“Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình là trải nghiệm đáng giá trong đời tôi”

"THAM GIA LỰC LƯỢNG GÌN GIỮ HÒA BÌNH LÀ TRẢI NGHIỆM ĐÁNG GIÁ TRONG ĐỜI TÔI"

Là một trong số những đại biểu ưu tú tham dự Đại hội đại biểu phụ nữ Tổng cục Hậu cần lần thứ VI diễn ra tại Hà Nội (ngày 21 & 22/10), Thiếu tá Quản Thu Thủy, Phó Chủ nhiệm Khoa Thận lọc máu, Bệnh viện Quân y 354, chia sẻ trải nghiệm đáng giá của đời mình với PV Báo PNVN.

Khác với thường ngày khoác trên mình chiếc áo blouse trắnghôm nay tại Đại hội, bác sĩ Quản Thu Thủy - Thiếu tá, Phó Chủ nhiệm Khoa Thận Lọc máu, Bệnh viện Quân y 354 - trong bộ đồng phục của lực lượng gìn giữ hoà bình. Tôi thoáng ngỡ ngàng khi gặp nữ bác sĩ trong lực lượng gìn giữ hoà bình vốn bản lĩnh gan dạ, có thể vượt qua mọi áp lực khắc nghiệt ở Nam Sudan lại có vóc dáng mảnh mai đến thế. Dáng đi thoăn thoắt, gương mặt xạm nắng cùng nụ cười tươi rói của chị hiện rõ sự từng trải của người lính áo trắng.

Thiếu tá Quản Thu Thủy là 1 trong số 63 thành viên (trong đó có 10 nữ) lên đường làm nhiệm vụ tại địa bàn Bentiu trong Phái bộ gìn giữ hoà bình LHQ tại Nam Sudan (UNMISS) từ ngày 22/11/2019 đến tháng 4/2021, với nhiệm vụ chăm sóc, bảo đảm sức khỏe cho nhân viên và binh sĩ gìn giữ hoà bình LHQ tại Bentiu, Nam Sudan. 

“Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình là trải nghiệm đáng giá trong đời tôi”  - Ảnh 1.

Bác sĩ Quản Thu Thủy trong màu áo cờ đỏ sao vàng giao lưu với trẻ em ở trường tiểu học gần nơi làm nhiệm vụ. Ảnh: NVCC

Chị Thủy kể, dù chị và các đồng đội đã chuẩn bị tinh thần từ trước nhưng bất ngờ đầu tiên khi đến Nam Sudan là máy bay hạ cánh trên sân bay chỉ là bãi đất trống trơn, hoang lạnh. Đây cũng là nơi có thời tiết khắc nhiệt, nắng khô với nhiệt độ ban ngày lên đến 50 độ C, cái nóng táp vào mặt, vào người đến khó thở. Ban đêm nhiệt độ giảm còn 20 độ C, sự chênh lệch thời tiết trong ngày rất lớn, khác biệt với Việt Nam luôn có độ ẩm cao, khiến chị em phải động viên nhau chiến thắng những cơn đau đầu, cảm cúm để hoàn thành nhiệm vụ.

Ngay cạnh bệnh viện nơi chị Thủy và các đồng đội làm nhiệm vụ, chỉ cách hàng rào dây thép gai còn có trại tị nạn (POC) lớn nhất của Nam Sudan, với trên 100.000 người dân cư trú. Tổng số nhân viên và binh sĩ gìn giữ hoà bình LHQ tại đây thường xuyên duy trì khoảng 2.500 người. "Là đội đầu tiên của Tổng cục hậu cần tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình LHQ, mỗi chúng tôi đều có cách riêng của mình để thích nghi nhanh nhất với thực tế. Mỗi lúc nhớ nhà, nhớ con, chúng tôi dồn tất cả tâm trí tập trung vào công việc, có lúc hết ca trực thì tập thiền, tập yoga để cân bằng tâm lý và ổn định sức khỏe, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đất nước giao phó", bác sĩ Thủy nhớ lại.

“Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình là trải nghiệm đáng giá trong đời tôi”  - Ảnh 2.

Bác sĩ Quản Thu Thủy thăm khám cho binh sĩ tại Nam Sudan. Ảnh: NVCC

Từng là bác sĩ làm việc tại Bệnh viện 354 từ năm 2003, chị Thủy đã quen với nhiều dạng bệnh nhân. Lúc này, bên cạnh nhiệm vụ chính là chăm sóc sức khỏe, điều trị cho nhân viên và binh sĩ gìn giữ hoà bình LHQ, bác sĩ Thủy và đồng đội ở Bệnh viện cấp 2, số 2 Việt Nam còn thực hiện nhiệm vụ như một đơn vị quân đội nằm trong đội hình của Phân khu Unity, tự đảm bảo an toàn đơn vị, đảm bảo hậu cần, huấn luyện, dân vận… 

"Chúng tôi làm ở các chuyên khoa khác nhau, tham gia vào tất cả hoạt động chuyên môn y tế, quân sự, hậu cần, kỹ thuật tại địa bàn. Bệnh viện tham gia khám, tư vấn hơn 1.800 lượt bệnh nhân, nhìn chung các bệnh nhân đều hài lòng và đánh giá rất cao về trình độ chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ Việt Nam. Nhất là các nữ quân nhân luôn nhận được rất nhiều lời khen từ thái độ nhiệt tình, chu đáo, trách nhiệm và chuyên nghiệp", chị Thủy cho biết.

Có lẽ thời khắc đáng nhớ nhất của phái bộ là từ tháng 1/2020, đại dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện và lan nhanh đến Nam Sudan. Bệnh viện lúc này thêm nhiệm vụ mới trong tình trạng thiếu thốn về cơ sở vật chất cũng như nguồn nhân lực. "Các nữ quân nhân chúng tôi không ngại khó khăn, gian khổ cùng tập thể Bệnh viện dã chiến số 2 tại Nam Sudan đã tham gia có hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19", Thiếu tá Thủy bộc bạch.

“Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình là trải nghiệm đáng giá trong đời tôi”  - Ảnh 3.

Bác sĩ Thủy (thứ 3 từ phải sang) cùng các nữ quân nhân Việt Nam trong ngày nhận Huy chương Vì sự nghiệp Gìn giữ hoà hình Liên hợp quốc. Ảnh: NVCC

Ngoài ra, chị Thủy và các đồng đội còn tham gia canh gác, tuần tra đơn vị. Dưới cái nắng nóng ngoài trời lên đến 50 độ C, các chị vẫn tham gia đầy đủ và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chị Thuỷ kể: "Chúng tôi còn tích cực tham gia công tác nhân đạo, công tác dân vận như: Khám và tư vấn HIV/AIDS cho người dân tại trại bảo vệ thường dân của Liên hợp quốc. Tham gia dự án đóng 30 bộ bàn ghế bằng vật liệu gỗ mà chúng tôi tận dụng từ các thùng hàng gửi đồ tới bệnh viện, cẩn trọng tháo đinh rồi đóng thành bàn, ghế và sáng chế 100 bộ chữ cái Alphabet từ rác thải nhựa tặng cho Trường tiểu học Bentiu B".

Phái bộ cũng tham gia giao lưu văn hóa văn nghệ với các đơn vị nước bạn nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Những ngày cuối tuần, chị Thuỷ và đồng đội tham gia giúp nhà bếp và tăng gia trồng rau xanh ở những nơi tưởng như cây cối khó có sự sống, góp phần cải thiện bữa ăn cho bộ đội.

Hơn 17 tháng thực hiện nhiệm vụ ở Nam Sudan với thời tiết khắc nghiệt, an ninh bất ổn, làm việc trong điều kiện không có tivi, mạng internet không ổn định nên các thông tin với gia đình, người thân cũng rất hạn chế. Nguy hiểm hơn khi chị và phái bộ phải đối mặt với nhiều dịch bệnh như: Sốt rét, thương hàn, Covid-19, thiếu lương thực, thực phẩm và nước sạch… "Dù trong hoàn cảnh nào, chúng tôi luôn động viên nhau cố gắng hết mình để hoàn thành tốt nhất sứ mệnh mà Đảng, Nhà nước, Quân đội giao phó", chị Thủy tâm sự. 

Hải Linh