pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thái Nguyên: Phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế gia đình và cộng đồng
Sản xuất mỳ, bún khô tại huyện Võ Nhai
Phụ nữ chủ động vươn lên thoát nghèo
Với những cách làm năng động, sáng tạo, Thái Nguyên đã trở thành một trong những địa phương đi đầu về thực hiện hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Theo báo cáo của UBND tỉnh Thái Nguyên, thời gian qua tỉnh đã triển khai, thực hiện có hiệu quả "Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 và giai đoạn 2021-2025". Kết quả rõ nét nhất của chương trình là trên địa bàn tỉnh, số hộ nghèo và cận nghèo đã giảm rất nhanh. Năm 2021, theo thống kê, tỉnh còn 36.798 hộ nghèo nhưng đến năm 2022 đã giảm xuống còn 26.869 hộ. Tỉnh Thái Nguyên ước tính đến cuối năm 2024, số hộ nghèo giảm còn 7.480 hộ, đạt tỷ lệ 2,22%, giảm 0,8% so với năm 2023; hộ cận nghèo giảm còn 8.740 hộ, đạt tỷ lệ 2,59%, giảm 0,23% so với năm 2023.
Bà Hứa Thị Châu Giang, Phó Chủ tịch thường trực Hội LHPN Thái Nguyên, cho biết: "Kết quả này có được là nhờ vào sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các bộ ban ngành, các tổ chức trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Tất cả cùng phối hợp thực hiện, cùng lồng ghép các chương trình, dự án với mục đích cuối cùng là đạt hiệu quả cao nhất. Bên cạnh sự hỗ trợ, yếu tố chính vẫn là phải làm sao để phát huy sự chủ động của người phụ nữ. Tự mình giúp mình và giúp nhau phát triển kinh tế, nhiều chị em phụ nữ tại các vùng còn nghèo, còn khó khăn tại Thái Nguyên đã làm tốt, đời sống kinh tế đã ổn định, đã thoát nghèo và còn giúp được chị em khác thoát nghèo".
Tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng và có nhiều chính sách phù hợp với điều kiện, đặc thù của địa phương để hỗ trợ người dân thoát nghèo, đặc biệt là hướng vào đối tượng là phụ nữ. Các chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, kết hợp với các chương trình tín dụng xóa đói giảm nghèo được thực hiện linh hoạt.
Mô hình nuôi gà thả vườn đang phát triển hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho các hộ dân tại huyện Võ Nhai, giúp nhiều hộ thoát nghèo. Gia đình chị Lâm Thị Ánh (xã Hoà Bình, huyện Võ Nhai) được hỗ trợ thực hiện dự án chăn nuôi gà với số lượng 200 con gà giống (được hỗ trợ 70%). Bên cạnh việc được hỗ trợ con giống, chị Lâm Thị Ánh còn được tập huấn kỹ năng chăn nuôi xây dựng chuồng trại theo quy mô lớn, chế độ dinh dưỡng và biện pháp phòng bệnh trên đàn gà. Giống gà ri được cấp có sức chống chịu với thời tiết, ít bệnh tật, thịt thơm ngon, nhất là gà mái tơ. Sau khi xây dựng được hệ thống chuồng trại, gà nhanh chóng sinh trưởng và phát triển tốt, mang lại thu nhập cho người chăn nuôi.
13 hộ dân trên địa bàn xã Hòa Bình được thụ hưởng dự án, kết hợp kinh nghiệm giữa nuôi gà truyền thống và áp dụng kỹ thuật nuôi tiên tiến và đều đang mang lại kết quả tốt. Theo thống kê, năm 2023, số hộ nghèo, cận nghèo tại xã Hòa Bình là 103 hộ. Năm 2024, số hộ nghèo, cận nghèo giảm 45 hộ, chỉ còn 58 hộ. Các chương trình, nỗ lực để xóa hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã đang được triển khai.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
Xã La Hiên, huyện Võ Nhai, có 2.242 hộ dân với 8.625 khẩu. Trong đó, số hộ nghèo của xã là 68 hộ, chiếm 3,12%; hộ cận nghèo là 47 hộ, chiếm 2,15%. Phát triển sản phẩm truyền thống và trồng cây ăn quả phù hợp với địa bàn là hướng đi để thoát nghèo. Tại xã La Hiên, chương trình trồng và chăm sóc cây na theo tiêu chuẩn VietGAP đã được thực hiện. Cây na đã được trồng tại địa phương từ lâu nhưng mang tính tự phát, chưa theo tiêu chuẩn, hiệu quả kinh tế không cao. Bà Bùi Thị Tuất (xóm Cây Bòng, xã La Hiên) đã được hỗ trợ về vốn, giống cây và được tập huấn kỹ thuật trồng na tiên tiến. Với 3ha cây na phát triển tốt, trái na đẹp về mẫu mã, an toàn về chất lượng, mỗi năm cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Nhờ cây na, nhờ thu nhập ổn định từ trồng na, cuộc sống của được cải thiện, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo.
Trong việc thực hiện chương trình giảm nghèo, Thái Nguyên đã có một số cách làm sáng tạo. Tại xóm Chùa, xã Bình Long, huyện Võ Nhai, có 10 hộ nghèo đã được nhận hỗ trợ từ mô hình nhân rộng nuôi bò sinh sản. Với 1 con bê sau thời gian chăm sóc, nếu sinh ra bê đực thì người dân được bán, nếu là cái thì sẽ chuyển sang hỗ trợ cho hộ nghèo khác. Với cách làm này, nhiều hộ nghèo ở xã Bình Long đã vươn lên thoát nghèo, và ý nghĩa hơn là có thể giúp được hộ khác thoát nghèo.
Tại các huyện Võ Nhai và Đồng Hỷ, nhiều hợp tác xã, tổ liên kết sản xuất do phụ nữ làm chủ, có thành viên chiếm đa số là phụ nữ đã được thành lập. Với các mô hình này, hiệu quả kinh tế được nhân rộng, lan tỏa đến cả cộng đồng. Tại HTX mỳ, bún khô Tiến Diện (xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai), các chị em đã cùng nhau làm việc, cùng hỗ trợ nhau trong sản xuất. Sản phẩm mang tính truyền thống tại địa phương hiện đã được mở rộng thị trường, mang về thu nhập tốt cho các thành viên.
Để thoát nghèo phải bắt đầu từ sự thay đổi trong nhận thức, tư duy của người phụ nữ, biết tự chủ vươn lên trong cuộc sống. Trong số rất nhiều dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đang được thực hiện tại Thái Nguyên, những người phụ nữ đã trở thành trung tâm, tự vươn lên để thoát nghèo, cho bản thân mình, cho gia đình và cho cộng đồng.
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện chương trình tín dụng ưu đãi cho các hộ nghèo, cận nghèo vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất. Một trong những khó khăn còn tồn tại là nhiều dự án hỗ trợ yêu cầu tiền đối ứng của dân nên khó triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, qua việc đúc rút kinh nghiệm, tỉnh Thái Nguyên cần tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền đến các vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc miền núi, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, tiểu dự án, xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, giúp người dân thoát nghèo bền vững, huy động các nguồn lực cho công tác giảm nghèo.
"Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau", khơi dậy ý chí, phát huy nội lực, phụ nữ tự mình vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no đã mang lại hiệu quả tốt và sẽ tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện tại Thái Nguyên