Thẩm phán cũng lúng túng khi giải quyết án ly hôn

31/07/2019 - 15:04
Trong Hội nghị sơ kết 5 năm thi hành Luật Hôn nhân gia đình (HNGĐ) năm 2014 tổ chức tại 63 điểm cầu trên cả nước, 1 vấn đề được nhiều đại biểu tham dự quan tâm phân tích là giải quyết các vụ án ly hôn theo quy định hiện hành.

Nhiều vấn đề trừu tượng, chưa có hướng dẫn cụ thể

1-ong-nguyen-van-vu.JPG
Ông Nguyễn Văn Vụ- Đại diện Toà án tối cao tham luận tại hội nghị

 

Đánh giá quy định của luật HNGĐ qua thực tiễn giải quyết các vụ việc về HNGĐ, ông Nguyễn Văn Vụ- đại diện Toà án tối cao- khẳng định, Luật HNGĐ có tác dụng rất lớn trong điều chỉnh các mối quan hệ trong gia đình, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho nhân dân. Tuy nhiên, khi thi hành luật trong thực tiễn có nhiều vấn đề trừu tượng, chưa có hướng dẫn cụ thể nên chính các thẩm phán cũng lúng túng.

Về các căn cứ cho ly hôn xuất hiện nhiều vấn đề cần xem xét để có những hướng dẫn thi hành cụ thể, tương thích hơn.

"Như nếu bị đơn là người bị bệnh tâm thần không nhận thức được hành vi thì có giải quyết cho họ ly hôn không?", ông Vụ nêu ví dụ.

Liên quan đến quy định chồng không được đơn phương xin ly hôn khi người vợ đang mang thai cũng nảy sinh những vấn đề thực tế mà thẩm phán khi được giao giải quyết vụ án rất lúng túng, cụ thể: Khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: “Chồng không có quyền ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai …”. Thực tế phát sinh tình huống, ông A và bà B có đăng ký kết hôn, vợ chồng phát sinh mâu thuẫn, sống ly thân nhiều năm. Bà B chung sống với người khác và hiện đang mang thai với họ. Ông A có đủ căn cứ để chứng minh đó là con người khác nhưng khi ông A yêu cầu Tòa án giải quyết cho ly hôn với bà B thì Luật Hôn nhân và gia đình lại quy định ông A không được quyền khởi kiện và Tòa án trả lại đơn khởi kiện (Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự). Điều này hạn chế quyền ly hôn của người chồng khiến mâu thuẫn ngày càng tăng. 

Khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: “Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được”. Không có căn cứ rõ ràng để toà xác định thế nào là “làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được”, thế nào là hành vi “vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ của vợ chồng.

Luật Hôn nhân và gia đình không quy định ly thân là căn cứ cho ly hôn nhưng ly thân là một trong những biểu hiện của mâu thuẫn vợ chồng. Vậy ly thân có phải là mâu thuẫn vợ chồng trầm trọng hay thời gian ly thân bao lâu thì được coi là mâu thuẫn trầm trọng để giải quyết ly hôn cũng khiến nhiều thẩm phán lúng túng.

Luật Hôn nhân và gia đình chưa quy định trường hợp vợ hoặc chồng đang chấp hành án phạt tù là căn cứ cho ly hôn. Vì vậy, trường hợp vợ hoặc chồng xin ly hôn với chồng hoặc vợ đang chấp hành án phạt tù không đủ cơ sở giải quyết cho ly hôn. Điều này đã ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người đề nghị giải quyết cho ly hôn.

Trong vụ án ly hôn mà bị đơn có dấu hiệu bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc mất năng lực hành vi dân sự, cần đưa đi giám định, có kết luận mới có cơ sở thụ lý, tham gia tố tụng. Nếu họ không đi giám định thì toà án không có căn cứ giải quyết. Thậm chí có thể phải giải quyết như là họ là người bình thường.

 

Căn cứ ly hôn khi vợ chồng thuận tình ly hôn được quy định tại Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình nhưng việc xác định họ thật sự tự nguyện ly hôn rất khó khăn.

Quy định chia tài sản khi ly hôn còn mang tính định tính

Việc phân chia tài sản chung vợ chồng, về nguyên tắc là chia đôi nhưng có tính đến yếu tố lỗi, sự đóng góp của mỗi bên. Đây đều mang tính trừu tượng, định tính, khó xác định, không quy định cụ thể tỷ lệ mức độ chia, chưa có yếu tố đảm bảo quyền lợi cho con như thế nào trong trường hợp con chưa thành niên, con thành niên mà không làm chủ được năng lực hành vi, con thành niên nhưng không có công ăn việc làm…. Trong trường hợp thuận tình ly hôn toà ưu tiên thoả thuận vợ chồng nhưng chưa quan tâm đến nghĩa vụ của vợ/ chồng ly hôn với người thứ ba là con cái.

Việc chia tài sản trong trường hợp vợ chồng chung sống với gia đình nhà chồng chưa có hướng dẫn cụ thể, đầy đủ trong việc đánh giá công sức duy trì, gây khó khăn cho các thẩm phán trong giải quyết.

Giải quyết vấn đề con chung khi các cặp đôi ly hôn các thẩm phán cũng có nhiều vướng mắc: Nếu vợ chồng đã thoả thuận, thống nhất người nuôi con thì có cần hỏi con 7 tuổi trở lên không? Nghĩa vụ cấp dưỡng quy định còn chung chung, sự thoả thuận không trái pháp luật, nếu không yêu cầu thì Toà án có cần tham gia không? Mức cấp dưỡng như thế nào cho phù hợp các đối tượng, giữa các địa phương càng khó thống nhất. Giao cho người trực tiếp nuôi con trong luật quy định chỉ cho 2 bố mẹ, không được giao con cho ông bà. Trong một số trường hợp thì cả hai bố mẹ đều không thực hiện nghĩa vụ này, vậy đứa trẻ sẽ phải giải quyết thế nào?

Cần có quy định bảo vệ cô dâu Việt Nam lấy chồng nước ngoài

Luật sư Hà Hải- Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc- đề cập đến một vấn đề nổi cộm hiện nay là hôn nhân có yếu tố nước ngoài bao gồm cả vấn đề ly hôn. Mỗi năm có 18 ngàn trường hợp kết hôn với người nước ngoài, chủ yếu là phụ nữ Việt Nam kết hôn với chú rể các nước Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc.

Vấn đề thủ tục đăng ký kết hôn giao cho Sở Tư pháp xử lý. Cô dâu muốn kết hôn phải có Giấy chứng nhận độc thân rồi làm thủ tục đăng ký kết hôn. Như vậy, người chồng ngoại quốc hầu như không biết gì về các thông tin luật pháp Việt Nam về kết hôn.

Sau thời gian dài sống ở nước ngoài, có vấn đề trục trặc, cô dâu Việt Nam về nước ly hôn thường khó có ý kiến của người chồng. Không kết nối được với người chồng ngoại quốc thì thủ tục xử lý ly hôn chưa thực hiện được, vô tình bảo vệ quyền lợi của người chồng nước ngoài. Rất cần có quy định khi người phụ nữ Việt Nam trở về đứng đơn ly hôn được quan tâm, tìm hiểu nhu cầu, mong muốn của họ, không bắt buộc có trả lời từ phía người chồng, tạo điều kiện mang lại cuộc sống bình yên cho các cô dâu Việt Nam. 

Phụ nữ thường thiệt thòi trong các vụ án ly hôn

1-ba-bui-thi-hoa.JPG
Bà Bùi Thị Hoà- Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tham luận tại hội nghị

 

Bà Bùi Thị Hoà- Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam phân tích bất cập, khó khăn khi thực hiện quyền và trách nhiệm của Trung ương Hội LHPN Việt Nam trong thi hành Luật HNGĐ, trong đó có nhiều phụ nữ chịu thiệt thòi trong các vụ án ly hôn. Thực tế cho thấy có nhiều khoảng cách, kẽ hở giữa luật và cuộc sống khi giải quyết các vụ án ly hôn, đẩy phụ nữ và trẻ em đứng trước nguy cơ mất an toàn cao hơn.

Thứ nhất, phụ nữ gặp nhiều khó khăn trong quá trình ly hôn, đặc biệt những vụ việc mà phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình. 

Khoản 1 Điều 56 quy định “bạo lực gia đình” là căn cứ để giải quyết cho ly hôn. Trên thực tế, một số vụ án ly hôn Tòa án chưa xem xét thỏa đáng lý do phụ nữ bị bạo lực gia đình là một trong những căn cứ cho ly hôn và các thủ tục ly hôn chưa thực sự hỗ trợ phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình. Nhiều trường hợp nộp hồ sơ ly hôn không được chấp nhận do thiếu giấy tờ hoặc giấy tờ đang bị người chồng giữ. Một số Tòa án yêu cầu đương sự phải đưa ra bằng chứng bị chồng bạo lực ngay cả khi đã nộp Giấy xác nhận đang phải tạm lánh tại Nhà Bình yên.

Hòa giải đang là rào cản trong một số vụ án ly hôn do phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình đứng đơn. Đề nghị không tiến hành hòa giải của nạn nhân BLGĐ chưa thực sự được chú ý, gây tâm lý căng thẳng và nguy cơ mất an toàn cho phụ nữ khi phải gặp mặt trực tiếp người gây bạo lực tại tòa. Cá biệt có những ca, Tòa tiến hành hòa giải 16 lần để thuyết phục nạn nhân chuyển quyền nuôi con cho bố dù đứa trẻ dưới 3 tuổi.

Thực tế, phụ nữ sau li hôn thường phải thuê nhà để ở do trước đó sống chung với gia đình chồng. Chính vì vậy, có nhiều kịch bản bất lợi xảy ra, như: phụ nữ không đón được con dù được quyền nuôi con hoặc nếu không nuôi con thì bị chồng và gia đình chồng ngăn cản quyền thăm nuôi con; Không được thi hành án để lấy phần tài sản thuộc quyền sở hữu của mình; Nhiều phụ nữ là nạn nhân BLGĐ tiếp tục phải nuôi con một mình, không có sự đóng góp của người cha...

Thứ haiLuật quy định rõ “bạo lực gia đình” hoặc "vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng" là căn cứ để giải quyết cho ly hôn nếu nó làm cho hôn nhân lâm vào “tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được”. Quy định này mang tính khái quát cao, khó áp dụng đúng, chính xác và thống nhất khi giải quyết ly hôn.

Đa số phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình khi ly hôn thường gặp rất nhiều khó khăn kinh tế, chỗ ở, việc làm… Họ thường rơi vào trường hợp“không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con” theo Khoản 3 Điều 81. Vì vậy, họ mất luôn quyền trực tiếp nuôi con. Trong một gia đình hằng ngày các con phải chứng kiến cảnh bố bạo hành mẹ thì chính những đứa trẻ đó cũng là nạn nhân trực tiếp của bạo lực gia đình. Những trường hợp đó mà Tòa án lại quyết định giao con cho người gây bạo lực trực tiếp nuôi con thì hoàn toàn không phù hợp.

Thứ ba, thời gian theo đuổi vụ án ly hôn có nguyên nhân do bạo lực gia đình thường làm trầm trọng hơn tình trạng của nạn nhân.

Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, có 86,23% án ly hôn có nguyên nhân do bạo lực gia đình, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ. Các quy định về thời gian giải quyết một vụ ly hôn có nguyên đơn là nạn nhân bạo lực gia đình theo thủ tục tố tụng dân sự hiện nay là quá dài. Từ khi nguyên đơn được nhận và xử lý đơn đến khi nhận được thông báo đơn của mình đã được thụ lý là 15 ngày (Điều 191, Điều 196 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015). Thời hạn chuẩn bị xét xử là 04 hoặc 06 tháng. Khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử có thể cũng phải chờ đến gần 02 tháng (Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015). Đấy là chưa kể trường hợp vụ án rơi vào tình trạng phải tạm đình chỉ.

Qua báo cáo, tham luận của các bộ, ngành, địa phương, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nhận thấy còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thi hành Luật HNGĐ, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau và ghi nhận nhiều đề xuất giải pháp có giá trị của các đại biểu.

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đề nghị tiếp tục quán triệt, phổ biến, nâng cao nhận thức về Luật HNGĐ, đảm bảo các cơ quan từ Trung ương đến địa phương thống nhất cách hiểu, từ đó áp dụng thống nhất trong thực hiện. Xem xét nội dung các chính sách, quy định đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa Luật HNGĐ với các văn bản pháp luật điều chỉnh các lĩnh vực kinh tế - xã hội cụ thể, góp phần đảm bảo tính khả thi của các quy định trong đời sống kinh tế - xã hội. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan điều chỉnh các quan hệ HNGĐ trong từng lĩnh vực cụ thể.

Toà án Nhân dân tối cao nghiên cứu kịp thời ban hành những văn bản hướng dẫn áp dụng hoặc công bố án lệ đã được thống nhất xem xét áp dụng trong ngành Toà án. Các ban, bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp hơn nữa nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực thi các quy định của Luật nhằm phát huy hiệu quả cao nhất trong thực tế. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm