Tái chế quần jeans thành những sản phẩm có tính ứng dụng cao

Linh An
01/05/2022 - 19:31
Tái chế quần jeans thành những sản phẩm có tính ứng dụng cao

Hải Dương và sản phẩm tái chế của mình

Phạm Thị Hải Dương đã tái chế những chiếc quần jeans không còn được sử dụng thành các vật dụng thời trang dễ thương và mang tính ứng dụng cao. Cô gái 9X khẳng định “tái chế và sống thích ứng chính là cách chúng ta bảo vệ môi trường”.

Nói về tác hại của thời trang, đặc biệt là jeans đối với môi trường, Hải Dương cho biết, trung bình để sản xuất 1 chiếc quần jeans phải tốn 30 lít nước.

"Theo tôi đây là sự đánh đổi không đáng nếu như chúng ta không sử dụng hết công năng và tuổi thọ của chất liệu jeans. Việc sử dụng thuốc trừ sâu trong quá trình trồng bông để làm vải jeans cũng ảnh hưởng tới môi trường đất. Quá trình phun cát trực tiếp lên mặt vải để tạo vết rách cho jeans cũng ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Đó chỉ là những tác hại trong rất nhiều tác hại của thời trang với môi trường và sức khỏe. Công nghiệp thời trang đang ảnh hưởng lớn đến khí hậu, thời tiết, gây ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí", Hải Dương cho biết.

Chính vì vậy, cuối năm 2019, khi dọn đồ, Hải Dương phát hiện có rất nhiều quần jeans còn tốt nhưng lại bị lỗi mốt, nhiều chiếc quần có họa tiết trang trí đẹp nhưng không còn phù hợp với xu hướng nữa. Ban đầu, cô định tặng số quần này đi nhưng theo tìm hiểu thì nhiều nơi tiếp nhận quần áo cũ, các bạn, các em nhỏ không sử dụng được vì quần áo quá thời trang.

Đầu năm 2020, cô bắt đầu tìm hiểu về tái chế và phát hiện đồ jeans cũ có thể làm được rất nhiều thứ tiện dụng như lót ly tách, lót ghế, thú nhồi bông, tạp dề, thảm chân… Trong đó cô đặc biệt quan tâm tới việc tái chế jeans thành các sản phẩm túi, ba lô. "Hầu hết chúng ta cần một vài chiếc túi hoặc ba lô cho sinh hoạt hằng ngày, phục vụ nhu cầu học tập, làm việc, trang trí…", cô nêu lý do.

Chia sẻ thêm về ý tưởng tái chế thời trang để bảo vệ môi trường, Hải Dương cho biết, ban đầu, cô hoàn toàn không thể hình dung được làm ra một sản phẩm tái chế như vậy cần thực hiện những khâu nào. Cô lên mạng xem tất cả video trong và ngoài nước hướng dẫn làm ba lô, túi, ví. Sau khi xem toàn bộ video, cô tự làm lại một quy trình.

"Ban đầu tôi không có hình dung gì về nguyên phụ liệu làm túi, ba lô như tên các loại khóa, dây kéo, quai da… Tôi nghe hướng dẫn rồi tìm tên phụ liệu trên mạng. Có nhiều loại phụ liệu tôi mua về không sử dụng được vì kích thước, màu sắc không phù hợp, nhiều khi chất lượng không đảm bảo. Thời điểm tôi nghiên cứu làm sản phẩm cũng là lúc dịch Covid-19 xuất hiện và làm gián đoạn giao thương nên rất khó khăn để mua được phụ liệu ưng ý. Sau nhiều lần tìm kiếm, làm thử, rút kinh nghiệm thì tôi mới "chốt" được nguyên liệu và quy trình thực hiện", Dương cho biết.

Thuộc thế hệ 9X, đến từ Phú Yên, tốt nghiệp ngành Báo chí, khoa Ngữ Văn, trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, khi lập nghiệp tại TPHCM, Hải Dương từng rời bỏ một công việc cho thu nhập ổn định ở một công ty để dành thời gian cho đam mê thời trang và những trăn trở về môi trường. Cô làm điều này với khao khát góp một phần nhỏ bé của mình vào công cuộc tái chế rác thải của cộng đồng.

Hiện tại Hải Dương không chỉ làm thời trang tái chế mà còn dạy học các lớp về thời trang tái chế với mong muốn lượng rác thải từ thời trang ngày càng được giảm thiểu, cộng đồng nhận thức rõ hơn về ảnh hưởng của thời trang đến môi trường sống.

"Thay vì sử dụng thời trang nhanh, liên tục thải ra môi trường đủ loại rác thải thì chúng ta có thể tận dụng quần áo để tái chế thành nhiều vật dụng có ích. Điều này vừa giảm thiểu rác thải, vừa tạo sự thú vị cho cuộc sống", Hải Dương-cô chủ thương hiệu thời trang tái chế Cruella de Vil Handbags khẳng định.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm