Thắp sáng ước mơ cho những người phụ nữ dân tộc
bên khung cửi đơn sơ
"Tôi đã rất trăn trở khi gặp và nói chuyện với các cô, các chị em phụ nữ dân tộc thiểu số tại làng nghề dệt tay truyền thống Mai Châu. Hy vọng có thể góp sức làm được điều gì đó dù nhỏ bé nhất để giữ lại làng nghề, giúp các chị em có tay nghề, thu nhập ổn định, đặc biệt là niềm tin về tương lai của vải dệt thổ cẩm thủ công trong sự phát triển mới của ngành thời trang bền vững trong nước và quốc tế", chị Rachel Isenschmid, sáng lập Dự án Empower Women Asia, chia sẻ.
Những ngày cuối năm 2022, những người yêu thời trang, đặc biệt là thời trang bền vững và các nhà hoạt động xã hội, hoạt động cộng đồng đều hào hứng chờ đón "Dệt cửi thêu mây" - dự án gây quỹ được Empower Women Asia tổ chức nhằm mục đích gây quỹ cho phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn tại làng dệt Mai Châu, với mong muốn sẽ có thêm hai chiếc khung cửi dệt vải giúp cho họ ổn định sản xuất và đời sống. Một lần nữa Empower Women Asia lại khẳng định tính nhân văn qua các chương trình giúp gìn giữ những giá trị văn hoá bền vững, lan toả những giá trị tốt đẹp đến cộng đồng và mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho phụ nữ, trẻ em gái vùng khó khăn.
Trước thềm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, PNVN đã có cuộc trò chuyện cùng Rachel Isenschmid (Trang Nguyễn) - một phụ nữ gốc Việt đang sống và làm việc tại Thụy Sĩ - về Empower Women Asia và những tác động xã hội của dự án trong thời gian qua.
+ Từ Thụy Sĩ đến Mai Châu, Hòa Bình, ý tưởng nào để chị sáng lập Empower Women Asia?
Dự án Empower Women Asia (EWA) được thành lập từ năm 2019 bởi tổ chức phi chính phủ KIBV - Keep It Beautiful Vietnam với mục tiêu hỗ trợ các chị em phụ nữ dân tộc thiểu số tại làng nghề dệt tay truyền thống tại Mai Châu, Hoà Bình, nâng cao tay nghề sản xuất, chất lượng, đầu ra cho sản phẩm để tạo thu nhập ổn định. Sự ra đời của dự án là nhân duyên trong lần tôi về Việt Nam tìm hiểu thực tế khi làm luận văn thạc sĩ liên quan tới chủ đề thời trang bền vững. Tôi có cơ hội tới thăm Mai Châu, Hoà Bình, để tìm hiểu về các sản phẩm dệt tay thủ công. Cũng nhờ đó, tôi biết được tình trạng có rất nhiều phụ nữ trong làng nghề từ già tới trẻ đã mất đi niềm hy vọng tiếp tục nghề dệt vải thổ cẩm do những tấm vải làm ra, mặc dù rất kỳ công nhưng lại không thể cạnh tranh lại được với các sản phẩm vải dệt, may công nghiệp giá rẻ của Trung Quốc tràn lan trên thị trường.
Vải thổ cẩm vốn được dệt hoàn toàn bằng tay là một trong những yếu tố có tác động tích cực tới môi trường do hạn chế sử dụng nguồn năng lượng điện, nước. Tôi mong muốn có thể xây dựng được một khu cung ứng và sản xuất khép kín bao gồm từ công đoạn trồng nguyên liệu thô tại địa phương, chế biến sợi, nhuộm sợi tự nhiên, dệt vải bằng khung cửi để cho ra đời những tấm vải thổ cẩm có giá trị bền vững cao nhất. Cũng trong mục tiêu đó, việc đào tạo tay nghề, kiến thức để các chị em hiểu về vai trò của mình trong chuỗi sản xuất bền vững, từ đó có ý thức, trách nhiệm, sự phát triển bản thân, sự tự chủ kinh tế cũng chính là mục tiêu lâu dài mà dự án hướng tới.
+ Hãy chia sẻ một vài thông điệp và mong muốn của Trang cùng đội ngũ gửi gắm vào dự án?
Từ những ngày đầu tiên khi dự án mới thành lập cho tới nay, chúng tôi bao gồm rất nhiều các bạn tình nguyện viên (TNV) trẻ trong nước và quốc tế luôn không ngừng nỗ lực gửi đi thông điệp về việc bảo tồn, nâng cao giá trị các sản phẩm vải thổ cẩm bởi những tầng ý nghĩa khác nhau của chúng từ môi trường, văn hoá tới giá trị nhân đạo. Chúng tôi cũng mong muốn dấy lên tinh thần yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc trong cộng đồng để thay vì chạy theo các sản phẩm thời trang nhanh, người tiêu dùng trong nước sẽ hướng và trân trọng hơn các sản phẩm có giá trị bền vững.
Dự án tại Mai Châu là một trong những dự án thí điểm để hy vọng sẽ lan toả ra các làng nghề dệt thổ cẩm khác trong cả nước. Là một người Việt Nam, tuy làm việc và sinh sống tại nước ngoài nhiều năm nhưng tôi luôn hướng về quê hương và hy vọng những sản phẩm mang đậm giá trị văn hoá, niềm tự hào dân tộc Việt Nam không chỉ được phổ biến hơn tại thị trường nội địa mà còn cả ở thị trường quốc tế.
+ Triển khai dự án hướng đến đối tượng là phụ nữ dân tộc và bảo tồn làng nghề truyền thống, chị có những thuận lợi, khó khăn gì khi thực hiện?
Những ngày đầu tiên khi thành lập, chúng tôi có các bạn TNV trẻ từ nhiều quốc gia trên thế giới tình nguyện về làm việc tại Mai Châu. Tại đây, các bạn tiếp xúc trực tiếp với chị em phụ nữ, nghiên cứu về các sản phẩm vải dệt tay để giúp chị em có các ý tưởng mới trong khâu thiết kế sản phẩm. Chúng tôi cũng nỗ lực hỗ trợ, hướng dẫn các chị em trong các khâu như tổ chức, bán hàng, nâng cao tay nghề và trình độ tiếng Anh. Ngoài ra, rất nhiều các hoạt động workshop trải nghiệm nhuộm tự nhiên, dệt tay đã được chúng tôi tổ chức, thu hút sự quan tâm của nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.
Đại dịch Covid-19 đã gây ra không ít khó khăn cho dự án khiến các bạn TNV quốc tế không thể tới Việt Nam được nhưng cũng trong thời gian đó, các bạn TNV trẻ trong nước đã vô cùng hứng thú, nhiệt tình tham gia quảng bá, tuyên truyền về dự án. Hàng trăm TNV trên cả nước đã không ngừng nỗ lực gửi đi thông điệp về hình ảnh làng nghề dệt truyền thống và các chị em dân tộc thiểu số tại Mai Châu qua những hoạt động như các cuộc thi, các chương trình gây quỹ ủng hộ các chị em thông qua việc bán các sản phẩm thổ cẩm do chính tay họ làm ra cũng được ủng hộ nhiệt tình. Chúng tôi đã có các đợt đi trao quỹ tại Mai Châu với nhiều kỷ niệm khó quên.
Song, chặng đường còn dài và rất nhiều khó khăn vì để có thể thực hiện được mục tiêu, nguyện vọng đề ra sẽ cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng, như việc nâng cao nhận thức để có sự thay đổi, đóng góp tích cực hơn cho các sản phẩm dệt thủ công, dẫn tới việc tạo đầu ra cho sản phẩm. Là một tổ chức nhỏ và non trẻ, chúng tôi vẫn luôn không ngừng nỗ lực cố gắng để dù có thể làm được những điều nhỏ bé nhưng sẽ vẫn tiếp tục kiên trì trên hành trình khó khăn.
+ Đến nay, dự án đã hoạt động được 5 năm và đạt được những kết quả nhất định. Những nỗ lực này có đúng như kỳ vọng của chị?
Thú thật là tôi thấy mình quá nhỏ bé và chưa làm được gì nên rất ngại khi phải chia sẻ về những gì đã làm được. Tuy nhiên, thành công nhất của dự án đối với tôi chính là nhìn thấy sự miệt mài, nỗ lực và niềm đam mê của các bạn TNV trẻ trên khắp cả nước đã luôn kiên trì, tin tưởng vào mục tiêu, lý tưởng của dự án để không ngừng lan truyền những tư tưởng tốt đẹp tới cộng đồng. Qua hơn 4 năm kể từ khi thành lập, dự án đã có tới hàng trăm TNV khắp nơi trong nước và quốc tế cùng chung tay để chứng minh, mặc dù vẫn còn giới hạn về nhiều mặt nhưng tinh thần và niềm tin sẽ dẫn chúng tôi đi về phía trước.
Tôi vẫn mong muốn và hi vọng được nhìn thấy nhiều hơn sự thay đổi chất lượng sản xuất, chất lượng đời sống và nhận thức của các chị em phụ nữ dân tộc thiểu số tại các làng nghề trong một ngày không xa, để các chị em sẽ thực sự có chỗ đứng, tiếng nói và sự tự chủ trong xã hội, đúng với cái tên mà tôi đặt cho dự án "Empower Women Asia".
+ Dấu ấn "Empower Women Asia" được ghi nhớ bằng hành trình đưa thổ cẩm, thời trang Việt vươn tầm thế giới. Chị có thể chia sẻ thêm về chặng đường này?
Hành trình đưa thổ cẩm thời trang vươn tầm thế giới của dự án những ngày đầu tiên bắt đầu bằng việc các bạn TNV quốc tế tham gia dự án đã có những nghiên cứu về thị trường quốc tế, các sản phẩm có tính ứng dụng cao sử dụng chất liệu vải thổ cẩm để biến những sản phẩm do các chị em làm có tính cạnh tranh, phù hợp hơn với thị trường quốc tế. Dưới sự hỗ trợ của chúng tôi, các sản phẩm mẫu đã ra đời và được mang quảng bá tại nhiều chương trình triển lãm quốc tế như Green Market, Paris Premiere Vision, Gwand Festival... và được sự ủng hộ của người tiêu dùng nước ngoài. Các sản phẩm sau đó cũng được trưng bày tại showroom của Faircustomer tại Zurich, Thụy Sĩ.
Nhân duyên đã cho tôi gặp chị Ngọc Anh - nhà thiết kế và sáng lập thương hiệu thời trang La Pham - để sau đó chúng tôi có các chương trình kết hợp, quảng bá sản phẩm thổ cẩm tại quốc tế quy mô hơn như các sự kiện trình diễn thời trang tháng 9/2021 tại Bern nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thụy Sĩ do Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ tổ chức, chương trình trình diễn thời trang bền vững lớn nhất châu Âu vào tháng 3/2022 do UN Dress tổ chức tại Saint Gallen, Thụy Sĩ và gần đây nhất là chương trình show thời trang tại lễ hội bền vững Gwand, Luzern.
Thông qua việc tham gia các sự kiện quốc tế quy mô, hành trình đưa thổ cẩm Việt Nam ra thế giới đã có những dấu ấn quan trọng, cái tên Việt Nam và những bộ trang phục với hoạ tiết tinh tế, đậm nét văn hoá Việt đang dần được nhiều khách hàng và bạn bè quốc tế yêu thích. Đây chính là sự động viên và củng cố thêm niềm tin về con đường đã chọn. Chúng tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều nhà thiết kế, nhãn hàng cùng tham gia để đưa thổ cẩm Việt Nam đi xa hơn.
+ Chị có thể chia sẻ thêm một vài kế hoạch trong thời gian tới?
Trong thời gian, chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ các chị em phụ nữ dân tộc thiểu số tại làng nghề dệt truyền thống trên con đường nâng cao chất lượng sản phẩm, tay nghề, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu của nghành vải và thời trang bền vững. Chúng tôi cũng mong muốn kết nối nhiều hơn với các nhà thiết kế, nhãn hàng có xu hướng, tinh thần bền vững để cùng tạo ra một cộng đồng lớn mạnh, chung sức tạo ra nhiều tác động tốt tới môi trường cũng như trực tiếp tới những người phụ nữ làng nghề bên cạnh bảo tồn các giá trị văn hoá.
Tại thị trường quốc tế, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục các hoạt động quảng bá, kết nối để đưa các nhà thiết kế, nhãn hàng Việt Nam tới gần gũi với người tiêu dùng, doanh nghiệp quốc tế, qua đó khẳng định rõ hơn năng lực của các sản phẩm Việt Nam làm từ đôi tay các chị em phụ nữ dân tộc thiểu số trên thị trường quốc tế.