Dẫn chúng tôi đi tham quan trang trại trồng cây ăn quả với tổng diện tích hơn 2 ha, chị Nguyễn Thị Hương, thôn Hùng Tiến, cho biết: “Vùng này trước đây bỏ hoang, đất xấu, cỏ còn không mọc được. Gia đình tôi phải qua 8 năm, kiên trì cải tạo đất rồi hàng năm đều phải trồng xem cây nào hợp thì sau đó mới đầu tư mở rộng diện tích. Mía, thanh long, na, táo, ổi... đến nay chúng tôi đều đã thử cả, và bây giờ thì xác định được cây thanh long là cây chủ lực.” Hiện nay, trang trại của gia đình chị Hương có hơn 1.000 trụ thanh long, nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên quả rất ngọt, thương lái tìm đến nơi để nhập hàng.
Thế nhưng, với bản chất chăm chỉ, chịu khó, ngoài trồng cây ăn quả, vợ chồng chị Hương còn đầu tư đào ao nuôi cá. “6 sào ao cá cũng đã lấy đi biết bao công sức, tiền của của gia đình. Bởi thời gian đầu, chưa làm kè ao, vất vả nuôi cá chưa kịp thu hoạch thì lũ lụt cái là lại mất trắng. Sau này, hai vợ chồng tôi phải vay mượn tiền mua nguyên vật liệu, rồi bỏ sức ra làm ngày, làm đêm để làm kè. May là trời không phụ công người, sau hơn 1 năm, giờ vợ chồng tôi đã có thu nhập tương ối ổn định. Mỗi năm, thu nhập từ ao cá đạt 50 triệu đồng/năm, thanh long đạt vài trăm triệu đồng/năm.” Chị Hương vui vẻ nói.
Ông Nguyễn Văn Đào, trưởng thôn Hùng Tiến, cho biết: Việc thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế của thôn có sự đóng góp không nhỏ của chị em và chi hội phụ nữ cơ sở khi đã quan tâm tạo điều kiện về vốn, kỹ thuật, thị trường... Nhiều chị em của thôn đi lên từ gian khó nay đã trở thành chủ vườn, chủ trang trại, như gia đình chị Đinh Thị Hoa có 4 ha cao su, giải quyết việc làm cho 5 lao động; gia đình chị Nguyễn Thị Hương có hơn 2 ha cây ăn quả; gia đình chị Lê Thị Hương làm dịch vụ kinh doanh thương mại.
Sở dĩ, các chị em phụ nữ không chị ở thôn Hùng Tiến mà ở trên toàn huyện Như Xuân được tạo điều kiện phát triển kinh tế là do Hội LHPN huyện Như Xuân luôn xác định giúp hội viên phụ nữ thoát nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Gia đình chị Nguyễn Thị Thu (SN 1969, ở thôn Thắng Lộc, xã Bình Lương) lại chọn hướng phát triển kinh tế hộ gia đình bằng việc trồng cây ăn quả và cây công nghiệp các loại. Với 5 ha đất đồi gia đình đưa vào trồng 1ha cây cao su đã cho thu hoạch, 3 ha cây keo lai, 0,6 ha Thanh Long ruột đỏ, chè, luồng các loại… Từ nguồn thu nhập trên mỗi năm cũng cho gia đình chị lãi trên 80 triệu đồng khi đã trừ chi phí.
Ngoài Việc thâm canh trồng các loại cây ăn quả, các chị em hội viên còn mạnh dạn đầu tư vào việc chăn nuôi gia súc gia cầm. Tháng 8/2018, gia đình chị Lê Thị Lan (SN 1974, trú ở thôn Thắng Lộc xã Bình Lương) quyết định đầu tư 200 triệu đồng và mượn đất vườn của gia đình anh trai xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà 2.000 con gà, 60 con lợn và 300 con ngan mỗi lứa. Sau 1 năm đưa vào chăn nuôi cũng cho gia đình chị thu lãi từ 100 đến 120 triệu khi đã trừ chi phí. Ngoài phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm chị còn nhận hàng về để may kiếm thêm thu nhập.
Đồng chí Lê Thị Thu, Chủ tịch Hội LHPN huyện Như Xuân, cho biết: Hiện 18 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều xây dựng được 18 câu lạc bộ phụ nữ giảm nghèo và đã có 584/900 thành viên câu lạc bộ thoát nghèo. Ngoài ra, Hội LHPN huyện còn thành lập 2 tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản ở xã Cát Vân; 1 tổ hợp tác chăn nuôi dê ở xã Thanh Quân, nay các mô hình bò sinh sản đã có 6 bê con và trao cho hội viên khó khăn khác nuôi. Hội LHPN huyện cũng phối hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, dạy nghề may, trao con giống, mái ấm cho hội viên nghèo. Để giải quyết vấn đề nguồn vốn, nhiều hình thức huy động, cho vay vốn được áp dụng như: vay vốn tiết kiệm tại chi, tổ tiết kiệm, vốn ngân hàng… Hội LHPN huyện Như Xuân cũng thường xuyên đổi mới nội dung sinh hoạt, tăng cường dự sinh hoạt với chi hội; phối hợp tổ chức đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với hội viên để nắm bắt tư tưởng hội viên và hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình đi vào thực chất hơn, đáp ứng nhu cầu của hội viên.
Nhờ các hoạt động thiết thực, nên trong những năm qua các cấp hội phụ nữ huyện Như Xuân đã giúp 35 chị thoát nghèo bền vững. Cùng với đó, đời sống tinh thần, nhận thức của hội viên, phụ nữ các dân tộc trên địa bàn huyện cũng ngày càng được nâng cao. Về Như Xuân hôm nay, dễ dàng nhận thấy sự thay da đổi thịt của một vùng quê nghèo khó, nhìn những đồi núi khô cằn nay đã thành những trang trại xanh mướt, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào một tương lai phát triển hơn nữa của vùng đất này . Và trong sự khởi sắc đó, không thể thiếu bàn tay những người mẹ, người chị, những người phụ nữ không quản ngại khó khăn, đang ngày càng năng động, sáng tạo trong xây dựng, phát triển kinh tế, tham gia các hoạt động của địa phương và cùng chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới.