pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tết Chôl Chnăm Thmây 2020: Điều ước năm mới là chiến thắng dịch bệnh
1 ngôi chùa Khmer được trang hoàng lộng lẫy dịp Tết Chôl Chnăm Thmây
Tại nhà Thạch Thị Dia, người Khmer, phường 13, quận 5, TPHCM, những ngày này bà đang dọn dẹp nhà cửa để chuẩn bị cho Tết truyền thống. Bà Dia cho biết, mọi năm gia đình thường đến chùa Chăngtarangsay (quận 3, TPHCM) để cúng Phật và gặp gỡ mọi người. Đây là dịp đồng bào, chư tăng Khmer ở các quận trong thành phố hội ngộ về đây cùng nhau chúc phúc, báo hiếu, báo công. Thế nhưng năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng, nên gia đình bà sẽ tổ chức tại nhà. "Mấy năm tôi và các con chuẩn bị mâm cỗ gồm 19 món, mỗi món một ít để mang lên chùa cúng. Năm nay, tôi sẽ cúng tại nhà để cầu mong dịch bệnh mau qua đi. Mình phòng bệnh cho mình cũng là giữ sức khỏe cho con", bà Thạch Thị Dia bộc bạch.
Diệp Tấn Tài (người Khmer, Trà Cú, Trà Vinh) cũng chia sẻ: "Theo phong tục của quê mình, Tết có 3 ngày. Ngày đầu tiên, gia đình chuẩn bị đón giao thừa. Ngày thứ 2 là cúng ông bà, tổ tiên. Ngày cuối là tắm Phật hoặc gia đình nào ông bà đã mất thì lấy hũ tro cốt ra tắm theo phong tục và cầu nguyện. Mọi năm, lễ tắm Phật phải tập trung cả phum, sóc lại để tổ chức. Nhưng năm nay do tình hình dịch bệnh, mình nghĩ mọi người sẽ tạm dừng hoạt động tập trung đông người, chỉ tổ chức trong phạm vi gia đình thôi. Năm nay, mình chỉ mong mau hết dịch để mọi người trở lại cuộc sống bình thường, sang năm sẽ đón cái Tết lớn hơn".
Mọi nghi lễ đều được rút gọn
Bà Thạch Thị Kế Rin, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, cho biết: "Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Để chuẩn bị tổ chức cho đồng bào đón Tết cổ truyền trong bối cảnh "cuộc chiến" phòng, chống dịch Covid-19 đang ở giai đoạn mang tính quyết định, Ban Dân tộc tỉnh đã có văn bản gửi Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh, các chùa Phật Nam tông Khmer trên địa bàn, yêu cầu mọi người không tổ chức lễ hội, các sự kiện tập trung đông người, rút ngắn thời gian tổ chức nghi lễ tôn giáo. Không tổ chức các hoạt động văn nghệ. Chúng tôi khuyến cáo mọi người tổ chức trong phạm vi gia đình, không tổ chức tiệc tùng liên hoan linh đình".
Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng cũng lên kế hoạch cụ thể để hạn chế thấp nhất tình trạng tập trung đông người, mọi nghi thức đều được rút gọn: Lễ rước đại lịch không được tập trung bà con phật tử trong thời gian rước đại lịch. Lễ cầu siêu, các vị sư tổ chức cầu siêu chung cho người quá cố tại một điểm và chỉ tổ chức một lần. Tuyên truyền đồng bào Khmer không đến chùa thực hiện việc cầu siêu mà chủ yếu cung cấp danh sách ông bà, tổ tiên đã qua đời cho các tổ trưởng (Mê Vên) chuyển đến các vị sư để làm lễ cầu siêu chung. Lễ tắm Phật chỉ làm lễ tượng trưng...
Tại Cà Mau, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành hướng dẫn và kịp thời vận động đồng bào dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, không đi chúc Tết lẫn nhau; khuyến khích các hoạt động tại nhà trên tinh thần lành mạnh, an toàn và tiết kiệm.
Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm nay là năm nhuận, đồng bào ăn Tết tới 4 ngày. Sư sãi và đồng bào dân tộc Khmer các tỉnh chỉ thực hiện tượng trưng các nghi lễ. Mọi người không tập trung giao lưu trong khuôn viên chùa và không tổ chức các trò chơi dân gian như những năm trước.