pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sức khỏe tinh thần của trẻ vị thành niên bị xem nhẹ: Bài cuối - Cần chú trọng tư vấn tâm lý trong trường học
Cần có cán bộ tư vấn tâm lý chuyên trách ở các trường phổ thông. Ảnh minh họa
Thiếu cán bộ tư vấn chuyên trách
Hiện nay, mặc dù đời sống tinh thần học sinh đang có nhiều vấn đề, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra hậu quả đáng tiếc, nhưng không có cơ chế để tuyển dụng cán bộ tư vấn tâm lý chuyên trách trong trường học. Theo Vụ Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), về cơ bản hiện nay các trường phổ thông công lập trên cả nước không có cán bộ tư vấn tâm lý chuyên trách. Chỉ một số ít trường ngoài công lập cung ứng dịch vụ giáo dục chất lượng cao có phòng tư vấn tâm lý học đường và cán bộ chuyên trách.
TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tư vấn Tâm lý giáo dục Hà Nội, rất chú trọng đến việc tư vấn tâm lý cho học sinh. Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) do ông làm hiệu trưởng nhiều năm, là ngôi trường đầu tiên trên cả nước có phòng tư vấn tâm lý. Cũng bởi trường THPT Đinh Tiên Hoàng thời kỳ đầu là nơi tiếp nhận nhiều học sinh bị coi là "khuyết tật về tâm hồn". Nói một cách khác là nhiều em bị đuổi học, bị kỷ luật ở trường khác xin/chuyển đến, sống trong những gia đình nhiều vấn đề tiêu cực hoặc có cha mẹ ly hôn. Thực tế đó đã khiến người đứng đầu trường nghĩ đến việc phải có phòng tư vấn tâm lý và một thời đây là phòng quan trọng số 1 ở ngôi trường này. Đây cũng là nơi thu hút nhiều nhà tâm lý, sinh viên ngành tâm lý đến học tập, nghiên cứu...
Với những diễn biến mới của đời sống học sinh hiện nay, những mô hình tư vấn tâm lý như của trường THPT Đinh Tiên Hoàng cần được nhân rộng, để tư vấn cho mọi học sinh. Vì bất cứ đứa trẻ nào bị tổn thương cũng có thể có những suy nghĩ, hành vi tiêu cực, nổi loạn, phá phách hoặc tìm đến cái chết.
Bà Nguyễn Thị Thanh An, chuyên gia về các chính sách xã hội và quản trị (UNICEF): Hiện rất cần xây dựng một hệ thống cung cấp dữ liệu có kết nối giữa ngành giáo dục với ngành y tế, lao động- thương binh và xã hội để một mặt cung cấp thông tin cho cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và học sinh, một mặt để các gia đình, nhà trường có thể xử lý tốt những tình huống cấp bách. Cụ thể là gọi cho ai, phải làm gì để bảo vệ trẻ em.
"Tôi từng có kiến nghị nhiều lần về việc cần có định biên cho cán bộ tư vấn tâm lý trong trường phổ thông, cũng như kiến nghị mở ngành đào tạo cán bộ tư vấn tâm lý trường học ở các cơ sở đại học, trong đó có đại học sư phạm. Nhưng việc này chưa được thực thi. Có thể là còn vướng nhiều quy định nhưng cũng có thể là nó chưa được quan tâm", TS. Tùng Lâm cho biết.
Cũng theo TS. Tùng Lâm thì không chỉ cán bộ tư vấn tâm lý chuyên trách, giáo viên phổ thông cũng cần có kiến thức về tâm lý lứa tuổi, có nghiệp vụ trong việc giải quyết những sự vụ, những vấn đề liên quan tới sức khỏe tinh thần học sinh. "Trong chương trình đào tạo sư phạm cần đào tạo giáo viên tương lai có kiến thức, kỹ năng xử lý những vấn đề liên quan tới tâm lý học sinh", tiến sĩ Lâm bày tỏ quan điểm.
Trường tự xoay, giáo viên kiêm nhiệm
Trước vấn đề bất ổn về sức khỏe tinh thần học sinh đang báo động như hiện nay, nhiều trường phổ thông phải tự xoay xở để giúp học sinh cân bằng. Nhưng đáng tiếc, mới chỉ một số ít trường công lập triển khai, còn lại chủ yếu ở những trường ngoài công lập chất lượng cao.
Cô Nguyễn Thị Tâm Huyền, Phó Hiệu trưởng phụ trách trường THCS Olympia (Hà Nội), cho biết, không chỉ trông chờ vào phòng tư vấn tâm lý mà trong chương trình học tập, hoạt động tổng thể, nhà trường đã phải lưu ý đến vấn đề hỗ trợ tâm lý cho học sinh. "Chúng tôi phải điều chỉnh thời khóa biểu để giảm thời gian tiết học, cho phép học sinh có những quãng nghỉ ngắn giữa giờ để tái tạo khả năng tập trung, tăng thời gian cho giờ nghỉ trưa. Ngoài ra, vào các cuối tuần, trường có giờ để học sinh bộc lộ suy nghĩ cá nhân, chia sẻ những điều khúc mắc với chuyên gia tâm lý và giáo viên chủ nhiệm…", cô Huyền cho biết.
Tuy nhiên, không nhiều trường học chú trọng đến vấn đề trên. Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, phần lớn các trường phổ thông công lập giao phó vấn đề nảy sinh trong học sinh cho giáo viên chủ nhiệm. Thậm chí các trường cử giáo viên luân phiên làm công tác tư vấn tâm lý.
"Có những trường hợp sau khi chúng tôi tập huấn cho giáo viên về tư vấn, chăm sóc sức khỏe học đường, rồi họ quay về trường phổ thông làm việc. Một thời gian sau, khi chúng tôi trở lại, giáo viên được tập huấn đã chuyển sang làm việc khác, người phụ trách tư vấn hỗ trợ tâm lý là giáo viên khác chưa qua tập huấn, hay đào tạo gì về lĩnh vực này", một chuyên viên của Vụ Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết.
Tại các tọa đàm, hội thảo gần đây về vấn đề này, các chuyên gia đều cho rằng tư vấn tâm lý học đường là một giải pháp không thể thiếu. Nhưng từ kinh phí đến nhân sự, cơ chế cho hoạt động này đều đang thiếu. Do đó, cần sớm khắc phục những vấn đề trên để tăng cường tư vấn tâm lý trong trường học cho học sinh.