tỷ lệ biết đọc, biết viết của người dân tộc thiểu số (DTTS) chỉ đạt 79,2% trong khi cả nước là 94,7%.
Báo cáo cũng chỉ ra rõ một số dân tộc có tỷ lệ đi học THPT và tỷ lệ biết chữ phổ thông thấp. Mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục.
Các chương trình, dự án hỗ trợ, đầu tư cơ sở hạ tầng giáo dục vùng DTTS, MN còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, kéo dài qua nhiều giai đoạn nhưng vẫn chưa hoàn thành.
Theo Hội đồng dân tộc, Bộ GD&ĐT cần tham mưu cho Chính phủ đánh giá, phân tích một cách đầy đủ, sâu sắc hơn thực trạng giáo dục vùng DTTS, MN để có cách nhìn toàn diện, sát thực làm cơ sở cho những đề xuất giải pháp chính sách nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trong giai đoạn tới.