pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tết đến Xuân sang, lại nhớ về một thời con gái
Hai câu thơ trong bài "Theo chân Bác" của nhà thơ Tố Hữu toát lên hào khí một thời lớp lớp thanh niên xung phong "đi theo ánh lửa từ trái tim mình", cống hiến tuổi xuân cho đất nước. Năm tháng đi qua, nhiều câu chuyện giờ đã là huyền thoại nhưng mỗi lần nhắc đến vẫn thật xúc động.
Những "nỗi sợ rất con gái"
Đối diện với đạn bom, với cái chết, các chị không sợ nhưng lại có những nỗi sợ rất giản đơn: Sợ vắt, sợ ma, sợ xấu, sợ rụng tóc... Y sĩ (sau này là Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ) Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 Trần Thị Thục Oanh cho biết: "Tôi sợ vắt hơn cả bom đạn. Vắt thì cứ tự chui dưới lá khô lên bám vào cắn no rồi tự lăn đi. Có lần bị vắt xanh trên lá nhảy vào nách cắn, khi thấy ngứa thì vắt đã cắn no căng rồi. Thật khủng khiếp. Nếu bị vắt cắn phải dùng lửa đốt đít nó mới nhả ra, nếu dứt đi ngay sẽ đứt đầu, gây đau ngứa hàng tháng trời".
Cựu binh Trần Thị Chung kể về chuyện phát khóc khi gặp trăn: "Nhận nhiệm vụ nuôi quân ở Binh trạm 44, hàng ngày chúng tôi chia nhau vào rừng hái nấm, tìm rau, kiếm măng để nấu ăn và chăn nuôi. Một lần vào rừng hái rau thấy một con trăn khổng lồ nằm phơi mình trên cây gỗ mục giữa lối đi, tôi sợ đến phát khóc. Nhưng vì nhiệm vụ, gạt nỗi sợ hãi, tôi vòng tránh xa con trăn, hái căng 2 bao tải rau tàu bay, rau dớn, măng tre, le, nứa...".
Đâu chỉ có vậy, sốt rét, ghẻ lở, bệnh phụ khoa cũng là "đặc sản" trên đất Trường Sơn và cũng chỉ có phụ nữ mới hiểu cái vất vả khi "đến tháng" mà điều kiện thì không đáp ứng. Cựu chiến sĩ Trường Sơn Trần Thị Hoa, y tá điều trị Đội 25, Binh trạm Bắc, Quân đoàn 3 Tây Nguyên, chia sẻ: "Ở chiến trường, con gái đến tháng khổ vô cùng. Cả ngày hành quân, tối nghỉ chân nếu cạnh suối thì không nói làm gì chứ ở lưng chừng đèo thì đành phải thay và quấn lại cho vào ba lô, đợi ngày hôm sau hành quân qua suối thì giặt".
Cựu binh Lê Thị Phương Thảo, hiện là Chủ tịch Hội nữ Chiến sĩ Trường Sơn, kể: "Ở Trường Sơn, mùa khô nước không đủ dùng nhưng vào mùa mưa, quần áo không thể khô, luôn bị ẩm ướt khiến chị em bị ghẻ lở, hắc lào quanh năm. Nguồn nước bị nhiễm chất độc quân đội Mỹ rải xuống làm chúng tôi mắc bệnh phụ khoa, rồi bị sốt rét khiến da xanh tái và mái tóc rụng gần hết".
Niềm riêng ngày trở về
Rời chiến trường bom đạn, những nữ chiến sĩ Trường Sơn trở về nhưng không phải ai cũng may mắn có được cuộc sống bình thường. Không còn thiên chức làm mẹ, quên đi hạnh phúc cá nhân hay nỗi đau dai dẳng của vết thương chiến tranh... đã khiến cuộc đời họ thiếu đi sự trọn vẹn.
Chị Nguyễn Thị Tỵ (Viện 211, Quân đoàn 3 Tây Nguyên) chia sẻ: "Năm 1975 xuất ngũ, tôi trở về quê hương và lập gia đình nhưng mãi không có con vì bị nhiễm chất độc da cam. Chồng rất thương tôi nhưng lực bất tòng tâm. Nghĩ cho anh, tôi đứng ra cưới vợ cho chồng. Vợ chồng anh sinh được 4 người con, tôi nhận 1 cháu về nuôi. Hiện nay các cháu đều thành đạt. Chúng yêu quý và coi tôi như mẹ đẻ, khiến tôi cũng ấm lòng!".
Sư Thích Đàm Nhẫn (trụ trì chùa Trình Lâm, Đông Phú, Đông Hưng, Thái Bình) cho biết: "Năm 1976, tôi xuất ngũ trở về địa phương được một thời gian thì bố, mẹ mất. Thay bố mẹ, tôi dựng vở gả chồng, lo nhà cửa cho 4 đứa em xong thì đã quá lứa nhỡ thì. Tôi đã nói dối các em là vào Nam làm ăn nhưng thực ra, tôi vào chùa nương tựa nơi cửa Phật".
Câu chuyện của chị Tạ Thị Ngọc Hiền (chiến sĩ nuôi quân, đoàn 559) đầy ám ảnh: "Để theo kịp đồng đội hành quân, tôi ngồi đại xuống đất đi vệ sinh nhưng không may bị gốc cây nhỏ sắc nhọn đâm đúng "vùng kín" đau buốt óc. Sợ rớt lại, tôi nghiến răng rút lên, máu ướt sũng... Bị ở "vùng kín", tôi ngượng không nói mà cứ chịu đựng. Sau ngày đất nước thống nhất, vào đêm tân hôn, nỗi đau khủng khiếp đó trỗi dậy. Mặc dù đã có với nhau 3 đứa con, tôi vẫn phải ra tòa ly hôn chỉ vì không chịu được nỗi đau ấy".
"Tình chị duyên em" từ chiến địa
Cũng từ Trường Sơn, có những câu chuyện buồn đau nhưng thật ấm áp tình người. Đó là chuyện bà Nguyễn Thị Hảo 50 năm qua vẫn thờ người đồng đội, người chị thân thiết và cũng là người yêu cũ của chồng mình - liệt sĩ Hà Thị Tuyết Lan.
Hơn 50 năm trước, hai cô gái đồng hương Phú Thọ tên Hảo và Lan nhập ngũ, trở thành y tá Đội điều trị 48, Binh trạm 37, Đoàn 559. Cùng quê, cùng trang lứa, hai chị em nhanh chóng thân thiết, đi đâu cũng có nhau. Có lần, chị Lan dặn chị Hảo, nếu chẳng may mình hy sinh thì nhờ đồng đội chăm sóc chồng chưa cưới của mình... Không ngờ sau đó, chị Lan hy sinh bởi viên đạn bắn trúng ngực. Theo ý nguyện của 3 gia đình (gia đình chị Lan, gia đình người yêu chị Lan và gia đình chị Hảo), đặc biệt là nhớ lời dặn của người chị đã khuất, chị Hảo đã nhận lời kết hôn với chồng chưa cưới của chị Lan sau 3 năm anh liên tục bày tỏ tình cảm.
Nhớ về người chị liệt sĩ của mình, chị Hảo cho biết, khi đơn vị mai táng chị Lan ở Lào, chị đã lấy ống penixilin đựng đất trên mộ vào bao diêm Thống Nhất cất 9 cái chân hương mang về. Sau đó, chị mang nắm đất cho gia đình chị Lan, còn chân hương thì mình giữ để thờ người chị kết nghĩa. "Ngày 29/3/1969, chị Lan hy sinh. Từ đó tới nay, hơn 50 năm, dù gia đình vất vả, khó khăn đến đâu, chúng tôi vẫn giữ những kỷ vật ấy để thờ chị Lan", chị Hảo cho biết.
Đến hôm nay nhìn lại, người chiến sĩ Trường Sơn năm ấy thấy mình thật hạnh phúc khi có một gia đình êm ấm, con cháu giỏi giang, phần lớn đều theo ngành Y. Để rồi lại tự nhắc mình phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của người chị kết nghĩa, bởi bà đang sống cuộc đời không chỉ cho riêng mình.