Thần đồng gốc Việt ở New Zealand mong phụ nữ trẻ dấn thân vào AI, STEM để làm chủ tương lai
Thần đồng gốc Việt ở New Zealand mong phụ nữ trẻ dấn thân vào AI, STEM để làm chủ tương lai- Ảnh 1.

Câu chuyện truyền cảm hứng của cô bé mở ra góc nhìn đa chiều về mô hình giáo dục cá nhân hóa, vai trò của AI và STEM, đặc biệt là với nữ giới trẻ. Cuộc trò chuyện với "thần đồng" nhí Alisa là những phân tích sâu sắc, liên hệ thực tế với giáo dục Việt Nam và khát vọng cống hiến cho quê hương.

Thần đồng gốc Việt ở New Zealand mong phụ nữ trẻ dấn thân vào AI, STEM để làm chủ tương lai- Ảnh 2.

- Với Alisa Phạm thời thơ ấu lúc còn học lớp 1 ở TPHCM so với hành trình 8 năm sống và học tập tại New Zealand có điểm gì giống và khác biệt?

Khi còn học lớp 1 và lớp 2 ở Việt Nam, em còn nhớ mỗi khi đến lớp em không chú ý nhiều đến rèn viết chữ đẹp và tập đọc ghép vần mà chỉ tập trung nói chuyện riêng trong tiết học. Cô chủ nhiệm tên Đào lúc đó còn thốt lên rằng: "Ôi! Sao mà con nói chuyện líu lo nhiều thế bé Vi An ơi!".

Khi ấy, em có một người bạn thân là lớp trưởng tên Bảo Khánh mà em còn giữ liên lạc thường xuyên đến tận bây giờ. Chúng em chỉ mong đến giờ nghỉ giải lao để được chơi đá bóng, bóng rổ cùng các bạn trên sân trường. Lý do mà em thích chơi hơn thích học là vì em có khả năng đọc viết thành thạo từ năm 3 tuổi, nên em thường bị thu hút bởi việc chơi với con mèo lạc vào lớp hay chăm mấy chú chim bồ câu trên sân trường hơn là lo học bảng cửu chương.

Thần đồng gốc Việt ở New Zealand mong phụ nữ trẻ dấn thân vào AI, STEM để làm chủ tương lai- Ảnh 3.

Alisa Phạm thuở nhỏ, thời điểm ở Việt Nam.

Năm 7 tuổi sang tới New Zealand, em bắt đầu học lớp 4 thay vì lớp 3 vì hệ thống giáo dục ở đây trẻ em đến trường tiểu học vào 5 tuổi. Mặc dù không biết tiếng Anh trước đó, sau 2 tháng em đã hoà nhập tốt và bắt đầu có bạn thân. Hiển nhiên, em vẫn tiếp tục duy trì "truyền thống" đến trường chủ yếu chỉ để nói chuyện riêng và đợi đến giờ ra chơi thì đi tìm hang thỏ. 

Sân trường của em nằm trên ngọn đồi cỏ rộng lớn, trải dài tầm nhìn ra bờ biển xanh và điều đặc biệt là có rất nhiều hang thỏ hoang. Mỗi ngày có 3 lần nghỉ giải lao, em và 3 bạn thân rủ nhau đi đếm có bao nhiêu cái lỗ hang thỏ, rồi chúng em tự làm những lá cờ và cắm trên miệng hang để vừa giúp "rình rập" các bạn thỏ lông xám xinh xắn vừa giúp cảnh báo các bạn nhỏ khác khi chạy nhảy không bị thụt chân xuống hang.

Thần đồng gốc Việt ở New Zealand mong phụ nữ trẻ dấn thân vào AI, STEM để làm chủ tương lai- Ảnh 4.

Ở mỗi lớp học tại New Zealand được thiết kế như một thư viện nhỏ với rất nhiều sách truyện trên kệ sách dọc theo tường. Thầy giao cho em chọn đọc bất cứ truyện nào và tóm tắt nội dung. Trong vòng 2 tuần, em đọc hết tất cả khoảng 100 đầu truyện thiếu nhi trong lớp, làm thầy phải gửi em đi đến thư viện trường vì trong lớp không còn gì hấp dẫn em nữa. 

Nghĩ lại, em rất biết ơn thầy với sự kiên trì "chịu đựng" tính nói nhiều của em và tạo cho em cơ hội để xây dựng vốn từ tiếng Anh phong phú trong một thời gian ngắn nhờ việc tiến cử em đến thư viện trường làm công việc đầu tiên trong đời là thủ thư khi mới 7 tuổi. Bài thơ đầu tiên em làm đăng trong tờ báo trường cuối năm đó có tên là "Hành trình chiếc lá".

Thần đồng gốc Việt ở New Zealand mong phụ nữ trẻ dấn thân vào AI, STEM để làm chủ tương lai- Ảnh 5.

Thần đồng gốc Việt ở New Zealand mong phụ nữ trẻ dấn thân vào AI, STEM để làm chủ tương lai- Ảnh 6.

- Alisa có thể chia sẻ cụ thể hơn về hành trình "nhảy lớp" ở New Zealand không, điều gì đã giúp bạn có thể học vượt như vậy?

Sau buổi lễ bế giảng năm lớp 5 lúc em 8 tuổi, thầy hiệu trưởng gặp riêng mẹ nói rằng môn Ngữ văn và Toán của em bằng trình độ của học sinh cuối cấp 2 và nhà trường băn khoăn không biết dậy gì cho em nữa vào năm học tới! Thầy yêu cầu mẹ chuyển trường cho em hoặc cho em "tự học ở… nhà" vì ở New Zealand không có giáo trình đào tạo riêng cho những cá nhân đặc biệt như em.

Thế là từ đầu năm 2020, mẹ liên hệ với hơn 10 trường cấp hai trong TP Auckland xin cho em học thẳng lên lớp 7, tức là lớp đầu tiên của hệ Trung học cơ sở. Tất cả các trường đều từ chối vì em là sinh viên quốc tế lại không có học bạ năm lớp 6. Mùa hè năm đó, mẹ nghĩ chắc hay là về lại Việt Nam vì không biết làm sao chứng minh là một em bé "não phải", phát triển nói nhiều như em thì có gì đặc biệt mà lại cần học vượt lớp. Thời điểm đó, em không có thành tích xuất sắc vượt trội về môn Toán hay bất cứ phát minh to lớn nào.

Bước ngoặt đến khi vô tình vượt qua bài kiểm tra tư duy logic của Mensa New Zealand – một thành viên của Mensa toàn cầu và trở thành hội viên nhỏ tuổi nhất tại thời điểm đó. Đây là tổ chức phi chính phủ với lịch sử 80 năm, có mặt tại hơn 50 quốc gia, tập trung vào việc tôn vinh trí tuệ tư duy gồm top 2% những người có chỉ số IQ cao nhất thế giới. 

Từ giây phút ấy, mẹ quyết tâm chứng minh em thật sự "đặc biệt". Mẹ thuyết phục một trường THCS công lập cho em làm bài kiểm tra đầu vào kéo dài 3 tiếng để xác định em có đủ năng lực vào thẳng lớp 7, bỏ qua lớp 6 như lời mẹ và thầy hiệu trưởng cấp 1 khẳng định. May mắn em đã qua bài test với kết quả tuyệt đối và được chấp nhận học tại trường Auckland Normal Intermadite (ANI) vào tháng 2/2020 để tiếp tục sự nghiệp... "buôn chuyện".

Thần đồng gốc Việt ở New Zealand mong phụ nữ trẻ dấn thân vào AI, STEM để làm chủ tương lai- Ảnh 7.

Alisa Phạm ký tặng lưu bút cho học sinh Trường Auckland Normal Intermediate (ANI).

Sau 9 tháng, lịch sử lặp lại: thầy hiệu trưởng trường ANI lại mời mẹ vào họp riêng. Lần này, thầy khuyên nên chuyển trường cho em vì những câu hỏi em đặt ra trong lớp vượt quá chương trình, thuộc kiến thức cuối cấp 3, khiến giáo viên gặp khó khăn trong việc giảng dạy và quản lý lớp học. Vậy là một lần nữa, tại sinh nhật 9 tuổi, em lại không biết tương lai học tập đi về đâu khi hơn 20 trường cấp 3 đều từ chối em. 

Mẹ tiếp tục viết hơn 300 email chỉ để thuyết phục các trường tạo điều kiện để em được làm bài kiểm tra đầu để đặc cách học lên lớp 9 mà không cần bảng điểm lớp 8. May mắn đã đến sau 4 tháng kiên trì, trường Selwyn Collage đã đồng ý cho em cơ hội duy nhất làm bài kiểm tra đầu vào lớp 9 và em đã đậu với số điểm tuyệt đối. Tiếp theo là hành trình gian nan của một vòng lặp thuyết phục và chứng minh với hơn 1.000 email tiếp theo để em hoàn thành toàn bộ chương trình học của 5 năm cấp 3 trong đúng tròn 10 tháng.

Trong giai đoạn này do Covid-19, em hoàn toàn tập trung vào việc tự học để hoàn thành 98 tín chỉ NCEA cấp độ 3, đạt điều kiện bắt buộc vào đại học và thậm chí còn vượt 18 tín chỉ so với yêu cầu. Em trở thành học sinh trẻ tuổi nhất trong lịch sử Việt Nam, New Zealand và khối các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) được chấp nhận vào 5 trường đại học, gồm: Đại học Waikato, Đại học Công nghệ Auckland (AUT), Đại học Otago, Đại học Canterbury và Đại học Massey.

Thần đồng gốc Việt ở New Zealand mong phụ nữ trẻ dấn thân vào AI, STEM để làm chủ tương lai- Ảnh 8.

Alisa những ngày đầu nhập học tại trường AUT, tháng 4/2022.

Em xin khẳng định rằng việc em học tập tại New Zealand không đồng nghĩa với hệ thống giáo dục ở đây cởi mở hay dễ dàng hơn so với các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Kiên định và tò mò có lẽ là hành trang tiên quyết để em khao khát bước xa trên hành trình đầy kỳ diệu nhằm hiện thực mục tiêu chinh phục kiến thức và giới hạn của bản thân. 

Em được truyền cảm hứng rất nhiều từ câu chuyện mẹ kể về một nhân vật lịch sử của dân tộc Việt Nam các đây 700 năm trước, tên là Nguyễn Trung Ngạn. Ở tuổi 12 trở thành Thái học sinh đầu tiên đỗ vào Quốc Tử Giám và liên tiếp phục vụ cho 4 triều đại vua Trần. Rõ ràng, lịch sử đất nước Việt Nam chứng minh có rất nhiều "thần đồng" hiếu học ngay tại quê hương được nâng đỡ, rèn luyện và trọng dụng.

Thần đồng gốc Việt ở New Zealand mong phụ nữ trẻ dấn thân vào AI, STEM để làm chủ tương lai- Ảnh 9.

- Học đại học ở tuổi 11, Alisa có nhận thấy sự khác biệt nào trong tư duy của bản thân so với các bạn sinh viên khác?

Thật ra, nguyện vọng ban đầu của em mong muốn theo ngành Luật để trở thành Luật sư, vì khi sống ở New Zealand, gia đình em nhiều lần cần luật sư mà chi phí quá cao đến mức vô lý mà hiệu quả lại không như mong đợi. Em luôn mơ ước một ngày có thể trở thành một Luật sư giỏi tranh tụng trên Toà, giúp đỡ những người có hoàn cảnh giống như mẹ con em. 

Tuy nhiên, theo Luật Bảo vệ Trẻ em của New Zealand, một học sinh 11 tuổi không được phép tiếp cận các chủ đề phức tạp như giết người, gian lận… thường có trong chương trình đào tạo chính quy ngành Luật tại Đại học AUT. Vì vậy, em tạm gác lại ước mơ theo ngành Luật, chuyển sang học chuyên ngành “Truyền thông và Thương hiệu” – cũng là cách em thoả mãn niềm đam mê “buôn chuyện” của mình.

Thần đồng gốc Việt ở New Zealand mong phụ nữ trẻ dấn thân vào AI, STEM để làm chủ tương lai- Ảnh 10.

Alisa Phạm (phải) và chị gái thần đồng - Vicky Ngô, tốt nghiệp đại học lúc 15 tuổi và cùng năm bắt đầu học tiến sĩ.

Lựa chọn này không chỉ giúp em tiếp tục khám phá tri thức trong môi trường đại học, mà còn mang đến những trải nghiệm thực tiễn quý báu, từ đó hình thành tư duy học đi đôi với hành. Mỗi môn học đều bắt nguồn từ các vấn đề thực tế của ngành truyền thông tại New Zealand và toàn cầu. Em đặc biệt ấn tượng với cách các tập đoàn đa quốc gia xây dựng và định vị thương hiệu trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu và cắt giảm ngân sách quảng cáo hậu đại dịch Covid-19. So với các anh chị sinh viên lớn tuổi hơn, em nhận ra điểm khác biệt lớn nhất của mình là luôn đặt rất nhiều câu hỏi.

Rất nhiều bạn học đã là chuyên gia trong ngành marketing với kinh nghiệm nhiều năm đi làm, thế nên kỳ học đầu tiên em khá "choáng váng". Vừa phải lo học kiến thức từ thầy cô, tài liệu, vừa phải học hỏi thực tiễn ngành từ các bạn. Hơn nữa, 11 năm trên trái đất, di chuyển giữa 2 nền văn hoá thì hầu như các thương hiệu mà em biết đến trong trí nhớ chỉ là các hãng sữa và đồ ăn uống. Em phải nhanh chóng tìm hiểu về câu chuyện thành lập và phát triển của hơn ngàn thương hiệu lâu đời trên khắp thế giới quả cũng không đơn giản.

Thần đồng gốc Việt ở New Zealand mong phụ nữ trẻ dấn thân vào AI, STEM để làm chủ tương lai- Ảnh 11.

Bìa tạp chí trong môn học “Lời thoại và hình ảnh” do Alisa Phạm và các bạn trong nhóm thiết kế tại đại học.

Bên cạnh đó, em phải học cách sử dụng máy quay camera chuyên dụng, phần mềm đồ hoạ, phần mềm thiết kế. 

Em bắt đầu từ vạch số âm vì gia đình em còn không có điều kiện để trang bị cho em những thiết bị tối thiểu cần thiết mà một sinh viên Truyền thông cần có như máy ghi âm cá nhân, máy quay, hay điện thoại chất lượng phân giải cao.

May mắn là em… khá “lì”. Em luôn cố gắng xoay sở trong mọi tình huống, tận dụng tối đa những nguồn lực ít ỏi mà mình có tại thời điểm ấy. 

Vì không có thiết bị riêng, em thường phải chờ các bạn hoàn thành phần việc của họ rồi mới mượn lại máy móc chuyên dụng để làm bài. Ngay trong năm học đầu tiên, em đã phải thực hiện một bài tập lớn: dựng video quảng cáo dài 4 phút cho một thương hiệu thời trang nổi tiếng. 

Thần đồng gốc Việt ở New Zealand mong phụ nữ trẻ dấn thân vào AI, STEM để làm chủ tương lai- Ảnh 12.

Ngoài ra, em còn không thông thạo cách đọc bản đồ, đi xe bus cũng bị lạc nên em chỉ còn vẻn vẹn có 5 tiếng để "loay hoay" sử dụng hơn 10 phần mềm hậu kỳ từ khâu quay phim, dựng video, làm nhạc nền, đọc lời bình và làm phụ đề để hoàn thành video. Khi thầy giáo thông báo em được A+ cho bản video thì cả em và các bạn đều bất ngờ và tôn trọng em hơn. Bạn bè gọi em là "cỗ xe tăng" vì em hay lầm lì tiến lên và chưa bao giờ nghĩ đến bỏ cuộc giữa chừng.

Dù vậy, sau 3 năm học đại học, em vẫn nhiều lần bị lạc trong khuôn viên giữa các toà nhà vì trường quá rộng. Điều đó như nhắc nhở em rằng, về bản chất, em vẫn chỉ là một người trẻ đang từng bước khám phá thế giới và không phải lúc nào cũng có thể làm tốt tất cả mọi việc đơn giản nhất. Tuy nhiên, tuổi tác chưa bao giờ cản trở khả năng kết nối của em với các bạn sinh viên trong độ tuổi từ 22 đến 45 tuổi.

Thần đồng gốc Việt ở New Zealand mong phụ nữ trẻ dấn thân vào AI, STEM để làm chủ tương lai- Ảnh 13.

Alisa Phạm trong khuôn viên trường Đại học AUT.

Ban đầu, các bạn không nghĩ em 11 tuổi và nổi tiếng, nên luôn thể hiện sự tôn trọng và đối xử với em như một sinh viên bình thường trên 18 tuổi. Vào năm cuối đại học, các bạn thậm trí cạnh tranh để được vào làm việc nhóm với em cho bài luận văn tốt nghiệp. Các bạn đùa rằng họ phải đợi thêm nửa thập kỷ nữa mới có thể mời em đi uống ly bia chúc mừng tốt nghiệp đại học được, còn bây giờ  tạm thời em vẫn nên uống sữa thôi.

Thần đồng gốc Việt ở New Zealand mong phụ nữ trẻ dấn thân vào AI, STEM để làm chủ tương lai- Ảnh 14.

- Tại sao Alisa lại quyết định học đồng thời 2 bằng thạc sĩ, vốn dĩ không liên quan nhiều với nhau? Chuyên ngành Tâm lý học tại Đại học Harvard vốn là môn khoa học xã hội trong khi chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo (AI) và An ninh mạng tại Đại học AUT lại là ngành khoa học máy tính?

Suốt 3 năm học đại học, em thường bị đối mặt với các định kiến và thắc mắc của báo chí và người hâm mộ rằng em thông minh như vậy mà chọn ngành học về "Truyền thông và Thương hiệu" có phí phạm tài năng và thời gian hay không. 

Đúng là, lúc đầu chọn ngành học này em không nghĩ nhiều mà đơn giản lựa chọn vì em yêu thích diễn thuyết, giao lưu và sáng tạo. Khi ấy, em nghĩ học ngành này chắc sẽ vui và dễ thở để còn dành thời gian ngủ nướng, đi chơi với các bạn và vẽ tranh. Giờ nghĩ lại các suy nghĩ này em thấy thật vô tư và hơi "ngố".

Với tư cách là cử nhân ngành học Truyền thông, em hiểu ra tầm quan trọng của lĩnh vực này trong vòng đời của một doanh nghiệp và hình ảnh của một quốc gia. Em chiêm nghiệm ra hầu hết mọi mâu thuẫn lớn nhỏ trên thế giới này từ chính trị, văn hoá, tôn giáo đều có gốc rễ từ sự yếu kém trong truyền tải giao tiếp và kỹ năng giải quyết xung đột. Một doanh nghiệp có sản phẩm tốt chưa đủ thắng đối thủ - nếu có một thương hiệụ kém nổi bật. Giá trị cạnh tranh của một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, ví dụ trong lĩnh vực thu hút đầu tư vốn nước ngoài hoặc tăng trưởng du lịch thì ưu tiên xây dựng thương hiệu quốc gia lại là vấn đề trọng tâm đáng để ưu tiên.

Học về Tâm lý học hành vi tại Harvard giúp em trang bị được kiến thức chuyên môn cần thiết để hiểu được cách vận hành của não cũng như các vấn đề liên quan đến tâm lý đám đông. Tâm lý học khiến em say mê vì nó cho phép khám phá lý do và xu hướng con người hành xử, và cách điều đó ảnh hưởng đến hành động xã hội. Đối với em, đây không chỉ là cách để hiểu người khác mà còn là hành trình tìm hiểu chính mình, nhất là khi em thường cảm thấy mình có thể suy nghĩ hoặc cư xử rất khác so với các bạn cùng tuổi trước một vấn đề chung, thậm chí khác rất nhiều so với cả những người lớn tuổi hơn.

Học về AI và An ninh mạng giúp em có công cụ hiệu quả trong việc ứng dụng để quản lý, phân tích các nền tảng dữ liệu lớn mà khả năng vận hành của não bộ con người bị giới hạn. Nhờ đó, sự kết hợp giữa tâm lý học và công nghệ đã cho em một góc nhìn toàn diện hơn về cách con người và hệ thống trí tuệ nhân tạo giao tiếp vận hành, từ đó mở ra giải pháp cho những mâu thuẫn, thách thức xã hội hiện đại. Em hi vọng có thể ứng dụng cả hai ngành học thạc sĩ này trong thực tiễn nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đa quốc gia và chính phủ các nước giải quyết bài toán truyền thông trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bền vững.

Chính trăn trở và trải nghiệm này đã khơi dậy trong em khát vọng được đi xa hơn trên con đường nghiên cứu. Quyết định nghiêm túc theo học cùng lúc 2 bằng thạc sĩ xuất phát từ khát khao nội tại: em muốn tự trang bị cho mình kỹ năng và phương pháp luận để chủ động tìm ra lời giải cho những câu hỏi khoa học của bản thân, thay vì thụ động chờ đợi kiến thức được truyền đạt theo giáo trình.

Thần đồng gốc Việt ở New Zealand mong phụ nữ trẻ dấn thân vào AI, STEM để làm chủ tương lai- Ảnh 15.

Vì vậy, việc lựa chọn theo đuổi hai bằng thạc sĩ chính là cách em duy trì, nuôi dưỡng sự tò mò của bản thân và quan trọng nhất là em cảm thấy niềm vui đích thực của hành trình học tập. Nhiều người nghĩ em học tiếp lên cao chỉ vì muốn duy trì danh xưng "thần đồng" hay vì sức ép thành tích. Nhưng thực ra, em đã hiểu và tìm được giá trị đích thực trong nghiên cứu khoa học chân chính và tin tưởng vào tiềm năng đóng góp của nó cho cộng đồng, cho chính phủ.

Nhìn lại toàn bộ chặng đường, có thể thấy mô hình giáo dục New Zealand đóng vai trò rất lớn ở khía cạnh lắng nghe và chấp nhận tạo ra cơ hội thử sức cho người trẻ tuổi. Cơ chế lắng nghe và thay đổi linh hoạt trong hệ thống giáo dục đã cho phép em vượt cấp dựa trên năng lực tự học. Quan trọng hơn cả là khuyến khích sự chủ động của gia đình trong việc đối thoại, tìm giải pháp chung để em tự thiết lập và đổi lộ trình học tập phù hợp nhất với cá nhân mình.

Thần đồng gốc Việt ở New Zealand mong phụ nữ trẻ dấn thân vào AI, STEM để làm chủ tương lai- Ảnh 16.

Chính tư duy cởi mở đó giúp em thấu hiểu sâu sắc hơn khát vọng của nhiều bạn nhỏ tại Việt Nam. Em nhận được rất nhiều email từ các bạn ở khắp mọi miền đất nước, cùng chia sẻ một mong muốn: Việt Nam cũng có cơ chế linh hoạt cho những học sinh đặc biệt như em – có thể tự lên kế hoạch học tập theo nhu cầu của chính bản thân mình. Môi trường giáo dục cởi mở hơn, khuyến khích phát triển tiềm năng thay vì chỉ đánh giá đơn thuần trong chương trình tiêu chuẩn chuẩn.

Thần đồng gốc Việt ở New Zealand mong phụ nữ trẻ dấn thân vào AI, STEM để làm chủ tương lai- Ảnh 17.

- Alisa đang theo đuổi chương trình Thạc sĩ về AI, An ninh mạng - những lĩnh vực "nóng" nhưng cũng đầy thách thức nhất là cho nữ giới. Bạn nhìn nhận vai trò của nữ giới trẻ tuổi trong việc phát triển các ngành nghề tương lai này như thế nào?

Em chọn theo đuổi lĩnh vực AI và An ninh mạng dù không hề có nền tảng trước đó, với niềm tin rằng người trẻ tuổi, đặc biệt là các bạn nữ có thể tự tin khám phá năng lực lĩnh hội khiến thức khoa học phức tạp. Không có một rào cản tư duy, giới tính hay chuyên môn nào ngăn được nữ giới trên hành trình chinh phục kiến thức cũng như tìm kiếm giá trị bản thân thông qua đóng góp cho sự phát triển chung của công nghệ.

Chính vì mối quan tâm sâu sắc ấy, em đặc biệt chú ý đến sự bùng nổ của AI trong cuộc sống từ khi mới xuất hiện đại trà trong 3 năm nay. AI đang hiện diện khắp nơi, kéo theo những rủi ro to lớn dưới góc độ người dùng cũng như cơ quan quản lý.

Thần đồng gốc Việt ở New Zealand mong phụ nữ trẻ dấn thân vào AI, STEM để làm chủ tương lai- Ảnh 18.

Alisa Phạm cùng giảng viên hướng dẫn nghiên cứu Thạc sĩ tại lễ khai trương Khoa Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo, Đại học Công nghệ Auckland. Đây là khoa AI đầu tiên được thành lập tại New Zealand

Các hình thức tấn công như "prompt-injection" (tấn công tiêm mã độc nhanh), khai thác lỗ hổng, huấn luyện AI nhiễm mã độc nhằm tấn công cơ sở dữ liệu khách hàng hoặc truy cập trái phép thông tin công dân là thách thức thực tế mà ngành An ninh mang đang phải đối mặt hàng ngày. Đáng lo ngại hơn, các cuộc tấn công ngày càng tinh vi, có thể giả mạo giao tiếp hợp pháp một cách thuyết phục, dễ dàng khiến doanh nghiệp – thậm chí cả một quốc gia – rơi vào khủng hoảng truyền thông nghiêm trọng, kéo theo những hệ lụy kinh tế nặng nề.

Đề tài nghiên cứu thạc sĩ của em tập trung vào việc xây dựng giải pháp có thể mở rộng, giúp các nhà quảng cáo, tiếp thị, truyền thông thiết lập khung bảo vệ vững chắc trước rủi ro hệ thống và an ninh mạng. Đồng thời bảo đảm yếu tố đạo đức cũng như chất lượng nội dung do người dùng tạo ra.

Bản thân cá nhân em là nữ giới, em từng là đối tượng tấn công, bạo hành trên không gian mạng và bị kỳ thị dựa trên các thông tin sai lệch, không có kiểm chứng. Những điều này ảnh hưởng rất lớn đến cách người trẻ nhìn nhận về thế giới người lớn và duy trì tư duy tích cực. Em cho rằng, thay vì chỉ trông chờ vào sự bảo vệ từ chính quyền hay pháp luật, các bạn nữ trẻ cần chủ động làm chủ công nghệ – đặc biệt là AI – để trước hết biết tự bảo vệ mình, và xa hơn là phát triển tư duy độc lập, bản lĩnh".

Alisa Phạm

Em tin phụ nữ trẻ có vai trò cực kỳ quan trọng trong các lĩnh vực STEM, AI và An ninh mạng. Mỗi năm Việt Nam có tới hơn 1 triệu bạn trẻ bước vào ngưỡng cửa đại học, mà gần một nửa trong đó là nữ giới. Sự đa dạng về tư duy, góc nhìn từ phụ nữ sẽ góp phần phát triển các giải pháp công nghệ toàn diện, an toàn và có trách nhiệm hơn. Vì vậy, chúng ta cần khuyến khích nhiều hơn nữa các bạn nữ mạnh dạn bước vào những lĩnh vực đang định hình tương lai này.

Thần đồng gốc Việt ở New Zealand mong phụ nữ trẻ dấn thân vào AI, STEM để làm chủ tương lai- Ảnh 19.

- Với những trải nghiệm và thành tựu đặc biệt, Alisa có dự định hay khát vọng nào đối với giáo dục Việt Nam, đặc biệt là việc truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ theo hướng phát triển năng lực thực chất, tránh xa hiệu ứng "ảo tưởng thần đồng" và khuyến khích tư duy toàn cầu?

Mặc dù em may mắn đạt được một số thành tựu ban đầu về học thuật, nhưng niềm tự hào lớn nhất của em không phải là được gọi là "thần đồng nhí" mà là "khám phá tiềm năng của mình và phát huy nó". Điều này rất quan trọng bởi vì trí thông minh không phải là thứ bạn sinh ra đã có, mà là thứ được xây dựng qua sự nỗ lực, phương pháp đúng đắn và môi trường phù hợp.

Thần đồng gốc Việt ở New Zealand mong phụ nữ trẻ dấn thân vào AI, STEM để làm chủ tương lai- Ảnh 20.

Alisa Phạm được Tổ chức Thần đồng Thế giới (Global Child Prodigy Award) trao Giải thưởng Trẻ em Thần đồng Toàn cầu, lọt vào top 100 những trẻ em thần đồng trên toàn thế giới, năm 2025.

Em muốn giúp đỡ những học sinh trẻ tài năng khác ở Việt Nam khám phá tiềm năng của chính họ. Đặc biệt là ở những vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa – nơi cơ hội tiếp cận tri thức và giáo dục cá nhân hóa còn hạn chế.

Em có kế hoạch thăm các trường học ở Việt Nam để nói chuyện với học sinh về phương pháp học tập, kỹ năng mềm, khả năng lãnh đạo và tư duy độc lập. Em muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học tập suốt đời, không ngừng đổi mới và cam kết dựa trên các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế. Thanh niên Việt Nam không nên tách mình ra khỏi các thách thức toàn cầu hay các vấn đề thời đại như biến đổi khí hậu, bình đẳng y tế, giảm đói nghèo hay phát minh trong lĩnh vực dược phẩm, y tế.

Ngoài ra, em cũng ấp ủ mong muốn được dành thời gian lắng nghe và học hỏi từ những người đã hy sinh cho đất nước - các cựu chiến binh hay các bạn nhỏ là nạn nhân chất độc da cam. Với em, trường học không chỉ nằm ở New Zealand mà còn mở rộng ra những bài học thực tiễn từ cuộc sống. Em tin rằng, chính các bạn trẻ ở Việt Nam sẽ mang đến cho em những trải nghiệm và giá trị đáng quý không thể tìm thấy trong sách vở.

Trường Hùng
18/07/2025 07:02