Thay đổi nhận thức của phụ nữ sẽ tạo động lực để giảm nghèo bền vững
Đây là thông điệp được chị Lương Thị Mỹ Huệ chia sẻ và lan tỏa thông qua Dự án "Xây dựng chuỗi liên kết phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản phẩm OCOP đặc sản Kon Tum để phát triển kinh tế bền vững".
Được sự hỗ trợ của Hội LHPN Việt Nam, Dự án "Xây dựng chuỗi liên kết phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản phẩm OCOP đặc sản Kon Tum để phát triển kinh tế bền vững" đã được chị Lương Thị Mỹ Huệ và Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên, tỉnh Kon Tum triển khai và mang lại nhiều kết quả tích cực cho cộng đồng.
Là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc thực hiện chuỗi liên kết với phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Đắk Tô, đến nay, sau 2 năm thực hiện, Dự án đã giúp chị em có sinh kế, nguồn thu nhập ổn định, giảm phụ thuộc vào rừng, giảm tình trạng phát nương làm rẫy, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Chị Lương Thị Mỹ Huệ chia sẻ về hành trình thay đổi nhận thức của phụ nữ dân tộc thiểu số tại địa phương, dựa vào các sản phẩm bản địa để phát triển kinh tế gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội.
+ Xin chào chị Mỹ Huệ. Ý tưởng nào đưa chị đến với dự án "Xây dựng chuỗi liên kết phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản phẩm OCOP đặc sản Kon Tum để phát triển kinh tế bền vững"?
Những năm qua, đồng bào dân tộc thiểu số cùng với tập quán canh tác phát nương làm rẫy lạc hậu đã khiến rừng bị xâm hại, đất trống đồi trọc gia tăng, kinh tế chậm phát triển.
Là lao động chính trong gia đình, nhưng với tập quán canh tác, sản xuất thủ công, phụ thuộc nhiều vào môi trường tự nhiên và các loại cây trồng giá trị kinh tế thấp, ước tính thu nhập trung bình của phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số chỉ khoảng 30-35 triệu đồng/năm, đời sống vì thế còn nhiều khó khăn.
Trong khi đó, các loại dược liệu có sẵn trong tự nhiên là một nguồn mang lại hiệu quả kinh tế và ổn định cuộc sống cho người dân, tuy nhiên, tốc độ khai thác thiếu kiểm soát, không khoa học đã khiến nhiều nguồn dược liệu quý ngày càng cạn kiệt. Mặt khác, hầu hết các sản phẩm dược liệu tại Kon Tum đang được khai thác, chế biến thô nên giá trị kinh tế thấp, chưa xây dựng được thương hiệu hàng hóa để tạo giá trị kinh tế theo đúng tiềm năng phát triển; do dó cần thiết phải có các dự án đầu tư phát triển dược liệu kết hợp với nghiên cứu, sản xuất, tạo thương hiệu cho sản phẩm trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Kon Tum có điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng rất thích hợp để phát triển kinh tế về nuôi trồng, phát triển các loại dược liệu quý có giá trị kinh tế cao. Nguồn nhân lực tại địa phương dồi dào cũng là nhân tố quan trọng trong việc xây xựng và phát triển vùng nguyên liệu rộng lớn tại địa phương. Để phát huy lợi thế trên, tỉnh Kon Tum đã có Đề án "Đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2030", ước tính sản lượng dược liệu sản xuất ra trong thời gian tới sẽ rất lớn, cần phải đẩy mạnh khâu chế biến, tối ưu hóa dây chuyền sản xuất để tăng giá trị.
Nắm bắt được thế mạnh và xu hướng phát triển đó, Công ty Thảo dược Tây Nguyên đã ra đời với mong muốn khai thác hơn nữa thế mạnh về nông sản, dược liệu của địa phương. Chúng tôi đã nghiên cứu và phát triển Dự án "Xây dựng chuỗi liên kết phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản phẩm OCOP đặc sản Kon Tum để phát triển kinh tế bền vững" (Dự án). Năm 2021, Thảo dược Tây Nguyên vinh dự là một trong 24 dự án xuất sắc, tiêu biểu được tôn vinh tại Lễ trao giải thưởng Phụ nữ Việt Nam và Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do Hội LHPN Việt Nam tổ chức.
+ Trên chặng đường vừa trải qua chị đã phải đối diện với những khó khăn, thử thách gì?
Quá trình xây dựng, phát triển của Thảo dược Tây nguyên gần như bắt đầu từ con số 0 tròn trĩnh. Nhưng may mắn rằng, đồng hành cùng Công ty trong quãng thời gian đầu tiên đầy khó khăn, thử thách có Hội LHPN các cấp từ Trung ương đến địa phương; đồng thời, các cơ quan, ban ngành từ huyện đến tỉnh đã thường xuyên động viên, tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp trong suốt quá trình phát triển sản phẩm, xây dựng mô hình kinh doanh, thương hiệu, tư vấn, hỗ trợ về pháp lý cũng như tìm kiếm nguồn vốn…
Vì vậy, chúng tôi đã mạnh dạn thực hiện dự định ấp ủ của mình, triển khai thành công nhiều mô hình sản xuất, mà trên hết là mô hình phụ nữ cùng liên kết sản xuất các loại sản phẩm, nông sản. Chúng tôi chủ động liên kết với bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Đăk Trăm và xã Văn Lem xây dựng vùng nguyên liệu diện tích lớn, tập trung phát triển diện tích hàng chục hec ta khổ qua rừng, sâm dây Ngọc Linh, nếp cái hoa vàng, gừng sẻ... hướng đến đạt chuẩn GACP-WHO trên nền diện tích đất vốn trồng cây nông nghiệp không mang lại nhiều giá trị kinh tế trước đây.
Bà con được tuyên truyền, hướng dẫn chuyển đổi canh tác từ các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp sang các loại cây dược liệu đang có nhu cầu cao,
+ Với những giá trị kinh tế mang lại từ dược liệu, cuộc sống của bà con, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ nghèo đã thay đổi ra sao từ khi tham gia vào Dự án?
Từ hỗ trợ của Hội LHPN các cấp, cộng với nguồn lực từ công ty, chúng tôi đã tập trung phát triển sản phẩm mới, xây dựng thêm vùng trồng, đầu tư được máy móc thiết bị, hỗ trợ giống cho bà con, thiết kế nhãn và bao bì cho sản phẩm, phát triển thành công sản phẩm mới là Trà gừng nhân sâm DATO.
Qua đó, tạo thêm được sinh kế, việc làm cho các chị em đồng bào dân tộc thiểu số tại 2 xã đặc biệt khó khăn của huyện Đăk Tô, giúp chị em phụ nữ có công ăn việc làm ổn định, phát triển kinh tế và có tiếng nói trong gia đình, nâng cao vị thế trong xã hội.
Hiện đã có 35 hộ gia đình chị em phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số với khoảng 150 lao động tham gia chuỗi liên kết cùng Công ty để xây dựng vùng nguyên liệu, thu nhập bình quân của mỗi người là 50 triệu đồng/năm. Đồng thời, Dự án cũng góp phần nâng cao giá trị của các loại dược liệu vùng Ngọc Linh, xây dựng và quảng bá đặc sản Kon Tum.
Sản phẩm được thu hái, đóng gói, bán trên thị trường tạo động lực cho chị em phụ nữ lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững
+ Thay đổi nhận thức của bà con liên kết để phát triển kinh tế từ sản phẩm bản địa, xóa đói giảm nghèo không phải là điều dễ dàng. Chị có bí quyết gì để tuyên truyền, vận động bà con tham gia dự án?
Trong năm 2022, Công ty đã hỗ trợ được 1.5 ha gừng giống cho bà con, thuyết phục các hộ gia đình dân tộc thiểu số tham gia cùng công ty chuyển đổi canh tác từ các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp, bị ảnh hưởng do dịch bệnh sang các loại cây dược liệu đang có nhu cầu cao, góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm của một số bà con đồng bào.
Qua quá trình liên kết, chúng tôi khẳng định rằng, đây là một hướng đi đúng đắn, hiệu quả, vừa mang lại lợi ích kinh tế và nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ cách làm của bà con dân tộc thiểu số, nhưng đồng thời cũng mang lại lợi ích cho công ty khi xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng, phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Và để tiếp tục thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp với đồng bào dân tộc thiểu số, tạo giá trị gia tăng và thương hiệu cho sản phẩm bản địa, chúng tôi hy vọng việc hỗ trợ những nhóm doanh nghiệp tạo tác động có liên kết với chị em phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được đẩy mạnh và nâng cao chất lượng trong thời gian tới.
Tôi tin rằng, cùng với sự đồng hành và hỗ trợ từ Hội LHPN Việt Nam và chính quyền các cấp, nhiều ý tưởng phát triển sản phẩm bản địa sẽ tiếp tục được khơi nguồn và thực hiện có hiệu quả. Nhiều phụ nữ sẽ được thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần, tiềm năng, sức sáng tạo, hăng hái lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình góp phần giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội.
+ Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!