Trước đây, đúng là ông có mối tình. Họ đã đi quá giới hạn với nhau. Nhưng lúc bấy giờ làm gì đã có bà, thế mà về già, bà lại ghen ngược, để đến nỗi tuổi già phải sống trong cô đơn, uất ức, tự giày vò mình.
Ông bà Tuấn sống với nhau hơn ba chục năm trời, thế mà dạo này chẳng mấy ngày là không thấy ông bà cãi nhau. Rồi tài sản trong nhà được bà phân đôi, nửa của bà bà cất vào buồng, còn nửa của ông, bà vứt ra sân.
Các con biết mẹ mình bắt bố ăn riêng thì buồn lắm. Chúng túm lại góp ý với ông bà: “Bố mẹ sống với nhau bao nhiêu năm còn được, giờ cuối đời làm thế này, người ta cười mà bố mẹ cũng chẳng sung sướng gì. Tuổi già tình yêu chẳng còn thì sống với nhau bằng tình thương có phải tốt biết mấy”. Nhưng bà Tuấn vẫn khăng khăng một mực: “Mẹ chịu đựng ông ấy quá đủ rồi. Về già, mẹ không muốn hầu hạ kẻ bạc tình bạc nghĩa này thêm một ngày nào nữa”. Thế là các con đành để bố mẹ ăn riêng.
Bà Tuấn thì ở trong buồng, ông ở nhà ngoài. Ông Tuấn được các con mua cho cái bếp đơn đặt ở trước giường, sát cửa sổ, thuận tiện việc nấu nướng. Khi đã ăn riêng, chẳng ai động đến ai, thế mà cứ bước chân ra ngoài, nhìn thấy ông là bà lại nhổ nước miếng, không thì lấy cớ chửi chó mắng mèo: “Cái con chó này, nằm chình ình ra đấy, ngứa mắt tao”, “Mày là cái con mèo lười, chỉ chăm ăn vụng”.
Ông biết là bà chửi cạnh chửi khóe mình nhưng cũng chẳng dám lên tiếng vì sợ dây lời với bà lại to chuyện, tan cửa nát nhà.
Một hôm, con cháu rủ nhau đến làm bữa cơm gia đình xem sau thời gian ăn riêng, bà có đổi tính? Nhưng hi vọng của con cháu chẳng thế thành hiện thực.
Khi con cháu đến đông đủ, bữa cũng xong, ông giục: “Các con mời mẹ ra ăn cơm”. Nhưng bà vẫn nằm trong giường. Các con thuyết phục mãi, bà mới gằn giọng: “Phải đuổi con chó đi, mẹ mới ăn được”. Bấy giờ các con mới thấy mẹ mình thật quá đáng, thương bố chừng này tuổi mà mẹ không tôn trọng. Họ quyết định mang bố sang ở nhà mình.
Từ ngày sang ở cùng con cháu, ông lại trở nên béo tốt, nom đẹp lão hẳn ra. Tâm trạng thì vui vẻ chứ không căng thẳng, nơm nớp như khi còn ở với bà lúc trước. Còn bà ở nhà sống một mình, tuy thỉnh thoảng con cháu cũng ghé thăm nom nhưng vì trong lòng bà lúc nào cũng đầy thù hận nên trông bà ngày một già nua, nét mặt khắc khổ.
Ngày bà đổ bệnh 1 tháng rồi 5 tháng, nằm bẹp một chỗ, lúc ấy bà mới suy ngẫm thấy mình không phải với ông. Trước đây, đúng là ông có mối tình, họ đã "đi quá giới hạn với nhau". Nhưng lúc bấy giờ làm gì đã có bà, thế mà về già bà lại ghen ngược, để đến nỗi tuổi già phải sống trong cô đơn, uất ức, tự giày vò.
Bà nói với con gọi ông về, nói những lời xin lỗi với ông. Ông lắng nghe rồi nắm tay bà vỗ nhẹ: “Bà xem, biết bà vất vả vì bố con tôi nên khi bà trút giận, tôi có dám cãi lại đâu. Giờ bà đã hiểu ra thì tốt rồi, chúng ta lại vui vẻ, thanh thản cho mau khỏi bệnh. Nếu bà muốn vợ chồng mình sống cùng nhau thì tôi lại nghe bà”. Hai dòng nước mắt lăn trên gò má nhăn nheo của bà. Ông lấy tay lau nhẹ.