Tháng 7 - Tưởng nhớ và tri ân

Bài, ảnh: Hải Vân - Hải Hoàng
24/07/2024 - 16:06
Tháng 7 - Tưởng nhớ và tri ân

Đại diện Ban Phụ nữ Quân đội thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn

Hành trình những ngày tháng 7 tri ân đã giúp mỗi người thêm thấu hiểu, thấm thía và biết ơn đối với sự hy sinh to lớn của biết bao thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương, ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc hôm nay…

"Uống nước nhớ nguồn" vừa là một đạo lý gắn với quy luật sinh tồn, vừa là nét đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam. Cái giá của độc lập, tự do là máu đào của lớp lớp các thế hệ người Việt Nam yêu nước đã đổ; sự hy sinh cao cả vì nghĩa lớn của các anh hùng liệt sĩ. Họ đã gửi máu xương vào đất mẹ để Tổ quốc đơm hoa độc lập, kết trái tự do. Chính vì lẽ đó, tri ân các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, người có công với đất nước đã trở thành trách nhiệm, đạo lý, tâm nguyện và lẽ sống của người Việt.

Những năm qua, cùng với phụ nữ cả nước, hoạt động đền ơn đáp nghĩa được phụ nữ Quân đội thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; với những nội dung cụ thể nhằm thể hiện tình cảm, trách nhiệm với những hy sinh, mất mát của thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công. Nhiều hoạt động cụ thể có ý nghĩa, thiết thực đã được triển khai rộng rãi thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của các đối tượng trong và ngoài Quân đội như: ủng hộ xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", xây tặng nhà tình nghĩa hội viên, hỗ trợ giống, vốn sản xuất, trang thiết bị y tế, trường học, tặng quà cho các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và các cháu học sinh nghèo vượt khó, học giỏi thuộc địa bàn đơn vị Quân đội đóng quân trên cả nước…

Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024), thực hiện sự chỉ đạo của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Ban Phụ nữ Quân đội (PNQĐ) chủ trì, phối hợp với các đơn vị tổ chức các hoạt động: hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà cho gia đình có công với cách mạng; tri ân, chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH), thăm hỏi, tặng quà Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND), các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn... Từ ngày 20 đến 23/7/2024, Ban PNQĐ phối hợp với Cục Chính trị Quân khu 4 đã tổ chức các hoạt động tri ân ý nghĩa trên địa bàn các tỉnh miền Trung: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. 

Trân trọng sự hy sinh của các Mẹ

Trong khuôn khổ chương trình, đoàn công tác đã trao tặng 200 suất quà cho các đối tượng chính sách: Bà mẹ VNAH; nữ Anh hùng LLVTND; các gia đình chính sách; hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn thuộc cơ quan Bộ CHQS tỉnh và các cơ quan, đơn vị thuộc LLVT các tỉnh trên địa bàn Quân khu 4, với tổng giá trị hơn 200 triệu đồng.

Đại tá Nguyễn Thị Thu Hiền - Trưởng ban PNQĐ, Trưởng đoàn công tác - đã đến thăm hỏi sức khỏe và tặng quà các Bà mẹ VNAH: Mẹ Lê Thị Sáu tại phường Bến Thủy, thành phố Vinh (Nghệ An); Mẹ Nguyễn Thị Tư tại phường Nam Hà, thành phố Hà Tĩnh (Hà Tĩnh); mẹ Phan Thị Quyên tại thôn 7, xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình); Mẹ Nguyễn Thị Nậy tại thôn Gia Môn, xã Phong Bình, xã Gio Phong, huyện Gio Linh (Quảng Trị).

Tháng 7 - Tưởng nhớ và tri ân- Ảnh 1.
Tháng 7 - Tưởng nhớ và tri ân- Ảnh 2.
Tháng 7 - Tưởng nhớ và tri ân- Ảnh 3.
Tháng 7 - Tưởng nhớ và tri ân- Ảnh 4.

Từ trái sang phải, từ trên xuống dưới: Đoàn công tác thăm hỏi, tặng quà các Mẹ VNAH: Nguyễn Thị Sáu (Nghệ An), Trần Thị Tư (Hà Tĩnh), Phan Thị Quyên (Quảng Bình), Nguyễn Thị Nậy (Quảng Trị)

Mẹ VNAH Lê Thị Sáu sinh năm 1923 và năm nay đã bước sang tuổi 101, cái tuổi xưa nay hiếm. Mẹ có 2 con là liệt sĩ. Con trai đầu của mẹ là anh Lê Huy Minh nhập ngũ năm 1964, hy sinh năm 1972 tại mặt trận phía Nam Quân khu 4. Trước khi hy sinh, liệt sĩ Lê Huy Minh đã là đảng viên, là Đại đội trưởng của Trung đoàn 164 và chưa một lần anh có dịp về thăm nhà. Anh ra đi để lại người vợ trẻ mà cả hai chỉ mới sống vỏn vẹn với nhau được 1 ngày. Con trai thứ 2 của Mẹ là anh Lê Huy Trường, hy sinh năm 1965 khi "trực cứu tải thương bộ đội hải quân máy bay Mỹ bắn", lúc đó anh Trường chỉ mới 18 tuổi và là Tiểu đội trưởng dân quân tự vệ của xã Hưng Thủy. Chưa đến 50 tuổi nhưng đã 3 lần mẹ đã mất con, phải "đầu bạc tiễn đầu xanh", trong đó ngoài 2 người con trai hy sinh còn có người con gái duy nhất qua đời khi chưa gần 1 tuổi. 

Mẹ VNAH Trần Thị Tư năm nay 101 tuổi, có 2 con trai là liệt sĩ (liệt sĩ Nguyễn Minh Đức hy sinh năm 1969 tại miền Bắc và liệt sĩ Nguyễn Quang Trung hy sinh năm 1975 tại mặt trận phía Nam). 

Mẹ VNAH Phan Thị Quyên, 94 tuổi, có chồng là liệt sĩ Nguyễn Hữu Sắt và con trai Nguyễn Khắc Hợ đã hy sinh tại chiến trường (hy sinh năm 1967 và 1972). Suốt những năm tháng qua, chưa một ngày mẹ Quyên quên giây phút tiễn chồng và con trai ra trận. 

Mẹ VNAH Nguyễn Thị Nậy, 95 tuổi, có chồng và con trai là liệt sĩ (hy sinh năm 1967 và 1971). Mẹ sinh được 3 người con trai, người con cả đi bộ đội hy sinh, người con thứ hai mất do bị bệnh lúc nhỏ, người con thứ 3 là Nguyễn Đức Hùng chưa hề thấy mặt cha…

Hầu hết các mẹ sức khỏe hiện đều đã yếu, lưng đã còng, tóc đã bạc, gương mặt đã nhiều vết đồi mồi, song với ý chí nghị lực phi thường, các mẹ đã vượt qua mọi khó khăn, bệnh tật để cùng sống vui sống khỏe và động viên con cháu tích cực học tập, lao động, cống hiến cho xã hội, góp phần xây dựng gia đình, quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp. Như mẹ Lê Thị Sáu, nỗi đau theo thời gian dẫu chưa nguôi ngoai nhưng mẹ luôn nói rằng "muốn độc lập thì phải hy sinh, mẹ chọn mất mát về cho riêng mình". Cả cuộc đời mình, mẹ còn tự hào bởi 3 thế hệ trong gia đình đều đi lính, đều làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc: "Chồng của mẹ đi đánh Pháp, các con của mẹ đi đánh Mỹ, cháu của mẹ nay cũng đang trong quân đội, là sĩ quan. Mẹ vẫn bảo cháu của mẹ, các con đã vào lính thì phải "trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua và kẻ thù nào cũng phải đánh thắng"… 

Đại tá Nguyễn Thị Thu Hiền đã bày tỏ lòng tri ân sâu sắc trước sự cống hiến, hy sinh to lớn của mẹ trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Mong các mẹ giữ gìn sức khỏe, làm chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con cháu học tập và công tác tốt.

Tháng 7 - Tưởng nhớ và tri ân- Ảnh 5.

Trưởng ban PNQĐ, Đại tá Nguyễn Thị Thu Hiền động viên chị em Bộ CHQS tỉnh Nghệ An

Hành trình đến với các địa chỉ đỏ

Trong khuôn khổ chuyến công tác, Đoàn có hành trình tri ân tại các địa chỉ đỏ trên địa bàn các tỉnh miền Trung - vùng đất lửa trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Đoàn công tác đã đến dâng hoa, dâng hương tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn (xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương); tưởng niệm 13 liệt sĩ "Tiểu đội thép", Đại đội 317 thanh niên xung phong; dâng hương tri ân 1.240 cán bộ, chiến sĩ bộ đội, dân quân tự vệ, thanh niên xung phong, công nhân ngành giao thông hy sinh khi đang làm nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên tuyến đường huyết mạch 15A và trọng điểm Truông Bồn.

Tháng 7 - Tưởng nhớ và tri ân- Ảnh 6.

Thượng tá Nguyễn Thị Thanh - Phó Trưởng ban PNQĐ và bà Nguyễn Thị Lệ Hà - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh - tặng quà hội viên Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh

Đoàn tổ chức dâng hương, đặt vòng hoa tại Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ thanh niên xung phong toàn quốc - nơi ghi danh trên 4.000 thanh niên xung phong cả nước; thắp hương tại Bia tưởng niệm và phần mộ 10 nữ Anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4 (thuộc Đại đội 552, Tổng đội Thanh niên xung phong 55, tỉnh Hà Tĩnh) đã anh dũng hy sinh vào ngày 24/7/1968 khi đang làm nhiệm vụ, khi tuổi đời còn rất trẻ, chưa ai trong số họ lập gia đình. Sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc và các liệt sĩ thanh niên xung phong ghi danh tại đây đã trở thành biểu tượng sáng ngời của tinh thần "Vì nước quên thân", không tiếc tuổi thanh xuân của mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Tháng 7 - Tưởng nhớ và tri ân- Ảnh 7.

Tưởng nhớ 10 nữ TNXP tại Ngã ba Đồng Lộc

Tại Quảng Bình, Đoàn đã đến dâng hương tại Hang Tám Cô, nơi 8 thanh niên xung phong, những con người không quản mưa bom bão đạn, đảm nhận công việc xẻ núi mở đường trên tuyến đường trọng điểm Km16, đường 20 Quyết Thắng (thuộc xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), là con đường huyết mạch nối liền Đông Trường Sơn - Tây Trường Sơn đưa chi viện từ Bắc vào Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, đã anh dũng hy sinh. Đoàn cũng dừng chân tại Di tích cấp Quốc gia hang Lèn Hà nằm ở khu vực núi Lèn Hà, thuộc bản Hà, xã Thanh Hóa (huyện Tuyên Hóa), là nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt và sự hy sinh cao cả của cán bộ, chiến sĩ Trạm cơ vụ A69, Đại đội 9, Trung đoàn 134, Binh chủng Thông tin trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên tuyến lửa Quảng Bình. Đặc biệt, nơi đây đã chứng kiến sự hy sinh anh dũng của 13 cán bộ, chiến sĩ Trạm cơ vụ A69 vào ngày 2/7/1972. Các anh, các chị đã hiến dâng tuổi thanh xuân để bảo vệ mạch máu thông tin liên lạc thông suốt, kịp thời, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tại khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa - Đảo Yến (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), giữa nắng gió và sóng biển rì rào, Đoàn đã kính cẩn dâng hương bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn vô hạn đối với Đại tướng - người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, vị Tổng tư lệnh chiến dịch Điện Biên Phủ đã làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Trong không khí trang nghiêm, thành kính, thành viên trong đoàn đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của Đại tướng; đồng thời hứa sẽ noi theo tấm gương suốt đời cống hiến vì nước, vì dân của Đại tướng, quyết tâm ra sức rèn luyện, phấn đấu, góp sức xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp.

Tháng 7 - Tưởng nhớ và tri ân- Ảnh 8.

Ban PNQĐ thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị - vùng đất lửa trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, Đoàn tiếp tục hành trình tri ân tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 và Thành cổ Quảng Trị. Mảnh đất Quảng Trị với những nghĩa trang liệt sĩ cùng hàng hàng, lớp lớp phần mộ liệt sĩ mà phần lớn các mộ phần chưa xác định được thông tin. Đó là điều khiến bất cứ người dân nào hôm nay khi đến nghĩa trang liệt sĩ cũng xúc động rơi lệ. Hòa cùng dòng người trở về các nghĩa trang liệt sĩ những ngày tháng 7, thành viên trong đoàn đã bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ. Tiếng chuông ngân vang giữa hàng ngàn phần mộ liệt sĩ, giữa khói hương trầm mặc, mọi người trong đoàn lặng lẽ kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các anh hùng liệt sĩ. Trên chiến trường xưa ác liệt, nay đã xanh màu của cây cỏ, hoa lá, màu xanh của sự sống đã hồi sinh, càng thêm tự hào về một Quảng Trị của mùa hè đỏ lửa năm 1972 - Quảng Trị của 81 ngày đêm mãi mãi là bài ca bất tử về tinh thần "thà hy sinh tất cả để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc"…

Tháng 7 - Tưởng nhớ và tri ân- Ảnh 9.

Xúc động trào nước mắt trước sự hy sinh của các liệt sĩ

Một hành trình về nguồn khá dài và dày đặc, song những bước chân của các thành viên trong đoàn dường như không hề mệt mỏi, mà còn được nhân lên niềm tự hào về lịch sử anh hùng của dân tộc. Hành trình những ngày tháng 7 tri ân đã giúp mỗi người thêm thấu hiểu, thấm thía và biết ơn đối với sự hy sinh to lớn của biết bao thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương, ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc hôm nay… Đó chính là những "bảo tàng sống" mang giá trị nhân văn sâu sắc trong việc giáo dục truyền thống yêu nước không chỉ cho cán bộ, đảng viên, mà còn cho thế hệ trẻ hôm nay thấy được trách nhiệm của mình trong quá trình dựng xây quê hương, đất nước, sao cho xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha ông. Với hành trang là truyền thống vẻ vang ấy, mỗi cán bộ, hội viên PNQĐ thế hệ hôm nay và mai sau tiếp tục phát huy trí tuệ, bản lĩnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới - luôn tin tưởng và nguyện mãi đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân đã lựa chọn, nâng cao ý thức cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, tiếp tục kế thừa, gìn giữ và phát huy những thành quả cách mạng đã giành lại được bằng xương máu của lớp lớp cha anh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm