Tân Quán quân "Đường lên đỉnh Olympia" Thu Hằng: Nhờ âm nhạc giải tỏa mỗi khi gặp áp lực, khó khăn

Tân Quán quân "Đường lên đỉnh Olympia" Thu Hằng: Nhờ âm nhạc giải tỏa mỗi khi gặp áp lực, khó khăn

Trong những ngày chuẩn bị cho cuộc thi chung kết "Đường lên đỉnh Olympia 2020", mỗi khi cảm thấy mệt mỏi, thí sinh Nguyễn Thị Thu Hằng (Trường THPT Kim Sơn A, Ninh Bình) lại tự nhủ: “Bản thân không chỉ chiến đấu cho riêng mình, mà còn bởi cả niềm tự hào của người Cố đô”. 

Nữ sinh giỏi toàn diện

Một ngày sau khi trận Chung kết "Đường lên đỉnh Olympia 2020" kết thúc, tại Trường THPT Kim Sơn A (thị trấn Phát Diệm, Kim Sơn), không còn tiếng hò reo mừng chiến thắng như trên truyền hình trực tiếp. Mưa cũng đã thôi rơi, bầu trời trở lại vẻ biếc trong, những lớp học bình thường trong ngày đầu tuần. Trước nhà giám hiệu có nhiều lãng hoa chúc mừng đến từ các trường lân cận, các hội đồng hương, các cơ quan, đoàn thể. 

Quán quân Đường lên đỉnh Olympia 2020: Chiến đấu không chỉ cho riêng mình - Ảnh 1.

Trường THPT Kim Sơn A 1 ngày sau khi trận Chung kết "Đường lên đỉnh Olympia 2020" kết thúc.

Ở phòng Hiệu trưởng, thầy Vũ Đắc Toàn đang tất bật lo những công chuyện của người đầu tàu, trong đó có chuyện vinh danh học sinh Nguyễn Thị Thu Hằng được tổ chức vào tuần tới. Tiếng chuông từ phía nhà thờ đá Phát Diệm gần đó vang lên, đồng hồ đã điểm 17h.

Thầy Toàn cho biết, kể từ khi cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia được tổ chức đến nay, trường Kim Sơn A đã có 6 học sinh tham dự. Trong đó, học sinh có thành tích nổi bật thứ 2 là Nguyên Cao Ngọc Vũ - đoạt giải 3 trận Chung kết 2015. Còn học sinh có thành tích nổi bật thứ nhất, không ngoài ai khác chính là Nguyễn Thị Thu Hằng - Quán quân trận Chung kết 2020. Khác với Ngọc Vũ có phong thái mạnh mẽ, điềm tĩnh, giỏi các môn khoa học tự nhiên thì Thu Hằng lại rất nhanh nhạy và theo đánh giá của thầy Toàn là "giỏi toàn diện".

Để có được kết quả giáo dục trên, ngoài sự nỗ lực của chính những học sinh cũng còn nhờ vào bước đi có tính chất định hướng của nhà trường: giáo dục học sinh toàn diện và tạo ra những sân chơi tri thức để khuyến khích các em học tập. Trong đó có cuộc thi "Sao Khuê Kim Sơn A" như là một phiên bản thu nhỏ của Đường lên đỉnh Olympia, được nhà trường tổ chức kể từ năm 2015. Nhờ vậy, trong khoảng 5 năm trở lại đây, ngôi trường đã ghi nhận học sinh có thành tích cao ở một đấu trường tri thức quy mô toàn quốc.

Quán quân Đường lên đỉnh Olympia 2020: Chiến đấu không chỉ cho riêng mình - Ảnh 2.

Cô Vũ Thị Lan, giáo viên chủ nhiệm của Quán quân Nguyễn Thị Thu Hằng

Chia sẻ về Thu Hằng, cô Vũ Thị Lan, giáo viên chủ nhiệm Lớp 12B1, cho biết, ngay từ buổi đầu gặp mặt, cô đã có một ấn tượng đặc biệt đối với Hằng, "Hôm đó, tôi hỏi cả lớp "Có bạn nào xung phong làm lớp trưởng?". Thật không ngờ, Hằng đã mạnh dạn ứng cử, tôi thấy em rất tự tin. Về sau, cả lớp đã thống nhất bầu Hằng làm Bí thư chi đoàn và với vị trí đó, em đã làm cho phong trào của lớp trở nên sôi nổi, năm nào lớp cũng đạt thành tích cao trong các hoạt động của trường". Ngoài ra, Hằng còn đạt nhiều giải cao trong các môn thể thao như cờ vua và cầu lông.

Là bạn cùng lớp, em Phan Tuấn Hưng cho biết, Hằng rất vui tính và hay trêu đùa với bạn bè nhưng vào tiết học, Hằng lại rất có ý thức trong việc tương tác với các thầy cô để xây dựng bài giảng. "Việc Hằng trở thành Quán quân Olympia tác động tới tư tưởng của em rất nhiều, nhắc nhở em rằng mình cần phải nỗ lực hơn để hiện thực ước mơ. Đó là trở thành sinh viên Công nghệ thông tin của trường Đại học Bách khoa Hà Nội", Hưng bày tỏ.

Sự quan tâm sát sao của gia đình

Rời cánh cổng trường có vẻ ngoài giản dị, men theo con ngõ nhỏ, chúng tôi ra đường cái. Song song với con đường là dòng sông Ân chảy hiền hòa chia thị trấn Phát Diệm làm hai nửa, nhà của Hằng ở nửa bên kia, phía sau rạp chiếu bóng Kim-Mau. Trên con đường nhỏ dẫn vào xóm 6 (xã Thượng Kiệm), người ta nhìn thấy một bên là con đê của sông Vạc cao ngót 2 đầu người, hai bên đường là những thửa ruộng xanh mát tầm mắt, phía xa xa về hướng Nam là dãy núi chạy ngang đường chân trời như lưỡi cưa của đất Thanh Hóa.

Nhà Hằng nằm ven con đường làng đó, trước nhà có điểm nhấn là một giàn cây leo. Mẹ của em vừa đi chợ về, trên khuôn mặt còn vương vẻ mệt mỏi sau chuyến hành trình từ Hà Nội. Tuy vậy, trước kết quả của con, chị Phạm Thị Đỗ Ngọc (43 tuổi) không khỏi vui mừng bày tỏ: "Vậy là đã toại nguyện cho giấc mơ ngày nào của con bé!".

Quán quân Đường lên đỉnh Olympia 2020: Chiến đấu không chỉ cho riêng mình - Ảnh 3.

Chị Phạm Thị Đỗ Ngọc (áo vàng) bày tỏ niềm vui cùng bà con xóm 6 (xã Thượng Kiệm, Kim Sơn) trước thành quả của con gái

Ngay từ lúc Hằng còn nhỏ, chị Ngọc đã lưu tâm nhiều trong cách giáo dục con như việc nắm bắt thời khóa biểu, giữ liên lạc với giáo viên chủ nhiệm, đôn đốc và kiểm tra việc học của con. Không chỉ vậy, để Hằng có nền tảng kiến thức tốt, chị Ngọc còn mua cho con các loại sách tham khảo, các sách về khoa học, văn học, lịch sử, địa lý. Từ những việc làm có tính chất quyết định ban đầu đó, chị đã dần hình thành trong con ý thức tự giác, chủ động trong học tập, nhận thức được tầm quan trọng của việc học là trau dồi tri thức cho mình. Điều này thể hiện ở việc Hằng không chỉ dừng lại ở việc đọc những cuốn sách mẹ mua, mà em còn chủ động mua những cuốn sách mình cần như "10 vạn câu hỏi vì sao?", "Bách khoa tri thức"...

Về cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, gia đình chị đã có thói quen xem ngay kể từ khi Hằng còn rất nhỏ. Mỗi mùa thi trôi qua, ngoài những cảm xúc vỡ òa, đã cho em cảm nhận được niềm vui của việc học và mong muốn trở thành một thí sinh tham dự cuộc thi này. Chia sẻ về việc này, Hằng cho biết: "Em thực sự đặt ước mơ đi thi cách nay khoảng 5 năm, khi trường  em học có anh Nguyễn Cao Ngọc Vũ là người đầu tiên mang cầu truyền hình chung kết Olympia về trường. Dõi theo cuộc thi, ngoài niềm tự hào về quê hương, em nghĩ rằng nếu cố gắng thì mình cũng có thể đạt được những điều như vậy".

NGUYỄN THỊ THU HẰNG

"Em thực sự đặt ước mơ đi thi cách nay khoảng 5 năm, khi trường  em học có anh Nguyễn Cao Ngọc Vũ là người đầu tiên mang cầu truyền hình chung kết Olympia về trường. Dõi theo cuộc thi, ngoài niềm tự hào về quê hương, em nghĩ rằng nếu cố gắng thì mình cũng có thể đạt được những điều như vậy".

Chung kết Olympia năm 2015 diễn ra vào hè, khi đó Hằng đang nghỉ hè năm lớp 6, chuẩn bị bước vào lớp 7. Để rồi 5 năm sau, cô học trò bé nhỏ đã biến ước mơ thành trên cả sự thật, khi trở thành Quán quân của cuộc thi. Sau 9 năm, Đường lên đỉnh Omlymlia lại một lần nữa có Quán quân là nữ. Thu Hằng còn phá kỷ lục trở thành nữ thí sinh có điểm cao nhất trong lịch sử cuộc thi với 350 điểm tại cuộc thi tuần 3 (tháng 2, quý 1).

