Thị trường trong nước hứa hẹn khởi sắc khi dịch Covid-19 bước đầu được kiểm soát

Anh Quân
01/10/2021 - 18:13
Thị trường trong nước hứa hẹn khởi sắc khi dịch Covid-19 bước đầu được kiểm soát

Ảnh minh họa

Dịch Covid-19 bước đầu được kiểm soát ở một số địa phương, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ được phép hoạt động trở lại là những tín hiệu vui hứa hẹn thị trường trong nước sẽ khởi sắc trong những tháng cuối năm.

Do tác động của dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, nhất là các địa phương lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa… đã ảnh hưởng đến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chung của cả nước. 

Nhiều địa phương thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội theo Chị thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm phòng chống dịch Covid-19, các hoạt động đi lại, buôn bán hàng hóa, kinh doanh dịch vụ, vui chơi, giải trí, xúc tiến thương mại… bị hạn chế.

Thị trường trong nước ảm đạm trong 9 tháng đầu năm

Tại họp báo thường kỳ quý III của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin: Dịch Covid-19 bùng phát trở lại từ tháng 4 đến nay đã tác động tiêu cực đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Doanh thu các ngành du lịch, dịch vụ ăn uống đều giảm mạnh, người dân thắt chặt chi tiêu, nhu cầu chủ yếu chỉ tập trung vào các hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống hàng ngày. Vì vậy, 9 tháng đầu năm 2021 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.367,7 nghìn tỷ đồng, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 8,7% (cùng kỳ năm 2020 giảm 5,1%).

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng ước đạt 2779,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 82,54% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ và giảm 3,38% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 279,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,3% tổng mức và giảm 22,14% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 4,63 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,14% tổng mức và giảm 63,95% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 303,97 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,03% tổng mức và giảm 19,37% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường trong nước hứa hẹn khởi sắc dịp cuối năm 2021  - Ảnh 1.

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại từ tháng 4 đến nay đã tác động tiêu cực đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Ảnh minh họa

Thời gian vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã thường xuyên phối hợp với các bộ ngành, các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn về các vấn đề có liên quan đến lưu thông hàng hóa thiết yếu, nhằm mục tiêu trong mọi hoàn cảnh không để bị đứt, gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân, nhất là người dân trong vùng dịch.

Tuy nhiên, khi một số tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg để phòng chống dịch Covid-19, đã xuất hiện tình trạng một số địa phương còn lúng túng và thực hiện thiếu thống nhất trong việc cho phép lưu thông hàng hóa khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị.

Các giải pháp kích cầu thị trường trong nước dịp cuối năm

Thời gian tới, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu mua sắm cuối năm tăng cao sẽ giúp thúc đẩy sức mua của thị trường nội địa, tạo ra động lực tăng trưởng cho các tháng cuối năm. Cùng với đó, việc triển khai các chương trình bình ổn, kích cầu như: triển khai thực hiện Chỉ thị tổ chức đón Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2022, Kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường năm 2021 dịp Tết Dương lịch Tết Nguyên đán 2022, chương trình "Tháng khuyến mại tập trung quốc gia"... có thể giúp tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ có thể tăng khoảng 3-4% so với năm 2020 (chỉ tiêu của ngành tăng 8%). Đại diện Bộ Công Thương nhận định.

Bộ Công Thương cũng đưa ra giải pháp trong những tháng cuối năm. Cụ thể là: Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, đặc biệt vùng có dịch, ổn định cung cầu - giá cả; tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa thông suốt trên địa bàn cả nước; tạo môi trường thuận lợi cho hàng Việt Nam phát triển. Đồng thời, từng bước mở lại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, các cơ sở, hộ kinh doanh trên cơ sở đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch nhằm tạo môi trường cho kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa, từ đó thúc đẩy phát triển sản xuất. 

Bộ cũng lên kế hoạch triển khai các chương trình bình ổn, kích cầu và tăng cường các hoạt động xúc tiến, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng với các nhà phân phối, các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước ở các địa phương… để kích cầu thị trường hàng hóa trong nước những tháng cuối năm 2021. 

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm