pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thanh Hóa: Triển vọng từ các "Nhóm phụ nữ tự lực giúp nhau làm kinh tế"
Chị Triệu Thị Pham (áo đen) trực tiếp hướng dẫn cho thành viên "Nhóm phụ nữ tự lực giúp nhau làm kinh tế" xã Pù Nhi (huyện Mường Lát) kỹ thuật gội, sấy tóc
Những lớp học làm tóc miễn phí
Trên trục đường chính dẫn vào xã Pù Nhi (huyện Mường Lát), cửa tiệm làm tóc của chị Triệu Thị Pham rộn ràng tiếng nói cười của các chị em đang cùng nhau học hỏi và làm việc tại nơi này. Là một trong những học viên của khoá học làm tóc miễn phí do Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển phụ nữ Thanh Hoá phối hợp với một đơn vị đào tạo chuyên nghiệp tổ chức, chị Triệu Thị Pham trở về với hành trang là những kĩ năng cắt tóc cơ bản, làm hoá chất, tạo kiểu trên tóc (ép, uốn, nhuộm tóc) và làm móng.
Từ số vốn 30 triệu đồng do Hội LHPN tỉnh Thanh Hoá hỗ trợ cùng một chút tiền tiết kiệm riêng, chị Pham đã mạnh dạn đầu tư dụng cụ làm nghề, tận dụng chính gian trước của ngôi nhà thành cửa tiệm và dạy nghề cho các chị em có thêm công việc và thu nhập bên cạnh công việc nương rẫy hàng ngày. Chị Pham cho biết trước đây, chị chưa từng nghĩ đến làm việc gì khác ngoài làm nông.
"Từ ngày chồng tôi đi làm ăn xa ở Quảng Ninh, anh vừa gống gánh nuôi vợ cùng 3 con nhỏ, cũng chỉ dẫn cho tôi rất nhiều về việc mình phải thay đổi tư duy để làm ăn, phát triển kinh tế. Biết có lớp học làm tóc ở dưới tỉnh, tôi bàn với chồng và được anh động viên, lại được sự tạo điều kiện của Hội phụ nữ từ xã đến huyện nên tôi quyết tâm đi học, để có một nghề phù hợp với khả năng của mình và sự phát triển của xã hội"- chị Pham chia sẻ.
Kể từ khi chính thức mở hàng đến nay, chị Pham cảm nhận dịch vụ làm đẹp ở xã vùng cao đã được nhiều người quan tâm hơn. Khách hàng đa số là các nữ thanh niên đến làm móng, cắt tóc, uốn, nhuộm; khách trung niên thì cắt tóc, gội đầu... Do đặc thù đời sống của người dân vẫn gắn liền với nương rẫy nên vào mùa hè, khách đến cửa hàng chưa nhiều. Còn vào mùa đông, khí hậu trở lạnh và có nhiều dịp lễ tết nên khách hàng tìm đến dịch vụ làm đẹp đông hơn.
Ngoài làm nghề, chị Triệu Thị Pham còn dạy nghề miễn phí cho những phụ nữ không có điều kiện đi học trong xã. "Ở khu vực xã Pù Nhi có rất đông chị em là người dân tộc thiểu số. Có chị người Mông, có chị người Dao, có cả người Thái. Nhiều chị em không tự tin đi học vì ngại giao tiếp, từ xã xuống tỉnh cũng gần 300km rất vất vả. Một số chị em không thạo tiếng phổ thông nên tôi sẽ là người truyền đạt trực tiếp cho các chị. Như nhà tôi hiện đang có 5 chị em vừa học vừa làm. Khi cứng cáp ra nghề được các chị có thể đến làm ở các tiệm khác hoặc tự mở được cửa hàng"- chị Pham cho hay.
Nghề làm tóc ở xã miền núi còn chưa thực sự phát triển như khu vực thành thị tuy nhiên, đời sống phát triển nên hằng tháng, hai chị em cũng có thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng/người. Ở miền núi vốn chỉ "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", khoản thu nhập này đối với các chị là niềm mơ ước.
Định hướng công việc cho phụ nữ dân tộc thiểu số
Theo chia sẻ của bà Lương Thị Cúc- Chủ tịch Hội LHPN xã Pù Nhi (huyện Mường Lát), hiện nay trên địa bàn huyện Mường Lát có 2 "Nhóm tự lực giúp nhau phát triển kinh tế" tại xã Pù Nhi và xã Nhi. Với mô hình mỗi nhóm có từ 3 đến 5 thành viên, các học viên đều được học miễn học phí theo hình thức cầm tay chỉ việc, được tư vấn, định hướng mở quán để làm nghề và giới thiệu việc làm cho học viên tại một số địa chỉ uy tín.
Để giúp học viên luyện tập tay nghề cũng như kết hợp với các chương trình thiện nguyện, đồng hành cùng phụ nữ biên cương, Hội LHPN tỉnh cũng tạo điều kiện cho một số học viên tham gia cắt tóc miễn phí cho trẻ em, người dân ở xã Nhi Sơn, xã Tam Chung (Mường Lát).
"Nhóm hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện dưới sự hướng dẫn của hội LHPN các cấp và sự quản lý trực tiếp của hội LHPN xã, nhằm giúp học viên là người dân tộc thiểu số ở vùng miền núi khó khăn phát huy nội lực, tự tin, sáng tạo trong tìm kiếm nghề ổn định tại địa phương. Thông qua các mô hình này, chúng tôi cũng đồng thời tuyên truyền cho hội viên, phụ nữ trên địa bàn về bình đẳng giới, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, hạn chế di cư, đi làm ăn xa"- bà Lương Thị Cúc nhấn mạnh.
Với những lợi ích mà mô hình mang lại, nhiều chị em đã tìm đến học tập và xem đây là một hướng đi mới phù hợp với năng lực, hoàn cảnh. Chị Lương Thị Thẩm (xã Nam Động, huyện Quan Hoá) là mẹ đơn thân, cuộc sống khó khăn khi có 2 con đang trong độ tuổi ăn học. Được Hội LHPN xã giới thiệu học nghề và hỗ trợ mở quán, chị vừa có thời gian chăm sóc cho con nhỏ, vừa có công việc ổn định với mức thu nhập tháng cao nhất có thể lên tới 15 triệu đồng.
Hay như em Đặng Thị Mẩy (xã Pù Nhi, huyện Mường Lát) năm nay vừa tròn 18 tuổi, em cũng tìm đến lớp học làm tóc miễn phí của "Nhóm tự lực giúp nhau phát triển kinh tế" trong xã để tìm hướng đi cho mình. Là một cô gái trẻ, Mẩy cũng tha thiết tiếp cận với những hướng đi mới nhưng chưa thể vượt qua được những khó khăn của hoàn cảnh gia đình. Vì vậy, khi có cơ hội việc làm mới ngay tại địa phương, Mẩy không ngại đi hàng chục cây số đến học. Dù mới chỉ biết gội đầu, sấy tóc cho khách, nhưng với Mẩy, đây chính là cánh cửa để cô tiến gần hơn với những thay đổi trong tương lai của mình.
Bà Ngô Thị Hồng Hảo, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: "Nhóm tự lực giúp nhau phát triển kinh tế" là mô hình mới, đặc thù của Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" - thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hoạt động của nhóm góp phần thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới, giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; động viên chị em đổi mới cách nghĩ, cách làm, vươn lên làm giàu, thoát nghèo bền vững, tích cực tham gia xây dựng tổ chức hội vững mạnh; nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh Thanh Hoá sẽ tiếp tục có những hoạt động nâng cao tay nghề cho chị em, đồng thời mở rộng đối tượng đào tạo để giúp đỡ nhiều chị em có thêm những cơ hội mới trong phát triển và làm chủ kinh tế.