Nhớ lại vòng chung kết đáng nhớ này, Hằng cho biết, rút kinh nghiệm từ các vòng thi trước, đặc biệt là ở vòng thi quý, em hơi bị phân tán tư tưởng bởi điểm số của các thí sinh khác, ở trận chung kết, em chỉ tập trung vào phần thi của mình, căn cứ vào số điểm hiện có của bản thân để đưa ra chiến thuật hợp lý. Thêm vào đó, ở những mảng kiến thức yếu hơn như Hóa học và Y tế, Hằng đã chủ động bổ sung. Nhờ những chuẩn bị đó, Hằng đã xuất sắc giải mã ô chữ ở phần thi Vượt chướng ngại vật của vòng Chung kết là "Y tế", trong khi ở các vòng trước đó Hằng chưa lần nào vượt chướng ngại vật thành công. Từ bước ngoặt quyết định này đã tạo cho Hằng tâm thế tự tin để vượt qua các phần thi còn lại và chiến thắng chung cuộc với điểm số 235.

Điều đặc biệt ở Hằng, tuy em có vốn hiểu biết tốt và thành tích học tập đáng nể như: huy chương Bạc môn Toán, huy chương Đồng môn tiếng Anh cấp Quốc gia, Á khoa thi tuyển đầu vào của THPT Kim Sơn A... nhưng từ bé đến giờ, em chưa đi học thêm ở ngoài. Mọi kiến thức, ngoài việc tiếp thu từ các thầy cô giáo, học hỏi bạn bè, em còn chủ động tìm hiểu từ internet (như trên Youtube...).

Quán quân Đường lên đỉnh Olympia 2020: Chiến đấu không chỉ cho riêng mình - Ảnh 5.

Ông Chu Văn Vi, Bí thư Chi bộ xóm 6, đại diện dân làng chúc mừng thành tích của em Nguyễn Thị Thu Hằng.

Chia sẻ về dự định tới đây, Hằng quyết định sẽ du học. Em vốn thích truyền thông nhưng bên cạnh đó em cũng rất đam mê Sinh học. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc từ bối cảnh hiện tại - ngày càng xuất hiện những loại virus mới, dịch bệnh mới, cùng với đó là sự bùng nổ của công nghệ sinh học, Hằng đã quyết định lựa chọn ngành Sinh học. Với lựa chọn này, Hằng mong rằng có thể góp một phần nào đó vào sự phát triển của đất nước trong tương lai.

Những ngày qua, ngoài những niềm vui mà bản thân có được, Hằng còn phải đối diện với nhiều áp lực vô hình từ dư luận xã hội, nhất là những ý kiến "ném đá" về cách thể hiện cảm xúc của em trong trận chung kết. Song, mỗi khi nỗi buồn ập đến, Hằng đều có gia đình, thầy cô - những người đã hết lòng tin tưởng, đồng hành cùng em - chia sẻ, động viên. Cùng với đó, em lướt qua những phím đàn organ, âm nhạc đã phần nào giúp em quên đi những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống. Để rồi mỗi khi bản nhạc kết thúc, em được trở lại là chính mình, lại nở nụ cười trên môi, dù thất bại hay thành công.

Người dân xóm 6 bảy tỏ vui mừng, trân trọng nâng niu vòng nguyệt quế của nhà vô địch Olympia.

Nhớ lại thói quen nhiều năm trước đây, trong cặp của Hằng luôn có tờ giấy ghi dòng chữ "Ninh Bình - Địa linh nhân kiệt". Thông điệp đó như một lời nhắc nhở em luôn phải luôn chiến đấu, "Bởi sự chiến đấu đó không còn chỉ cho riêng mình nữa rồi, mà em còn phải chiến đấu cho cả niềm tự hào người Cố đô", Hằng chia sẻ. Giọng Hằng bỗng rắn giỏi, đôi mắt rực sáng khi nói về mảnh đất của mình, "Ninh Bình là một tỉnh giáp biển, có núi, có sông. Vùng đất là Cố đô của nhà Tiền Lê, nhà Đinh".

Chúng tôi chia tay gia đình Hằng vào lúc những vì tinh tú trên trời đã hiện diện, cũng là lúc những bà con gần đó đến chung vui với gia đình em. Công việc ở nông thôn nhiều vất vả nên lúc này họ mới có thể ngơi tay. Trên những đôi tay đầy vẻ thô ráp ấy, họ nâng niu chiếc vòng nguyệt quế rồi mỉm cười. "Đây là niềm tự hào của phụ nữ chúng ta!", chị Nguyễn Thị Hương, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm 6, vui mừng chia sẻ.

Quán quân Đường lên đỉnh Olympia 2020: Chiến đấu không chỉ cho riêng mình - Ảnh 7.

Một góc quê hương của Quán quân Đường lên đỉnh Olympia 2020 khi trời về đêm.

 Thực hiện: Trường Hùng