Thực phẩm biến đổi gene: Rẻ một nửa, lo gấp đôi

18/09/2015 - 10:15
Thực phẩm biến đổi gene đang làm mưa làm gió trên thị trường nhưng loại thực phẩm này có gây tác hại hay không vẫn là một “bài toán chưa có lời giải”.

 100% đậu nành nhập khẩu là thực phẩm biến đổi gene. Ảnh minh họa


Trong khi sản phẩm biến đối gene vẫn gây tranh cãi trên thế giới về công dụng, tác hại đối với môi trường cũng như sức khỏe con người, thì tại Việt Nam, 4 loại ngô biến đổi gene đã được Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cấp phép làm thực phẩm và thức ăn gia súc vào năm 2014. Trả lời báo chí, Viện trưởng Viện di truyền Nông nghiệp Lê Huy Hàm cho biết, lượng đậu nành của nước ta phải nhập lên đến 93% nhu cầu, chỉ có 7% là sản xuất trong nước. 100% số đậu tương nhập khẩu là sản phẩm biến đổi gene.

Theo khảo sát của chúng tôi, giá thành đậu nành và ngô hữu cơ so với sản phẩm bán đại trà (biến đổi gene) có sự chênh lệch đáng kể. Theo đó, giá đậu nành đang được bày bán phổ biến ở mức 35.000 đồng/kg, trong khi giá sản phẩm này do nông dân tự trồng theo phương pháp hữu cơ lên tới 55.000 - 65.000 đồng/kg; ngô hạt nhập khẩu có giá khoảng 5.2000 đồng/kg, ngô trồng hữu cơ giá 9.000 - 12.000 đồng/kg. Tuy nhiên, để có thể phân biệt giữa sản phẩm hữu cơ và sản phẩm biến đổi gene thì không hề đơn giản, bởi hầu hết các sản phẩm được làm từ đậu nành và ngô đều không dán nhãn mác biến đổi gene GMO (Genetically Modified Organism) như quy định (tại châu Á, lượng biến đổi gene từ 5% hàm lượng trở lên phải dán nhãn, còn ở châu Âu, lượng biến đổi gene phải dán nhãn là 1%).

Chị Khánh Vân, một người tiêu dùng ngụ tại Q.Bình Thạnh (TPHCM), cho biết, những ý kiến trái chiều của các nhà chuyên môn khiến chị rất lo lắng, nhưng khi đi mua sắm, chưa bao giờ chị thấy sản phẩm nào đề cập đến yếu tố biến đổi gene trên nhãn. “Dù trong siêu thị hay ngoài chợ, tôi có tìm đỏ mắt cũng không thấy và không làm cách nào phân biệt được sản phẩm là biến đổi gene hay hữu cơ”, chị Vân băn khoăn.

Thực phẩm biến đổi gên có gây tác hại hay không là bài toán chưa có lời giải. Ảnh minh họa 


Trong nhiều năm qua, một số thực phẩm biến đổi gene đã được cho phép sử dụng tại các nước: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Austrailia, Hàn Quốc và EU. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng hạt giống biến đổi gene có nguy cơ gây hại không chỉ với sức khỏe của người dùng, mà còn phá vỡ cân bằng sinh thái và mùa màng. Thái Lan cho phép thực phẩm biến đổi gene có mặt ở thị trường nhưng truyền thông phải đưa thông tin 2 chiều để phổ biến kiến thức cho người dân. Trung Quốc mặc dù từng khuyến khích thực phẩm biến đổi gene nhưng đến nay đã phải hạn chế và ngừng nhập giống ngô biến đổi gene. Phản biện lại quan điểm này, một số nhà khoa học khác cho rằng thực phẩm biến đổi gene chính là giải pháp cho vấn nạn thiếu lương thực và đến nay chưa có bằng chứng khoa học cụ thể về tác hại của loại thực phẩm này.

Vậy nên, thực phẩm biến đổi gene có gây tác hại hay không vẫn là một “bài toán chưa có lời giải”. Theo chị Thu Loan, chủ một hộ gia đình có truyền thống sản xuất và cung cấp đậu phụ hàng chục năm qua tại Q,Thủ Đức, TPHCM, cách đơn giản nhất để tránh thực phẩm biến đổi gene là người tiêu dùng nên ăn những thực phẩm nguyên dạng và chưa qua chế biến, được dán nhãn thực phẩm hữu cơ. Ngoài ra, khi mua thức ăn trong bao gói như đồ ăn nhanh thì cần đọc kỹ thành phần sản xuất có GMO hay không; nên chọn mua thực phẩm tại những nơi uy tín và được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm