Thành phố thân thiện với phụ nữ tại Hàn Quốc

25/06/2019 - 17:56
Hàn Quốc có rất nhiều sáng kiến hay, thành công nhằm đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em, trong đó có dự án thành phố thân thiện với phụ nữ được triển khai ở nhiều nơi nhưng đặc biệt thực hiện rất bài bản ở thành phố Seoul với kinh phí 708 tỷ won (khoảng gần 600 triệu USD).
Môi trường sống an toàn
Tại Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ 7 diễn ra tại Hà Nội ngày 25/6, bà Dong Sun Lee - Giám đốc Trung tâm các dự án chiến lược vì bình đẳng giới, Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc (KWDI), cho biết: Từ sau những năm 1960, trên toàn thế giới xuất hiện khái niệm “quyền lợi đối với thành phố” (right to the city), đặt ra mối quan tâm đối với môi trường xã hội tại địa phương, nơi tất cả người dân có thể tự do tiếp cận và sử dụng không gian và dịch vụ của thành phố. Điều đó có nghĩa là tất cả không gian, dịch vụ và tài nguyên của địa phương phải được phát triển để đảm bảo an toàn, thuận tiện và sự tham gia của tất cả người dân, và có thể hỗ trợ nâng cao năng lực của người dân.
Xuất hiện khái niệm Thành phố thân thiện với phụ nữ thể hiện yêu cầu của phụ nữ và nhằm xây dựng xã hội địa phương giúp phụ nữ có thể nâng cao năng lực của mình thông qua việc tham gia các hoạt động xã hội. Từ 2 thành phố thân thiện là Iksan (Jeonbuk) và thành phố Yeosu (Jeonnam) năm 2009, Hàn Quốc mở rộng lên 87 thành phố năm 2018.
dong-sun-lee-dien-dan-phu-nu-viet-han-2.JPG
Bà Dong Sun Lee - Giám đốc Trung tâm các dự án chiến lược vì bình đẳng giới, Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc (KWDI)
Xã hội ngày càng phát triển thì việc tiến tới xây dựng thành phố thân thiện, đặc biệt là thân thiện với phụ nữ là một tất yếu trong quá trình thực hiện bình đẳng giới mà các nước đang hướng đến. Chỉ với một số thay đổi như có chỗ đỗ xe, đường đi thân thiện với phụ nữ, mở tuyến xe bus an toàn đưa đón những người về muộn vào ban đêm… nhưng đã mang lại hiệu quả rất lớn, sự hài lòng của người dân và phụ nữ Hàn Quốc đã gia tăng đáng kể. Điều này cho thấy đảm bảo an toàn tốt hơn cho phụ nữ và trẻ em là hoàn toàn khả thi, trong đó nâng cao nhận thức của toàn xã hội từ nhà quản lý đến người dân là một chìa khóa rất quan trọng, và chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn tốt là điều kiện giúp chúng ta hiện thực hóa mục tiêu đó nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Chính quyền các thành phố Hàn Quốc chú trọng tăng cường trách nhiệm xã hội để bảo đảm việc làm bền vững cho phụ nữ, thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp; tạo văn hóa cân bằng giữa công việc và gia đình, tạo môi trường làm việc thân thiện với phụ nữ; xây dựng môi trường địa phương an toàn, không nguy hiểm... Hàn Quốc có những dự án hướng đến phụ nữ như Dự án “Một Seoul thân thiện với phụ nữ” được thực hiện tại quận Gwangjin hay Dự án xây dựng công viên thân thiện với phụ nữ; thành phố Bucheon với dự án “Hỗ trợ gia đình sau giờ học”, dự án “Bàn tay mẹ hỗ trợ bà mẹ đi làm”; thành phố Seongiu với dự án “Doanh nghiệp thân thiện với phụ nữ”, môi trường đi lại an toàn với “ 500 bước chân thong thả của phụ nữ”....
Là địa phương có cả thành thị và nông thôn, thành phố Iksan thực hiện dự án nâng cao vị thế của phụ nữ làm nông nghiệp, hỗ trợ phụ nữ di trú diện kết hôn, phụ nữ cao tuổi. Iksaan tiến hành các hoạt động giao lưu giữa các lãnh đạo nữ, lãnh đạo Hội nữ nông dân và Hội Phụ nữ sống tại các chung cư. Họ vận hành mô hình Asia garden hỗ trợ mạng lưới giao dịch giữa thành thị và nông thôn… Còn thành phố Dalseo-gu (Daegu) tiến hành các hoạt động đào tạo nghề theo nhu cầu của các khu công nghiệp nhằm tạo điều kiện việc làm cho phụ nữ.
women-traditional-dress-korea-selfie-stick.jpg
Ảnh minh họa
Ứng phó với bạo lực giới
Bà Jeong Hye Kim - Tiến sĩ, Nghiên cứu viên (KWDI) - cho biết, trong chính sách phòng chống bạo lực gia đình, nhà nước và chính quyền địa phương ở Hàn Quốc đã xây dựng, quản lý cơ chế khai báo vụ việc bạo lực gia đình; thực hiện điều tra, nghiên cứu, đào tạo và tuyên truyền để phòng tránh, phòng chống bạo lực gia đình. Ngoài ra, Hàn Quốc chú trọng đến việc xây dựng, vận hành cơ sở bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân; cung cấp các dịch vụ để nạn nhân có thể tự lập, tự kiếm sống như cấp quyền ưu tiên cư trú tại khu nhà cho thuê, đào tạo nghề… Nước này cũng hướng đến việc chuẩn bị biện pháp an toàn để bảo vệ nạn nhân và cán bộ phụ trách tư vấn tại cơ sở bảo vệ nạn nhân của bạo lực gia đình, cán bộ trung tâm tư vấn liên quan đến bạo lực gia đình, trung tâm hotline khẩn cấp
Hàn Quốc xây dựng đường dây nóng Hotline 1366 hỗ trợ nạn nhân từ bạo lực gia đình, bạo lực giới, buôn bán dâm. Nước này bố trí mỗi trung tâm tại một khu vực trong 16 thành phố trên cả nước để nhận trình báo vụ việc, tư vấn khẩn cấp, bố trí bảo vệ nạn nhân, vận hành cơ sở tạm lánh để hỗ trợ trợ tư vấn tại nơi tạm lánh khẩn cấp. Tính đến năm 2017, đã có 6.465 nạn nhân sử dụng cơ sở tạm lánh, trong đó 2.618 người có con cái đi cùng. Số ngày các lực lượng chức năng hỗ trợ bảo vệ lên tới 20.054 ngày.
jeong-hye-kim-dien-dan-phu-nu-viet-han-4.JPG
Bà Jeong Hye Kim - Tiến sĩ, Nghiên cứu viên (KWDI)
Còn đường dây nóng Hotline Danuri(1577-1366) nhằm hỗ trợ các đối tượng là gia đình đa văn hóa và phụ nữ di trú. Đường dây nóng này cũng cung cấp thông tin về cuộc sống Hàn Quốc, tư vấn vợ chồng, hỗ trợ khi cần cứu trợ khẩn cấp như có hành vi bạo lực; tư vấn pháp luật, dịch vụ thông dịch và biên dịch cũng như cung cấp nơi tạm lánh khẩn cấp cho họ.
Các cơ sở bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình sẽ cung cấp nơi ăn, ở; tư vấn và trị liệu giúp ổn định tâm lý và hòa nhập xã hội; hỗ trợ về y tế; liên kết với các dịch vụ hỗ trợ cần thiết trong quá trình điều tra, xét xử; yêu cầu sự hợp tác và hỗ trợ của các cơ quan hỗ trợ pháp lý; thực hiện đào tạo nghề và cung cấp thông tin việc làm để nạn nhân tự kiếm sống. Đặc biệt, các cơ sở này bảo vệ nạn nhân bị bạo lực gia đình là người nước ngoài kết hôn với người Hàn Quốc; người khuyết tật trong vòng 2 năm.
Hàn Quốc đề ra các quy định cấm và chế tài xử phạt mua bán dâm rất khắc khe. Với các hành vi mua bán dâm sẽ bị phạt tù dưới 1 năm, nộp tiền phạt dưới 3 triệu won… Đối với người môi giới bán dâm, rủ rê, dụ dỗ, cưỡng ép, cung cấp địa điểm, cung cấp tiền - đất - tòa nhà để thực hiện hành vi buôn bán dâm, người có hành vi bán dâm sẽ bị phạt tù dưới 3 năm, nộp phạt dưới 30 triệu won. Nếu kinh doanh mại dâm sẽ bị phạt tù dưới 7 năm, nộp phạt dưới 70 triệu won. Các hoạt động chế tác, công khai poster buôn bán dâm để kinh doanh sẽ phạt tù dưới 2 năm, nộp phạt dưới 10 triệu won. Mua bán dâm đối tượng trẻ em, thanh thiếu niên sẽ bị phạt tù 1-10 năm, nộp phạt từ 20-50 triệu won. Còn hành động rủ rê, dụ dỗ trẻ em, thanh thiếu niên bán dâm sẽ bị phạt tù dưới 5 năm, nộp phạt dưới 30 triệu won. Nếu ai cung cấp địa điểm phục vụ việc mua bán dâm đối tượng trẻ em, thanh thiếu niên thì sẽ bị phạt tù dưới 7 năm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm