Tâm sự của cô vợ trẻ 'xốc lại tổ ấm, tiếp tục đồng hành'

19/05/2017 - 09:50
Là một người vợ, qua tháng năm sống bên cạnh chồng mình, đã bao nhiêu lần bạn cảm nhận sự cô đơn khi chồng để lại vợ với trách nhiệm, khi anh ấy không còn là người tri kỷ, người luôn hiểu và giúp đỡ vợ đi qua những thử thách, khó khăn trong cuộc sống?
Bức thư này là của Jennifer Collins - một phụ nữ trẻ người Úc - viết gửi cô bạn thân để chia sẻ câu chuyện của mình. Cô bước vào hôn nhân chưa lâu và vừa sinh con gái đầu lòng. Những tháng ngày đầu tiên làm mẹ, khi cô chăm sóc đứa con đầu lòng mà thiếu đi sự san sẻ của người chồng đã khiến cô cảm thấy cuộc hôn nhân như chao đảo. Song, cuối cùng, cô đã tìm ra cách để vượt qua giai đoạn khó khăn và có được những bài học mới từ hôn nhân.
Vợ chồng Jennifer và Peter
 “June thân mến!

Tôi cảm thấy buồn khi phải nói với bạn rằng, mối quan hệ vợ chồng đôi khi sẽ không gắn kết và tuyệt vời như chúng ta vẫn từng hi vọng. Ý nghĩa của hôn nhân là để chúng ta có một ai đó chia sẻ cuộc sống với mình, một ai đó cùng chúng ta đối mặt với cả thế giới, một ai đó luôn ở bên để chúng ta thấy mình mạnh mẽ hơn. Bởi vậy, khi người chồng không hành động như một người luôn ở bên, luôn ủng hộ, thì điều đó thật sự khiến mình rất cô đơn và tổn thương.

Tôi có thể cảm nhận được bạn từng cảm thấy cô đơn và tổn thương nhường nào. Bởi trong 8 tháng qua, kể từ khi bé Alice ra đời, cuộc hôn nhân của tôi và Peter đã đối diện với một thách thức lớn. Những gì bạn nói về việc, phụ nữ sẽ không còn có thể đặt mình lên trước tiên và không chăm sóc cho bản thân mình đầy đủ khi có em bé, giờ tôi chắc rằng đó là sự thật.

Tôi ngưỡng mộ mẹ mình vì bà đã quá vị tha. Phụ nữ bằng cách nào đó, sẵn sàng cho đi những nhu cầu của bản thân, cho dù đó chỉ là nhu cầu hết sức đơn giản như được ngồi một mình, thư giãn một lúc, nghe nhạc.
Cô con gái nhỏ Alice
Sự thật là suốt 8 tháng sau khi Alice ra đời, tôi đã không có dù một khoảng thời gian ngắn ngủi cho riêng mình và chưa lúc nào như bây giờ, tôi cảm nhận sự khác biệt thực sự giữa phụ nữ và đàn ông trong gia đình. Khi chúng ta có con, không phải tự nhiên để trở thành một người mẹ tốt. Tôi đã tìm hiểu làm thế nào để xử lý tất cả mọi thứ, tất cả tình huống.

Làm thế nào để luôn bình tĩnh và chủ động khi chăm con - điều này là khó khăn nhất. Nhưng Peter đã  hành động như thể chăm con là “lãnh địa” riêng của tôi, là vấn đề của riêng tôi. Anh ấy thậm chỉ không muốn tìm hiểu cách pha bình sữa. Anh ấy rất nhanh nói rằng anh không biết pha sữa mặc dù thông tin hướng dẫn đã được ghi rõ ràng trên vỏ chai sữa, đơn giản chỉ là trộn sữa bột với nước!

Tôi đã làm tất cả mọi việc để chăm sóc Alice, trong khi Peter ngồi đấy, vui vẻ thư giãn và dán mắt vào điện thoại hay iPad. Hình ảnh đó đã làm tôi phát điên. Tôi cảm thấy thật sự không công bằng. Tôi cảm thấy cô đơn như thể mình là một người mẹ đơn thân ngay trong gia đình mình. Tôi thực sự cảm thấy trong thâm tâm, chúng tôi đã không còn kết nối với nhau như trước nữa.

Khi Alice được 6 tháng, tôi trở lại với công việc. Khi Peter bận rộn, tôi sẵn sàng dành toàn bộ thời gian của mình cho Alice để anh ấy có thời gian làm việc. Thế nhưng khi tôi bận rộn, Peter đã không làm điều tương tự cho tôi. Tôi đã tìm cách nói chuyện với chồng không chỉ một lần về vấn đề này với hy vọng anh ấy hiểu rằng điều đó thật không công bằng.

Tôi còn làm bản thân mình đau khổ hơn bằng cách so sánh mối quan hệ của mình với những người khác. Tôi buồn vì cảm thấy, những phụ nữ khác, họ có người chồng chia sẻ trong việc nuôi dạy con. Chồng họ là một người biết chia sẻ thực sự, trong khi chúng tôi thì không. Điều đó thật là cô đơn và tổn thương. Tôi và Peter đã tranh cãi suốt một thời gian, thật sự rất mệt mỏi. Đôi lúc, tôi có cảm giác, chúng tôi không thể tiếp tục đồng hành.

Tuy nhiên, bây giờ, mọi việc dường như đang tốt hơn lên. Có lẽ vì tôi cũng nhận được ngày một nhiều hơn niềm vui từ việc chăm sóc Alice. Cho đến bây giờ, tôi mới nghĩ rằng tôi và Peter lại có thể tiếp tục cùng nhau. Tôi bắt đầu muốn nói chuyện lại với Peter và anh ấy dường như cũng bắt đầu muốn cùng tôi làm mọi thứ. Lần gần đây nhất, khi tôi đưa Alice về thăm mẹ ở Perth, chồng tôi đã bay đến đó chỉ để đón mẹ con tôi trở về nhà. Suốt chuyến bay, Alice ngủ trong vòng tay của anh ấy rất yên ả.

Tôi cảm nhận sâu sắc rằng, hôn nhân chỉ thực sự sống khi vợ - chồng chia sẻ cùng nhau trách nhiệm và cả những khó khăn, thử thách. Đi qua những cô đơn tưởng như lạc mất nhau, cả tôi và Peter đều đã nhận ra rằng chúng tôi là một đội và sẽ luôn hỗ trợ lẫn nhau. Vì thế, June - bạn hãy luôn nắm lấy tay chồng mình và để anh ấy hiểu rằng, chúng ta đều cần san sẻ”.

Bí quyết vượt qua khủng hoảng hôn nhân

- Nếu bạn cảm thấy giữa chồng và mình không còn kết nối, hãy im lặng, đừng đổ thêm nóng giận vào mối quan hệ đang bị tổn thương. Hãy để mỗi người có quãng thời gian tự nhìn nhận lại.

- Cho chồng mình cũng như chính bạn thời gian để thích nghi với những thay đổi trong gia đình. Giống như bạn, anh ấy cũng phải học để biết cách chia sẻ việc chăm sóc con cái.

- Đừng chấp nhận và buông xuôi với ý nghĩ rằng việc chăm con là của riêng bạn và để anh ấy thoải mái với những việc riêng của mình. Hôn nhân chỉ tồn tại khi có sự chia sẻ về tất cả. Hãy luôn nhắc chồng về điều đó. Bạn cần chia sẻ cả trong việc chăm sóc con cái lẫn thời gian cho công việc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm