Tết Trung thu đặc biệt của những “đứa trẻ” trên tuổi 18

"Vui Tết Trung thu" được tổ chức vào chiều tối ngày 29/9, tại một căn nhà nằm sâu trong ngõ Vạn Bảo (quận Ba Đình). Nhân vật chính của buổi phá cỗ là 6 trẻ có hội chứng tự kỷ đang được can thiệp ở Our Story, trong đó có 4 trẻ ở độ tuổi 18 trở lên.

"Con có được đi Trung thu không?"

Trước đó, khi nghe các cô giáo ở trung tâm trò chuyện về Trung thu và cách làm bánh, một số bạn tự kỷ liền tò mò hỏi:  "Ô, Trung thu à cô?", "Con có được đi Trung thu không?", "Làm bánh Trung thu, con có được ăn không?", "Trung Thu con có được nhận quà không?"… Qua những câu hỏi ngây thơ ấy, chị Nguyễn Thị Thu, giám đốc trung tâm Our Story cảm nhận được khát khao mong muốn người lớn tổ chức Tết Thiếu nhi cho mình của các bạn tự kỷ.

Bởi theo lẽ thường và Luật Trẻ em, ở độ tuổi 18 trở đi, các bạn đã không còn là thiếu nhi và mấy năm gần đây đã không còn được nhận quà từ cơ quan của ba mẹ hoặc từ tổ dân phố địa phương. "Nhưng nếu theo lẽ đặc biệt, tuy rằng các bạn mang hình hài của người lớn nhưng ẩn sâu bên trong là một tâm hồn trẻ thơ. Trong suy nghĩ của các bạn, chưa từng nghĩ rằng mình đã hết tuổi thiếu nhi, và cũng chưa từng nghĩ mình sẽ không được nhận quà vào ngày đó. Mấy ngày này, cũng như biết bao đứa trẻ khác, các bạn cũng hay nói nhiều về chị Hằng và chú Cuội", chị Thu xúc động nói.

Tết Trung thu đặc biệt của những “đứa trẻ” trên tuổi 18 - Ảnh 1.

Chị Thu và các bạn tự kỷ tại trung tâm Our Story trong một lần nhận quà của độc giả Báo Phụ nữ Việt Nam

Chính vì vậy, để các bạn tự kỷ ở trung tâm không có cảm giác thiệt thòi, chị Thu đã cùng chồng và một số giáo viên, tình nguyện viên ở trung tâm đã quyết định tổ chức Tết Trung thu. Nhưng Trung thu không chỉ đơn thuần có bánh kẹo, mà còn cần có những tiết mục văn nghệ, và ngay cả việc trang trí cũng phải rất lưu tâm. Và tất cả những điều đó đều hướng tới chữ "tiền" cả, nhưng vì là một chương trình từ thiện, cha mẹ các bạn tự kỷ không phải đóng tiền, lại trong cảnh trung tâm cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nên phải khéo vun véo lắm chị Thu mới có thể tổ chức được.

Về phía các tiết mục văn nghệ, các cô trò thống nhất có tiết mục nhảy tập thể, hát đơn ca "Chiếc đèn ông sao", hát song ca "Thằng Cuội", hát rap và đi xe đạp một bánh. Mọi tiết mục này đều do chính các bạn tự kỷ biểu diễn, các giáo viên chỉ là người hướng dẫn các bạn tập. Nhưng khác với các bạn bình thường, các bạn tự kỷ thường khó tập trung, làm chủ hành vi, dẫn đến nhiều động tác không thể nhớ được và thường bị quên lời. Dẫu vậy, mỗi khi nghe các cô nói sẽ được "biểu diễn" thì ai trong số các bạn cũng hào hứng tập trung, cố gắng hết mình. Chứng kiến những giây phút đó, một số phụ huynh sau lễ phá cỗ còn xúc động kể lại rằng, "Khi về nhà các con tự bật nhạc lên tập, đây là điều các con chưa từng làm trước đó. Thậm chí, ngay từ đêm hôm trước, các con còn chủ động khoe, ngày mai sẽ lên biểu diễn và sẽ quay video về cho bố mẹ xem".

Tết Trung thu đặc biệt của những “đứa trẻ” trên tuổi 18 - Ảnh 2.

Giáo viên hướng dẫn một bạn tự kỷ tập hát bài "Chiếc đèn ông sao"

Đối với những bạn khác, có lẽ nghe đến biểu diễn thì bình thường hoặc có chăng là sự hồi hộp, háo hức. Nhưng đối với các bạn tự kỷ từ "biểu diễn" có ý nghĩa đặc biệt hơn bởi vì, nó làm thay đổi vị thế của các bạn, từ vị trí của người chỉ được xem người khác biểu diễn đến vị trí là người biểu diễn cho người khác xem. Với tâm thế đó, sáng 29/9, ngay khi vừa đến trung tâm học, có bạn hỏi chị Thu, "Cô ơi, Trung thu tổ chức ở đâu?". Và khi biết đích xác địa điểm rồi, không ai bảo ai, mỗi người cắt cử một việc, người thì lau nhà, người thì quét ngõ, tất cả đều mong muốn rằng buổi lễ tối nay được khang trang nhất có thể. Những bước chân, những đôi tay vì vậy mà cuống quýt, vì vậy mà vui mừng, một số bạn không làm chủ được bất giác nở nụ cười thật ngơ ngác.

