Tuần qua, Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) đã công bố số liệu kinh tế xã hội trong 3 tháng đầu năm 2019. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2019 ước tính tăng 6,79% (so với cùng kỳ năm trước là 7,38%). Con số này chỉ thấp hơn mức tăng trưởng trong quý I/2018 nhưng cao hơn giai đoạn 2009 - 2017.
Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68% (đóng góp 4,9% vào mức tăng chung), khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,63% (đóng góp 51,2%), khu vực dịch vụ tăng 6,5% (đóng góp 43,9%).
Động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong quý I là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 12,35%. Ở chiều ngược lại, ngành khai khoáng trong 3 tháng đầu năm tăng trưởng âm (giảm 2,2%) do sản lượng dầu thô khai thác giảm 10,3% và khí đốt tự nhiên giảm 2,4%. Ngành xây dựng duy trì mức tăng trưởng khá với 6,68%, đóng góp 0,39% vào mức tăng chung của nền kinh tế.
Trong ngành dịch vụ, đóng góp cao nhất là lĩnh vực bán buôn bán lẻ, theo sau là dịch vụ lưu trú và ăn uống, hoạt động tài chính-ngân hàng-bảo hiểm và hoạt động bất động sản.
Trên góc độ sử dụng GDP trong quý I, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,09% so với cùng kỳ năm 2018. Tích lũy tài sản tăng 6,2%, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 6,81%, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 8,7%.
Bình quân trong 3 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,63% so với cùng kỳ 2018 - mức tăng bình quân quý I thấp nhất trong 3 năm gần đây. Lạm phát cơ bản tháng 3 giảm 0,06% - mức giảm thấp nhất trong 3 năm.
Thận trọng để hạn chế rủi ro
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng: Tăng trưởng GDP trong năm nay sẽ khó đạt được mức như năm 2018, một phần vì Quốc hội đã thận trọng hơn trong việc đặt ra mức chỉ tiêu tăng trưởng, mặt khác do tình hình kinh tế thế giới năm nay dự kiến nhiều bất ổn và khó lường.
“GDP quý I năm nay lại bắt đầu chững lại. Quốc hội đã rất thận trọng khi đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019 là từ 6,6-6,8%. Trước đó, năm 2018 chúng ta tăng trưởng tới 7,08%, cao nhất trong 10 năm qua. Nhưng trong năm 2019, kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn. Trước hết, đó là sự biến động của kinh tế thế giới như cuộc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung chưa kết thúc, giá cả nhiên liệu thế giới phụ thuộc vào nguồn cung, giá dầu tăng do hiện nay các nước OPEC đang siết nguồn cung, đồng thời dự trữ của các nước Âu Mỹ thấp dẫn tới dầu tăng cao, cản trở tăng trưởng GDP”, PGS.TS Ngô Trí Long nhận xét.
Đồng quan điểm trên, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nguyên thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Chính phủ, cho rằng năm 2019 sẽ không “thuận buồm xuôi gió”, do đó phương châm đặt ra là nên “thận trọng để hạn chế rủi ro”.
TS Võ Trí Thành phân tích: “Năm 2019, tinh thần chung là chặt chẽ, cẩn trọng để đảm bảo ổn định, hạn chế rủi ro, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường. Việt Nam phải chuẩn bị nhiều kịch bản, trong đó lưu ý 2 kịch bản.
Kịch bản thứ nhất, triển vọng kinh tế tốt hơn. Ví dụ, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đi đến hồi cân bằng, những cái rủi ro bất định liên quan đến giá cả bớt đi. Trong trường hợp này phải có kịch bản vĩ mô thích hợp. Còn kịch bản thứ 2, trong trường hợp tăng trưởng thương mại suy giảm mạnh, chính sách tiền tệ phải chuyển từ chặt chẽ quá cẩn trọng sang hướng linh hoạt hơn.
Kinh tế Việt Nam rất mở. Điều này đặt ra vấn đề rất liên quan lớn đến quan hệ với nước ngoài. Thời gian này, các dự báo về kinh tế thế giới trong 2 năm tiếp theo đều thấp. Thực tế, kinh tế thế giới đang chững lại và tăng trưởng của 2 đối tác lớn nhất của Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc đều đang giảm tốc. Giá cả, đặc biệt là giá dầu, rất khó dự báo. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bất định, không ai dám nói chắc sẽ diễn biến tới đâu”.
Theo TS Võ Trí Thành, mục tiêu tăng trưởng 6,6-6,8% được Quốc hội đặt ra trong năm 2019 là vừa phải, đủ cẩn trọng trong bối cảnh hiện nay.
“Trong một bức tranh kinh tế thế giới đa sắc màu luôn tiềm ẩn những cơ hội cho Việt Nam phát triển nếu biết nhìn đúng thời cơ và nắm bắt kịp thời. Phải chuẩn bị các kịch bản xấu để sẵn sàng đối phó, giảm thiểu các tác động tiêu cực và kể cả kịch bản để tận dụng cơ hội”, ông Thành nhận xét.