pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm - Bài cuối: Cẩm nang mới cho phụ nữ và cha mẹ trên mạng xã hội

Ảnh minh hoạ
Định danh toàn bộ hệ thống truy cập internet
Theo Công an thành phố Hà Nội, thời gian qua, xuất hiện thủ đoạn lừa đảo qua hình thức mạo danh ngân hàng để tuyển dụng nhân viên. Các đối tượng sẽ yêu cầu nạn nhân tham gia trải nghiệm dự án của ngân hàng rồi dẫn dắt nạn nhân đầu tư để chiếm đoạt tiền.
Theo cơ quan chức năng, ngày 17/11/2024, chị Nguyễn Thị Đ. (ở quận Long Biên) đăng ký tuyển dụng nhân sự của một ngân hàng trên Facebook. Sau đó, chị Đ. nhận được cuộc gọi của một đối tượng giới thiệu là bộ phận tuyển dụng nhân sự ngân hàng, thông báo lịch hẹn phỏng vấn online. Hai ngày sau, chị Đ. được gửi email hướng dẫn tải phần mềm và trải nghiệm dự án của ngân hàng. Kể từ lúc này, chị Đ. bị dẫn dắt và mất gần 2 tỷ đồng. Khi chị Đ. nhận ra mình bị lừa mới hốt hoảng đi trình báo Công an.
Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), cho biết, việc mạo danh các cơ quan chức năng như Công an, Viện kiểm sát, Tòa án… để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân đã được các đối tượng xấu sử dụng trong khoảng 10 năm trở lại đây. Loại hình tội phạm này có những sự chuyển biến, cập nhật phương thức rất nhanh. Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết thêm, vừa qua, lợi dụng việc Bộ Công an phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai thực hiện Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023, trong đó có các quy định về yêu cầu xác thực sinh trắc học đối với các giao dịch từ trên 10 triệu đồng, các đối tượng đã ngay lập tức chuyển sang phương thức giả mạo nhân viên ngân hàng yêu cầu người dân tải ứng dụng ngân hàng giả mạo để cập nhật dữ liệu sinh trắc học. Mặc dù Bộ Công an và các ban, ngành liên quan đã và đang có nhiều biện pháp để phòng ngừa, đấu tranh với loại hình tội phạm này, các quy định hiện tại vẫn còn những bất cập, sơ hở để các đối tượng lợi dụng phạm tội. Cụ thể, Quyết định số 2345/QĐ-NHNN chưa yêu cầu xác thực sinh trắc học đối với loại hình tài khoản doanh nghiệp. Do đó, các đối tượng thường xuyên lợi dụng loại tài khoản này để thực hiện hành vi phạm tội.
Nhằm phòng ngừa và đấu tranh với các hành vi trên, Bộ Công an đã thường xuyên phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông, tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn của loại hình tội phạm này nhằm nâng cao ý thức cảnh giác của người dân. Bộ cũng kiến nghị Chính phủ hoàn thiện các cơ sở pháp lý, không để tồn tại sơ hở, thiếu sót để các đối tượng lợi dụng; phối hợp với Ngân hàng nhà nước, các đơn vị chức năng ngăn chặn, xử lý dòng tiền của các đối tượng lừa đảo; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai việc xác thực, định danh đối với các tài khoản, thuê bao trên các lĩnh vực thông tin, viễn thông… tiến tới định danh toàn bộ hệ thống truy cập internet, góp phần xác minh, làm rõ các đối tượng vi phạm.
Liên quan đến công tác phòng ngừa tình trạng lộ, mất dữ liệu, Trung tá Triệu Mạnh Tùng cho biết, Bộ Công an đang tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân, đồng thời tham mưu Chính phủ xây dựng Luật Bảo vệ Dữ liệu cá nhân, dự kiến trình Quốc hội khóa XV thảo luận tại Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ họp thứ 10. Đây được xem là giải pháp căn cơ, tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân. Ngoài ra, Bộ Công an tiếp tục thường xuyên phối hợp với các cơ quan, tổ chức tiến hành rà soát, đánh giá về đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin trong việc vận hành các hệ thống thông tin; thường xuyên tổ chức nắm tình hình, xác minh các nhóm đối tượng hoạt động mua bán thông tin, dữ liệu cá nhân trên các nền tảng kín như Telegram, Viber, Zalo… và xử lý khi đủ căn cứ theo quy định.

Một nạn nhân đến cơ quan Công an trình báo sau khi bị lừa đảo trên mạng
Cần làm gì để an toàn trên không gian mạng?
Mới đây, Công an tỉnh Nghệ An đã đưa ra cảnh báo về tình trạng xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Theo đó, thời gian qua, mặc dù các ngành chức năng, nhà trường, gia đình đã có nhiều biện pháp quản lý, giáo dục con em và cơ quan Công an tập trung đấu tranh, xử lý nghiêm tội phạm xâm hại tình dục trẻ em nhưng tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp.
Bà Gaelle Demolis, chuyên gia chương trình và chính sách quản trị, hòa bình và an ninh Văn phòng UN Women khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết: Tội phạm mạng, tấn công mạng, quấy rối và bạo lực trên mạng đã và đang gây ra những mối đe dọa thường xuyên đối với cá nhân, tổ chức, thậm chí là với sự phát triển ổn định của các quốc gia. Nhu cầu bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, trước những vấn đề an ninh đó ngày càng trở nên cấp bách và đòi hỏi khắt khe hơn.
Ông Nguyễn Đoàn, chuyên gia công nghệ Công ty CP Công nghệ Tiến Phát, cho rằng, Nghị định 147/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/12/2024 sẽ là giải pháp giảm thiểu các tài khoản ảo, nâng cao tính minh bạch trong không gian mạng, đồng thời ngăn chặn và xử lý các hành vi lừa đảo, phát tán tin giả… Tuy nhiên, theo ông Đoàn, phụ nữ và trẻ em là những đối tượng dễ bị tổn thương trên mạng xã hội. Bên cạnh sự bảo vệ của các tổ chức, cơ quan có thẩm quyền, bản thân mỗi người cần trang bị kiến thức và khả năng tự vệ để ứng phó kịp thời với các mối đe dọa trên không gian mạng một cách hiệu quả. "Chúng ta có thể tránh được những rủi ro bằng cách không nhấn mở các đường dẫn lạ. Mật khẩu phải chứa cả từ in hoa, chữ in thường, ký hiệu và chữ số nhằm nâng cao tính bảo mật và nên thường xuyên đổi mật khẩu. Hiện nay, nhiều người vô tình để lộ bí mật cá nhân như khoe ảnh con học trường nào, khoe lịch trình đi du lịch, thậm chí đi rút tiền ở ngân hàng nào cũng "check-in". Điều này rất nguy hiểm, nên tuyệt đối cẩn trọng khi chia sẻ thông tin cá nhân", chuyên gia Nguyễn Đoàn chia sẻ.
Chung quan điểm, thầy giáo Đào Tấn Đạt (Trường THPT Anhxtanh Hà Nội) nhận định, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trên mạng xã hội. "Hiện nay, nhiều trường học cấm dùng điện thoại trong trường học nhưng nếu chỉ dừng ở môi trường học đường thì chưa đủ. Gia đình cũng cần quản lý tốt con em mình. Chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong vấn đề này. Gần đây, nước Úc đã thông qua một trong những biện pháp cứng rắn nhất thế giới, đó là cấm trẻ dưới 16 tuổi dùng mạng xã hội".
Theo Báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường các biện pháp phòng ngừa, khắc phục tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em nhưng năm 2023, toàn quốc vẫn xảy ra 2.498 vụ xâm hại trẻ em với 3.235 đối tượng xâm hại và 2.633 trẻ em bị xâm hại; so với năm 2022 tăng 664 vụ (tăng 36,2%), 1.128 đối tượng xâm hại trẻ em (tăng 53,5%), 724 trẻ em bị xâm hại (tăng 38%). Trong đó, đa số vụ là xâm hại tình dục trẻ em (với 2.045 vụ, chiếm 96,3%; 2.198 đối tượng, chiếm 67,7%; 2.101 trẻ em bị xâm hại, chiếm 79,8 %); so với năm 2022, số trẻ em bị xâm hại tình dục tăng 510 em (tăng 32%).