Thấy các cô đang bận bịu làm đèn lồng, các bạn cũng ríu rít phụ vào. Được các cô hướng dẫn, các bạn cũng biết cắt tờ giấy thành hình bông hoa, hình ngôi sao. Từ những đồ vật tưởng như đơn giản đó, dưới đôi tay của các bạn mà thành hình, thành dạng, thêm phần trang nhã cho địa điểm tổ chức. Cảm nhận được niềm vui của các con, cha mẹ các bạn cũng không ai bảo trước, người có bánh nướng ở nhà thì mang lên, không có nhiều thì mang bột nếp, hoặc có chị còn chi tiền mua hoa quả. Thậm chí, có người ngoài còn tại trợ nhân và khuôn làm bánh dẻo cho cái Tết Trung thu đặc biệt này.

Tết Trung thu đặc biệt của những “đứa trẻ” trên tuổi 18 - Ảnh 3.

Tết Trung thu đặc biệt của những “đứa trẻ” trên tuổi 18 - Ảnh 4.

Các giáo viên tại trung tâm hướng dẫn các bạn tự kỷ làm bánh dẻo

Tết Trung thu đặc biệt của những “đứa trẻ” trên tuổi 18 - Ảnh 5.

Mâm phá cỗ trông trăng do chính các bạn tự kỷ và các giáo viên cùng làm

Nguyên liệu đã sẵn có, thực hiện phương châm "giáo viên và học sinh cùng làm", các giáo viên chỉ là người hướng dẫn, các bạn tự kỷ sẽ phải trực tiếp xắn tay vào làm. Nhìn những đôi tay đầy cứng nhắc đó, chẳng ai có thể ngờ được rằng những chiếc bánh dẻo hình thỏ xinh xắn kia là do chính các bạn làm. Phát huy tinh thần đó, các giáo viên cũng sáng tạo không ngừng, biến quả bưởi thành chó poodle, một loài chó cảnh đang được nuôi thông dụng mấy năm gần đây ở Hà Nội. Không chỉ vậy, từ quả nho và quả lê của phụ huynh ủng hộ, các cô còn chế tác thành loài nhím lạ, mà đến cả khách mời cũng phải ngớ người ra hỏi, "Không biết con gì kia nhỉ?".

"Ô, không ngờ các bạn này cũng giỏi đến thế!"

Đồng hồ điểm từng giây tích tắc tích tắc, rồi thời gian quan trọng nhất trong ngày đã đến, chương trình "Vui Tết Trung thu" dành riêng cho các bạn tự kỷ được bắt đầu. Những thành phần tham dự, không chỉ có riêng giáo viên, mà còn có trẻ con quanh khu phố đó, thậm chí có cả những người lớn tuổi tò mò đến xem.

Các bạn tự kỷ và giáo viên biểu diễn các tiết mục văn nghệ tại buổi "phá cỗ trông trăng"

Phần nhảy tập thể chưa thật sự tốt, nhưng nhìn chung giữa động tác và âm nhạc đã có sự ăn khớp. "Bạn Nam đọc rap giỏi, bạn Vũ đi xe đạp một bánh rất điêu luyện. Về phần Nguyên Minh hát còn hơi rụt rè, nhưng kể từ lúc Vũ và Nam lên múa phụ họa, bạn đã tự tin hơn", chị Thu chia sẻ. 

Trực tiếp chứng kiến những điều phi thường đó, một vài người cũng bất giác ồ lên, "Ô, không ngờ các bạn này cũng giỏi đến thế!". Trong khi trước đó, có người chỉ biết ở đây có trẻ tự kỷ, thậm chí có người nhìn nhận không đúng còn coi các bạn có vấn đề thần kinh.

Tiết mục biểu diễn đạp xe đạp một bánh của bạn Vũ

Cũng từ đây, cộng thêm sự giải thích của các giáo viên, họ cũng dần hiểu ra, tự kỷ không phải là bệnh mà là một dạng khuyết tật phát triển tồn tại suốt đời khiến trẻ có những khiếm khuyết về mặt hành vi, ngôn ngữ và giao tiếp. Tuy rằng khó có thể chữa được, nhưng nếu được phát hiện sớm và can thiệp đúng cách thì các bạn vẫn có thể đi học, đi làm, có khả năng sống độc lập để không trở thành gánh nặng xã hội.

Nhìn những người bạn cao hơn mình mấy cái đầu đang biểu diễn, bé Sóc (3 tuổi) cũng biết nhún nhẩy theo, hát bập bẹ vài câu trong bài "Chiếc đèn ông sao", "Chiếc… đèn… ông… sao… sao… năm… cánh… tươi… màu…", "Em… cầm… đèn… sao… em… hát… vang… vang…", "Đèn… sao… tươi… màu… của… đêm… rằm… liên… hoan…". Hát xong, Sóc níu váy chị Thu rồi nói, "Mẹ ơi, ngày mai lớp con tổ chức Trung thu, mẹ nói các anh đến biểu diễn nhé!".

Thực hiện: Trường Hùng