Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, về nghĩa đen, “Tết Độc lâp” được dành cho Tết Bính Tuất (1946) là cái Tết Nguyên đán cổ truyền đầu tiên được tổ chức trong khung cảnh đất nước đã độc lập sau 80 năm bị đô hộ của thực dân Pháp. Trong bài báo có nhan đề là “Tết” đăng trên “Cứu Quốc”, Bác viết rằng đây là “Tết Xuân đầu tiên của nước Việt Nam Độc lập”.
Giao thừa năm đó, Bác cải trang hoà mình vào dòng người đi lễ và hái lộc trong Đền Ngọc Sơn rồi nửa đêm Bác đi thăm một vài gia đình nghèo nhất, không có Tết và đề nghị lãnh đạo Hà Nội lo Tết cho đồng bào nghèo.
Tuy vậy, cụm từ “Tết Độc lập” cũng còn được sử dụng trong dân khi đón Lễ Quốc khánh 2/9 kể từ năm khai sinh ra nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (1945) cho đến nhiều năm về sau.
Sở dĩ như vậy vì theo cách gọi của người xưa, chữ “Tết” là biến âm của chữ “tiết” theo nghĩa của Hán tự để nói đến những thời điểm lập lại trong tiến trình vận hành của thời gian trong mỗi năm mà nó mang một ý nghĩa nào đó với đời sống tâm linh hay tín ngưỡng của dân gian.
Theo tập quán dân gian, ngoài Tết Nguyên đán là mở đầu cho một năm mới; còn rất nhiều sinh hoạt tín ngưỡng cũng được gọi là “Tết”, ví như: Tết Trung Thu, Tết Đoan Ngọ, Tết Hàn thực... Vì thế, khi người dân Việt Nam gọi Ngày Độc lập (2/9/1945) và những ngày Quốc khánh hàng năm là “Tết Độc lập” là theo nghĩa sự kiện có ý nghĩa như là mốc mở ra điều tốt đẹp cho cả một dân tộc. Đó là một ngày hội thực sự của những con người nhận thấu được sự thay đổi to lớn không chỉ với quốc gia mà với chính mỗi con người.
Nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã dùng hình ảnh một dân tộc “rũ bùn đứng dậy”, người dân từ chỗ bị xiềng xích nô lệ nay đã trở thành công dân của quốc gia độc lập tự do. Ngày Quốc khánh 2/9 hội đủ tất cả những ý nghĩa lớn lao như thế. Hơn thế, nó còn là ngày mà dân tộc Việt Nam, mỗi người Việt Nam nhìn lại mình, cả những cái được và cả những cái chưa được để khắc phục, để vươn tới.