Tăng 'gia đình mở rộng', chồng tích cực chia sẻ việc nhà

16/04/2017 - 16:45
Đó là những nội dung nổi bật trong báo cáo về các xu hướng trong đời sống gia đình khắp nơi trên thế giới (the World Family Map report) do Viện nghiên cứu xã hội của Mỹ (The Social Trends Institute) đưa ra.

Báo cáo dựa trên số liệu về đời sống và xu hướng gia đình trên thế giới từ 32 quốc gia ở các cấp độ phát triển khác nhau: thu nhập đầu người cao, trung bình và thấp.  

Năm 2016, báo cáo cho thấy, đời sống gia đình đang thay đổi trên khắp thế giới. Hôn nhân vẫn là lựa chọn nhưng không phải là nhu cầu tất yếu của giới trẻ. Kinh tế khó khăn khiến nhiều người ngại ngùng trước hôn nhân hơn. Báo cáo cũng nói lên những thử thách mà gia đình phải đối mặt trong năm vừa qua. Nhưng những kết luận của báo cáo lại chỉ ra rằng, cha mẹ cùng nuôi dạy con cái đang cảm thấy hạnh phúc hơn những bố mẹ đơn thân.

gia-dinh.jpg
 Ảnh minh họa
Hầu hết trẻ em được sống cùng cha mẹ

Hầu hết trẻ em trên thế giới đang được sống với gia đình có cả bố và mẹ, xu hướng này tăng lên trong năm 2016. Ở hầu hết các quốc gia được khảo sát, trừ Nam Phi, hơn 1/2 trẻ em được sống với cả bố và mẹ. Đặc biệt, tỷ lệ trẻ được sống với cả cha và mẹ cao nhất ở  khu vực châu Á. Tuy nhiên, việc sống với cả cha và mẹ ở đây không có nghĩa là một gia đình được gắn kết bằng hôn nhân.

Tại châu Âu và Bắc Mỹ, các cặp đôi sống với nhau không có hôn thú là khá phổ biến. Ở châu Á, tỷ lệ các cặp bố mẹ gắn bó với nhau bằng hôn nhân vẫn cao hơn châu Âu. Cụ thể, ở Philippines 70%, Đài Loan (Trung Quốc) 49% và Indonesia 75% trong khi ở Thụy Sĩ, tỉ lệ này là 27% và Colombia là 20%.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, thanh niên châu Âu, Bắc Mỹ vẫn tìm kiếm sự linh động và tự do trong mối quan hệ của họ. Họ có thể cảm thấy bị bó buộc cũng như chịu áp lực lớn hơn trong hôn nhân. Tuy nhiên, theo khảo sát vừa qua, các cặp cha mẹ trẻ cũng nhận thức được rằng, hôn nhân sẽ tạo ra môi trường ổn định hơn để nuôi dạy con cái và gắn kết đứa con với người cha hơn. 

Sự tham gia chăm sóc trẻ của những người họ hàng

Báo cáo cũng cho thấy xu hướng tăng của những “gia đình mở rộng”, có những người họ hàng khác chăm sóc trẻ bên cạnh cha mẹ. Ở châu Phi, các gia đình có tỉ lệ cao ông bà, chú dì hoặc một người họ hàng khác cùng tham gia chăm sóc trẻ. 65% gia đình ở Ghana, 60% gia đình ở Nigeria, 70% gia đình ở Nam Phi và 60% gia đình ở Tazania có thêm  một thành viên khác trong gia đình. Tỷ lệ này trung bình là 50% ở châu Á (Ấn Độ) và 58% ở Trung Đông (Thổ Nhĩ Kỳ).

Việc trẻ có mối quan hệ với những người thân khác trong gia đình, bên cạnh cha mẹ, cũng được các nhà khoa học chứng minh là mang lại lợi ích cho đứa trẻ trong việc phát triển ngôn ngữ và giao tiếp.

gia-dinh1.jpg
 Ảnh minh họa

Sự ủng hộ với việc làm cha mẹ đơn thân cũng bắt đầu thay đổi so với trước đây. Tỉ lệ này từng khá cao những năm trước nhưng hiện nay, chỉ 50% người trưởng thành tin rằng, người mẹ đơn thân có thể nuôi con tốt như một cặp cha mẹ đầy đủ. Ở Trung Quốc, tỉ lệ ủng hộ bà mẹ đơn thân đã giảm xuống còn dưới 25%. Ở Mỹ, 27% trẻ em là con của cha mẹ đơn thân còn ở Anh và New Zealand, tỷ lệ này là 24%.

Chuyển biến trong chia sẻ việc nhà

Có thể nói, năm 2016 là năm có những chuyển biến quan trọng trong nhận thức của cả phụ nữ và nam giới về sự phân công trong gia đình với việc kiếm tiền và các công việc nội trợ. Đơn cử, tại Úc, hơn 50% người trong độ tuổi trưởng thành tin rằng, nếu bước vào hôn nhân, nam giới sẽ không ngần ngại giúp đỡ vợ công việc nhà. Ở hầu hết các nước được khảo sát, tỉ lệ nam giới sẵn sàng làm việc nhà, chia sẻ công việc nội trợ cũng tăng lên.  

gia-dinh2.jpg
 Ảnh minh họa
Phụ nữ đi làm sẽ nuôi dạy con tốt hơn

Ở hầu hết các quốc gia được khảo sát, nhận thức về việc phụ nữ đi làm trong gia đình có sự thay đổi lớn. Ngày càng nhiều các ông bố và bà mẹ tin rằng khi phụ nữ đi làm, mối liên hệ giữa họ với con cái sẽ mạnh mẽ và hạnh phúc hơn một bà mẹ ở nhà. 50% người Chile, 80% người Pháp đồng ý rằng, một phụ nữ có công việc ngoài xã hội sẽ tốt hơn cho con cái họ.

Khi phụ nữ có công việc, họ ấy sẽ hoàn thiện hơn trong giao tiếp cũng như  hiểu biết xã hội. Điều này giúp giảm bớt sự căng thẳng và tù túng khi chỉ chúi đầu vào công việc nhà. Những kỹ năng và hiểu biết xã hội cũng giúp phụ nữ dạy con tốt hơn để  trở thành những đứa trẻ hạnh phúc và thành công hơn trong tương lai.

Nam Mỹ: Tỉ lệ hài lòng về hôn nhân cao nhất

Năm 2016, xu hướng không thay đổi trong mức độ hài lòng với hôn nhân. Ở các nước châu Âu và châu Mỹ, các cặp vợ chồng cảm thấy hài lòng và hạnh phúc hơn với hôn  nhân so với các quốc gia châu Á. Tỉ lệ hài lòng với hôn nhân cao nhất ở khu vực Nam Mỹ, 78% các cặp đôi ở Argentina hài lòng với hôn nhân của họ. Ở Chile là 67,5% trong khi ở châu Á, tỉ lệ hài lòng với hôn nhân thấp nhất, chỉ có 30% các cặp đôi được hỏi cảm thấy hài lòng và hạnh phúc với cuộc hôn nhân của họ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm