Năm 2009, ông trở lại Việt Nam, nơi ông từng sống 7 năm trong quá trình công tác. Ngoài công việc hiện tại là giảng viên tiếng Anh, viết sách, ông còn dành rất nhiều thời gian, tâm huyết trong vai trò một nhà hoạt động tích cực vì quyền lợi của phụ nữ tại Việt Nam. Nhân dịp Tết nguyên đán cổ truyền năm nay, ông David có cuộc trò chuyện với PNVN về cảm nhận của một người nước ngoài về Tết trong gia đình Việt.
- Ông đã bao nhiêu lần ở lại Việt Nam vào đúng dịp có Tết Nguyên đán?
Ông David Devin: Trước tiên, tôi xin cảm ơn vì đã cho tôi vinh dự trả lời phỏng vấn. Năm nay là cái Tết thứ 8 của tôi ở miền Bắc Việt Nam. Trước đó, tôi đã được hưởng 6 Tết ở miền Nam Việt Nam.
- Lần đầu tiên chứng kiến người Việt ăn Tết, ông có cảm xúc gì đặc biệt?
Ông David Devin: Lần đầu tiên tôi nghe nói về Tết Nguyên đán của Việt Nam là vào năm 1968 khi tôi đang là một sinh viên sống trong ký túc xá tại Đại học Washington ở Seattle (Mỹ). Tôi đã xem nhiều tin tức về cuộc chiến ở Việt Nam trên TV và đó không phải là một trải nghiệm dễ chịu.
Tết đầu tiên của tôi ở Việt Nam là vào tháng 2/1969, có rất nhiều điều ấn tượng làm tôi nhớ mãi đến tận bây giờ.
Tôi được mời đến nhà của một trong những nhân viên của tôi, cô ấy tên là Mai Linh. Cha mẹ cô ấy là nông dân và khá đông con. Mai Linh có 3 chị gái và 1 em trai. Cha cô là người muốn có con trai vì vậy, ông và vợ đẻ nhiều cho đến khi ông đạt mong muốn của mình.
Những ngày đó, Việt Nam khá nghèo. Nhà của họ là ngôi nhà gỗ ba phòng với mái cỏ, sàn đất. Họ không có nước hoặc điện nên cái Tết đó, ở trong nhà họ cũng không có tủ lạnh, đèn điện chiếu sáng hoặc quạt và tất nhiên không có TV… Họ có một bàn thờ gia đình trong nhà để thờ cúng tổ tiên. Tôi cùng họ ăn một cái Tết nhỏ, có cây mai đã nở những bông hoa trắng. Họ nấu thức ăn bằng bếp lửa đặt bên ngoài ngôi nhà...
Vào ngày Tết ấy, có rất nhiều người đã xuất hiện trong các bữa ăn của gia đình Mai Linh. Bên cạnh nhà cô có rất nhiều họ hàng, là ông, bà, bác, chú, anh em họ và cả cô, dì chưa kết hôn… Đã có 18 người trong gia đình họ và tôi quây quần trong những bữa ăn. Tất cả những người đàn ông ngồi trên một cái chiếu trải phía bên ngoài hiên nhà và được phục vụ. Trẻ em ngồi ở cái chiếu riêng. Tôi ngồi trên chiếu với những người đàn ông trong gia đình họ và cố gắng hết sức để học nói chuyện với họ bằng tiếng Việt. Tôi cũng còn nhớ, hồi ấy ở Việt Nam người dân không sử dụng túi nilon nên tất cả thức ăn của Tết ấy đều được gói bằng lá chuối.
Kể từ ngày đó, tôi đã rất thích các món ăn truyền thống ngày Tết của Việt Nam gói bằng lá chuối như giò bò, nem, trái cây… Ngày Tết năm ấy, những người đàn ông Việt Nam không uống rượu, chúng tôi đều uống trà xanh. Và theo gợi ý của Mai Linh, tôi đã tham gia vào phong tục lì xì cho các em nhỏ trong gia đình và bố mẹ của Mai Linh bằng việc cho một vài đô la vào phong bao lì xì màu đỏ để mừng tuổi…
- Là người đã trải qua khá nhiều cái Tết Việt, cho đến bây giờ, có phong tục, tập quán gì của Tết Việt vẫn còn khiến ông cảm thấy tò mò hay khó hiểu?
Ông David Devin: Mấy Tết gần đây, buổi tối giao thừa tôi thường cùng với một người bạn Việt đi ngắm hoa đào, xem pháo hoa tại Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội và sau đó đi thăm đền, chùa.
Đôi khi tôi quan sát thấy mọi người có tục rắc những thứ gì dường như là gạo hay muối trên phố vào đêm ấy. Tôi từng rất tò mò không hiểu tại sao họ làm điều này? Sau đó, tôi cho rằng đó có thể là một phong tục để mang lại may mắn trong năm mới cho gia đình của họ.
- Qua quan sát của một người đàn ông Mỹ, ông nhận thấy hiện nay người phụ nữ Việt Nam còn đang phải chịu bất bình đẳng như thế nào trong những ngày Tết?
Ông David Devin: Như bạn nhận thấy và cũng như tôi đã thấy phụ nữ Việt Nam vẫn còn vất vả và phải chịu bất bình đẳng giới khá rõ trong những dịp Tết. Đó là sự phân công lao động trong gia đình, công việc nội trợ, trọng trách làm dâu, trách nhiệm trong gia đình... chưa được hợp lý. Cô ấy còn phải làm quá nhiều những việc nhà so với chồng mình.
Khi bạn hỏi tôi có lời khuyên gì với các cô gái trẻ Việt Nam để sau này họ có được bình đẳng hơn trong dịp Tết cũng như trong mọi mặt của cuộc sống, thì tôi có 1 lời khuyên - 1 thông điệp rằng cần phải học cách lãnh đạo bằng yêu thương. Nếu phụ nữ muốn được hạnh phúc, thành công trong cuộc sống, hãy học cách làm chủ, làm người lãnh đạo của cuộc đời mình. Khi bạn đã đề ra được kế hoạch đó, thì hãy tìm một người chồng tốt - một người biết thực sự yêu thương bạn và sẽ cùng bạn tạo lập một gia đình theo ước mơ của mình.
- Cảm ơn ông rất nhiều!