Thanh Hóa: Một thai phụ tử vong vì chó dại cắn

27/03/2016 - 12:08
Một con chó nghi mắc bệnh dại tại tổ 1, phố 2, thị trấn Lang Chánh, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) đã cắn 7 người, trong đó có một thai phụ đồng thời là chủ của con chó vì chủ quan không chịu tiêm phòng dại nên đã tử vong.
Ngày 24/3, Chủ tịch UBND Thị trấn Lang Chánh xác nhận tại khu phố 2 thị trấn Lang Chánh (Thanh Hóa) xảy ra việc 7 người bị chó dại cắn, 1 người đang mang thai tử vong cũng là chủ của con chó dại.

Thai phụ bị tử vong là chị Nguyễn Thị Hà (31 tuổi, ở thị trấn Lang Chánh, đang mang thai khoảng tháng thứ 4). Chị Hà bị phát bệnh sau khi bị chó cắn và tử vong ngày 21/3.

Thông tin từ cơ quan chức năng cho biết, trước đó có một con chó của gia đình chị Hà phát bệnh dại cắn liên tục liền 7 người trong địa phương. Sau khi bị con chó này cắn, 6 người hàng xóm đã đến Trung tâm y tế huyện để tiêm phòng dại nên hiện tại sức khỏe của họ vẫn bình thường.

cho-dai.jpg
 Ảnh minh họa
Riêng chị Hà đang mang thai khoảng tháng thứ 4, nhưng chị chủ quan cho rằng con chó của gia đình mình mới đẻ nên hung dữ hơn thường ngày, nên chị Hà không đi tiêm phòng dại như mọi người. Đến ngày 21/3 vừa qua, chị Hà đột nhiên phát bệnh dại rồi tử vong. Con chó dại sau đó đã bị mọi người trong khu phố đập chết rồi tiêu hủy.

Ngay khi nhận được thông tin, Chi cục Thú Y Thanh Hóa đã cử cán bộ chuyên môn trực tiếp về địa bàn kiểm tra, chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại.

Theo ngành chức năng thì nhiều năm qua việc tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn huyện Lang Chánh đạt rất thấp, không đảm bảo yêu cầu công tác phòng, chống dịch.

Theo một số bác sĩ, hầu hết những trường hợp tử vong vì bệnh dại là do không tiêm phòng sau khi bị chó cắn.

“Nhiều người vì chủ quan nghĩ chó nhà nuôi cắn thì không sao, vì trước đó con chó cũng không có biểu hiện gì đặc biệt nên họ không tiêm phòng. Chỉ đến khi bất ngờ lên cơn dại mới vội vàng tiêm vắc-xin phòng bệnh thì đã quá muộn. Lúc này, virus bệnh dại đã lên não và phát bệnh thì không có thuốc nào chữa được”…

Bác sĩ cảnh báo: Khi bị chó trưởng thành cắn, cần theo dõi chặt chẽ con chó, sau 10 ngày nếu chó vẫn bình thường thì không cần thiết tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, với chó, mèo nhỏ cắn và bị cắn ở một số vị trí như cổ, đầu, mặt, đầu chi, bộ phận sinh dục thì phải tiêm phòng trong thời gian sớm nhất bởi vị trí càng gần thần kinh trung ương càng nhanh phát bệnh.



Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm