Thúc đẩy bình đẳng giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương

18/01/2018 - 12:48
Sáng 18/1, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á -Thái Bình Dương (APPF - 26), Hội nghị Nữ nghị sĩ đã chính thức khai mạc với mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới và thịnh vượng chung trong khu vực.
nghi-si-appf-26-f.jpg
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Phiên họp nữ Nghị sỹ với chủ đề ''Thúc đẩy bình đẳng giới vì phát triển bền vững và thịnh vượng chung''

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Quốc hội Việt Nam với tư cách nước chủ nhà, đã lựa chọn chủ đề của Hội nghị Nữ nghị sĩ là "Thúc đẩy bình đẳng giới vì phát triển bền vững và thịnh vượng chung" với mong muốn tạo diễn đàn để các nữ nghị sĩ thảo luận về vai trò của nghị viện trong việc hiện thực hóa các cam kết quốc tế cũng như thể chế hóa trong luật pháp quốc gia, đồng thời đưa Hội nghị Nữ nghị sĩ, một cơ chế chưa chính thức trở thành cơ chế định kỳ của APPF thông qua việc sửa đổi quy chế hoạt động của APPF.

Tiếp nối thành công của các kỳ họp trước, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng rằng, Hội nghị Nữ nghị sĩ APPF-26 sẽ đóng góp tích cực vào các Nghị quyết, Tuyên bố chung của Diễn đàn, bảo đảm các văn kiện được thông qua đều được xem xét qua lăng kính giới, phản ánh được sự quan tâm và tiếng nói của các nữ nghị sĩ. Đồng thời, những vấn đề được bàn thảo tại đây sẽ tiếp tục được các nghị viện thành viên đề cập và lan tỏa tại các diễn đàn liên nghị viện khác như: Liên minh nghị viện thế giới… 

nghi-si-appf-26-a.jpg
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chụp ảnh với các đại biểu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, bình đẳng giới vừa là mục tiêu của sự phát triển, vừa là yếu tố nâng cao khả năng tham gia đóng góp của phụ nữ vào quá trình phát triển bền vững của quốc gia. Trong các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ vừa là mục tiêu, vừa là một phần của giải pháp để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững khác, là một yếu tố góp phần vào sự thịnh vượng của xã hội. Cũng như Việt Nam, các nước trong khu vực đã có nhiều nỗ lực song chặng đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức. Chủ tịch Quốc hội hy vọng trong thời gian diễn ra Phiên họp, các đại biểu sẽ trao đổi được nhiều thông tin và đưa ra được các đề xuất, sáng kiến nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc thúc đẩy bình đẳng giới ở mỗi quốc gia nói riêng, cũng như trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung.
ct-quoc-hoi-nguyen-thi-kim-ngan-1.jpg
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chào bà Karelova Galina Nikolaevna - Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) và bà Epifanova Olga Nikolaevna - Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Nga (Hạ viện)

Tại Hội nghị, các đại biểu đến từ các nước đã chia sẻ kinh nghiệm, những thành tựu đạt được, thách thức gặp phải trên con đường phát triển, giải pháp đặt ra để giải quyết thách thức. Các đại biểu chia sẻ, đề xuất các giải pháp khuyến khích các nữ nghị sĩ APPF tham gia sâu hơn vào các quá trình ra quyết định, cùng hành động để thúc đẩy bình đẳng giới trong quốc gia, trong khu vực, vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng chung trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

ba-truong-thi-mai.jpg
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai

Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho rằng, Nghị viện cần phải giữ vai trò then chốt ở cấp quốc gia và quốc tế, trong đó các nữ nghị sĩ có vai trò rất quan trọng. Các nữ nghị sĩ cần thực hiện vai trò đại diện, trước hết là quyền của phụ nữ, bảo vệ quyền trẻ em; thực hiện quyền lập pháp để góp phần có những thay đổi sâu rộng về quản lý, bảo đảm quyền của phụ nữ ở mỗi quốc gia. Các nữ nghị sĩ tham gia các khâu trong quy trình quyết định chính sách ở mọi cấp độ toàn cầu, khu vực, quốc gia và trên mọi lĩnh vực; tham gia quyết định ngân sách, đảm bảo ngân sách có nhạy cảm giới; giám sát thực hiện các luật có liên quan, các chính sách và quyết định những vấn đề quan trọng có liên quan đến bình đẳng giới. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm