pnvnonline@phunuvietnam.vn
“Thủ phủ” quất Tứ Liên ế ẩm vì rào chắn đường
Chỉ còn ít ngày nữa là Tết nhưng vườn quất của gia đình bà Ngô Thị Ngà vẫn ế ẩm
Sức mua giảm, giá lại thấp
Từ sáng sớm, vợ chồng anh Đinh Thích Diện - chị Nguyễn Thị Hằng đã có mặt tại vườn quất của gia đình tại Vùng 1, phường Tứ Liên, để đón khách. Thế nhưng đến quá trưa chỉ có vài người khách đến xem rồi lại đi. Vườn quất của anh Diện nằm ngay sát đường, cuối phố Tứ Liên, vị trí được đánh giá đẹp bậc nhất ở "thủ phủ" quất này nhưng vẫn vắng khách.
"Chưa năm nào ế thê thảm như năm nay. Tôi dự đoán, làng quất Tứ Liên năm nay sẽ tồn khoảng 30%-40% số cây. Các năm trước, tầm này phường Tứ Liên tấp nập người mua bán quất cảnh. Phố rộng cả chục mét nhưng thường xuyên tắc đường, còn năm nay cả con phố vắng tanh, các chủ vườn giờ như ngồi trên lửa", anh Diện cho biết.
Theo anh Diện, năm 2023, gia đình anh đã đầu tư hết 700 triệu đồng vào vườn quất 450 cây. Nguy cơ thua lỗ đang hiển hiện trước mắt khi 100 cây quất đại có giá bán từ 10 triệu đến 20 triệu đồng của gia đình anh còn hơn một nửa chưa có khách hỏi mua. Bên cạnh đó, quất chum, quất truyền thống vẫn còn nhiều.
Tuy nhiên, việc gia đình anh Diện bán được 50% số lượng cây đến thời điểm này vẫn là mừng nếu so với các vườn quất ở phía ngoài bãi xa như ở Vùng 7, phường Tứ Liên. Chị Bạch Thu Nga, chủ vườn quất Quang Nga, Vùng 7, cho biết, vườn quất của gia đình chị có 350 cây nhưng hiện mới bán được hơn 100 cây.
"Tầm này năm ngoái, gia đình tôi đã bán được 70% số cây còn năm nay, hiện mới được 30%. Thời điểm khách mua quất nhiều nhất là từ ngày 15 đến ngày 25 tháng Chạp, chúng tôi vẫn coi đây là thời điểm "vàng". Thế nhưng lượng khách năm nay ít đến bất thường, nguy cơ quất ế ẩm là rất cao", chị Nga lo lắng nói.
Cách vườn của nhà chị Nga mấy trăm mét là vườn quất của bà Ngô Thị Ngà, Chủ tịch Hội làng nghề quất cảnh truyền thống phường Tứ Liên. Bà Ngà nói rằng, trồng quất có lúc thăng lúc trầm nhưng riêng năm nay, nguy cơ "lỗ to" là khó tránh khỏi.
"Những năm trước, sau ngày lễ ông Công, ông Táo, tôi có thể thảnh thơi vì thời điểm đó khoảng 70%-80% số lượng quất đã được bán nhưng hiện tôi mới bán được 100 cây/250 cây cả vườn. Phường Tứ Liên có 500 hộ trồng quất và hầu như nhà nào cũng rơi vào cảnh ảm đạm như nhau. Quất đã ế, giá lại thấp", bà Ngà nói.
Chủ tịch Hội làng nghề quất cảnh truyền thống phường Tứ Liên cho rằng, năm nay, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên người mua giảm. Ngoài ra, mấy năm gần đây, nhiều địa phương khác cũng đã trồng được quất, dù chất lượng không thể so với Tứ Liên nhưng điều đó cũng khiến thị trường quất cảnh bão hòa, quất Tứ Liên không còn "đắt hàng" như trước.
Thế nhưng, bà Ngà cũng như nhiều hộ dân trồng quất Tứ Liên cho rằng, một trong nhưng nguyên nhân chính khiến quất năm nay bị ế là do rào chắn đường đê Âu Cơ.
"Phố Tứ Liên, tuyến đường huyết mạch để quất cảnh thông thương ra bên ngoài, đã bị rào chắn. Nhiều cửa khác dẫn ra cánh đồng quất cũng bị bịt. Người dân ở phường đi lại còn khó, khách các nơi gần như không tìm ra lối để đến các vườn quất.
Đường đê Âu Cơ dừng thi công một thời gian dài nhưng gần Tết lại bịt hết để thi công tiếp. Bán được cây quất đã khó, việc vận chuyển cũng vô cùng gian nan dù giá cước đã đội lên cao vì phải đi đường vòng", bà Ngà bức xúc.
Người dân "cầu cứu" chính quyền
Bà Hồ Nguyệt Thu, Chủ tịch Hội LHPN phường Tứ Liên, thừa nhận, thị trường quất cảnh ở phường năm nay ảm đạm. Theo bà Thu, có nhiều nguyên nhân như kinh tế khó khăn, thời tiết những ngày gần đây không thuận lợi và có cả nguyên nhân đường bị rào chắn khiến việc giao dịch mua bán quất vô cùng khó khăn.
"Rất nhiều chủ vườn lo lắng khi quất tiêu thụ chậm. Cấm đường cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc mua bán quất năm nay. Theo thông báo ban đầu, phố Tứ Liên và mấy cửa khẩu ở phường chỉ cấm từ ngày 15 đến ngày 25/1/2024 nhưng đến hôm nay vẫn chưa mở lại.
Việc rào chắn đường khiến người dân đi lại đã khó nói gì đến vận chuyển đào, quất. Có hội viên gọi điện cho tôi hỏi có cách nào để "giải cứu" quất nhưng điều đó là rất khó vì quất không như các nông sản khác. Mong những ngày tới thời tiết ấm lên, đường được mở, các chủ vườn sẽ bán được hàng", bà Thu nói.
Được biết, dự án mở rộng đường Âu Cơ - Nghi Tàm dài 3,7 km, là công trình đê điều cấp đặc biệt, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội làm chủ đầu tư, nguồn vốn 815 tỷ đồng. Tuyến đường mở rộng phía cửa ngõ Tây Bắc Thủ đô, kết nối với trung tâm hành chính Ba Đình và sân bay quốc tế Nội Bài.
Dự án nâng cấp kết cấu đê đất Hữu Hồng, phối hợp mở rộng và hạ thấp mặt đường đê thành bốn làn xe, cải tạo làn đường dân sinh hai bên. Tuy nhiên, sau gần 4 năm triển khai, dự án vẫn ngổn ngang đất đá, khung sắt và tường chắn dọc tuyến đê Âu Cơ và đã chậm tiến độ 2 năm so với dự kiến hoàn thành vào năm 2021.
Trả lời báo chí, đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cho biết, trong các năm 2020-2021, dịch Covid-19 bùng phát khiến dự án phải dừng thi công.
Đến giữa tháng 6/2023, Bộ NN&PTNT đã đề nghị thành phố Hà Nội cho dừng thi công do dự án thi công trên tuyến đê cấp đặc biệt không được đào cắt xẻ đê trong mùa mưa lũ (từ ngày 15/6 đến ngày 31/10) hàng năm; đồng thời, chủ đầu tư phải đắp trả cao độ đê sông Hồng khoảng 700m đê, vì thế, dự án phải điều chỉnh thiết kế.
Sau khi được thi công trở lại, từ ngày 15/12/2023, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã phân luồng, tổ chức giao thông phục vụ thi công cửa khẩu 124 và 236 Âu Cơ. Cụ thể, trên đường Âu Cơ đoạn từ nút giao Xuân Diệu gần khách sạn Thắng Lợi đến nút giao Xuân Diệu gần chợ hoa Quảng An sẽ tổ chức rào chắn cố định tại các vị trí cửa khẩu 124 và 236 Âu Cơ để thi công hạng mục nền mặt đường, cửa khẩu.
Ngoài ra, các ngõ 172 và 200 đi đường Âu Cơ cũng bị bịt kín. Các phương tiện phải đi vòng rất khó khăn và thường xuyên xảy ra ách tắc.
Chị Nguyễn Như Hoa sinh sống tại ngõ 200 Âu Cơ cho biết, kể từ khi ngõ bị bịt kín, người dân đi lại rất khổ sở, giờ cao điểm giao thông rơi vào cảnh hỗn loạn.
"Tôi làm ở Hà Đông và thường di chuyển bằng ô tô cá nhân. Thế nhưng, từ khi bị bịt ngõ, tôi phải đi bằng Grab nhưng hầu hết các tài xế cũng không thể tìm được đường vào để đón. Mỗi lần muốn đặt xe, tôi phải đi bộ khoảng 1km ra phố Xuân Diệu", chị Như Hoa chia sẻ.
Vào ngày cận Tết của những năm trước, dọc triền đê Âu Cơ là bạt ngàn đào, quất. Vào dịp gần Tết, chợ hoa Quảng An - chợ đầu mối cung cấp các loại hoa tươi cho Hà Nội- cũng tấp nập suốt ngày đêm. Thế nhưng năm nay, công trường đang thi công dang dở khiến đường Âu Cơ trở nên nhếch nhác, chợ hoa nổi tiếng của Thủ đô rơi vào cảnh ảm đạm.