Nếu máy tính bảng dường như chỉ đơn thuần đáp ứng nhu cầu giải trí di động của người dùng, thì những thiết bị “2 trong 1”, được nhiều người dùng gọi là “tablet lai”, không giấu ý đồ chinh phục môi trường công sở, từng bước đẩy lùi sự thống trị của laptop.
Thiết bị tablet lai "2 trong1" đã trở lại với nhiều cải tiến quan trọng
Người dùng vốn đã làm quen với “tablet lai” qua những thương phẩm khá độc đáo như HP với ElitePad hay Pavilion x2, Microsoft với các thế hệ Surface hay Surface Pro, Asus có ZenPad hay Transformer Pad, Lenovo có dòng Yoga gồm nhiều kích cỡ… Đặc điểm của chúng là có hình dáng và kích thước như 1 máy tính bảng, nhưng lại có thêm bàn phím cơ học và sử dụng nhiều phần mềm văn phòng, kể cả Word để gõ văn bản, Excel để phục vụ nghiệp vụ kế toán, hay Photoshop để xử lý hình ảnh… Tuy nhiên, sau một thời gian “dùng thử”, nhiều người lấy làm thất vọng, vì “nó” không đủ độ mạnh để “cáng” những công việc nặng nề như một chiếc laptop, trong khi phần phục vụ nhu cầu giải trí lại có vẻ trở nên… yếu ớt hẳn đi.
Cho đến những ngày gần đây, sau một thời gian khá dài “im hơi lặng tiếng”, những sản phẩm “tablet lai” đột ngột “tái xuất”. Gây chú ý là những sản phẩm Surface Book quen thuộc của Microsoft, nhưng đã được cải tiến khá nhiều so với khoảng 2 năm trước.
Bên cạnh đó, nhiều hãng khác cũng dồn dập cho ra mắt các loại “tablet lai” thế hệ mới. Yếu tố chính được nhân viên văn phòng quan tâm là khả năng xử lý công việc, vốn là hạn chế của “tablet lai” trước đây, giờ đã được nâng cấp đáng kể. Ngoài các tablet dùng Windows 8/8.1, những máy chạy Android như Galaxy Tab S2 cũng bắt đầu tích hợp sẵn bộ ứng dụng văn phòng Microsoft Office gồm Word, Excel và Powerpoint có bản quyền.
Khắc phục những điểm yêu căn bản tablet lai giữ nguyên tham vọng thống trị thị trường giới văn phòng
Một ưu thế đáng kể khác, đó là trong khi các phần mềm trên laptop đều phải mua bản quyền với giá không hề rẻ, thì với “tablet lai”, người dùng có thể chọn trong hàng triệu ứng dụng phù hợp với công việc miễn phí trên các chợ Google Play, Samsung Apps, Amazon Appstore…
Đặc biệt, với chức năng soạn thảo văn bản, vốn bị chê trước đây, giờ được giải quyết bằng phụ kiện đi kèm là bàn phím vật lý thay cho ứng dụng bàn phím ảo. Khoảng cách giữa các phím vừa đủ độ rộng cho người dùng có bàn tay lớn. Hầu hết các tablet hiện nay kết nối với bàn phím qua Bluetooth 4.0 - 4.1 nên người dùng gần như không thể nhận ra độ trễ giữa nhịp tay gõ phím với chữ hiển thị trên màn hình. Với người dùng ở Việt Nam, các ứng dụng bộ gõ hỗ trợ tốt cả 2 kiểu gõ tiếng Việt thông dụng là Telex và VNI.