'Thượng đế' không muốn nhận quà

27/09/2015 - 16:17
Trong cuộc sống, có những sự việc ‘nhỏ xíu’ nhưng lại gây ra nỗi khó chịu, ấm ức dai dẳng. Việc sử dụng phiếu quà tặng để mua hàng là một ví dụ.

Tôi đi họp và được ban tổ chức tặng cho một xấp 5 phiếu quà tặng do một hệ thống siêu thị lớn phát hành, mỗi phiếu trị giá 100.000 đồng. Đang lúc “kẹt tiền” nên ngày hôm sau, tôi mang 2 phiếu ra cửa hàng thuộc hệ thống siêu thị nọ để mua một số món đồ tiêu dùng cho gia đình. Sau một hồi “lục soát” các kệ hàng, cuối cùng tôi tự tin bước ra quầy thu ngân để thanh toán. Khi thấy tôi cầm trên tay 2 tờ phiếu quà tặng, cô thu ngân đã “nghiêm giọng”: “Trả bằng cái thứ đó, nếu dư tiền thì không có thối lại đâu à!”. Nói là làm, tổng số các món hàng mà tôi mua hôm đó là 183.000 đồng, cô thu ngân nhận 2 phiếu quà tặng trị giá 200.000 đồng, rồi... phất tay bảo tôi cầm gói hàng đi ra, nhường chỗ cho người sau tới tính tiền! “Lần sau muốn không bị mất tiền thì hãy mua nhiều hơn giá trị của phiếu quà tặng”, cô dặn với theo.

Atx---Tucanhach.jpg

Xung quanh các loại phiếu quà tặng, có rất nhiều câu chuyện gây ‘tức anh ách’ cho khách hàng. Ảnh minh họa: internet

Tôi thực sự cảm thấy khó chịu. Trước hết là từ thái độ “khinh khỉnh” của cô thu ngân. Có lẽ, cô ấy đoán được, người mua hàng bằng phiếu quà tặng như tôi chỉ có là xài... tiền chùa, là của được cho. Chắc là theo cô ấy, thì những người xài của “được cho” không đáng coi trọng bằng những người mua bằng tiền mặt – chắc chắn là tiền do chính họ làm ra!? Thứ hai là chuyện “không thối lại tiền”. Thật ra, hơn 10.000 đồng không phải là số tiền lớn đủ để mang lại những thành kiến hay suy nghĩ tiêu cực nhưng quả thực, tôi không thể tự giải thích cho mình lý do tại sao cô thu ngân ở lại từ chối thối lại tiền thừa cho khách hàng, mặc dù phiếu mua hàng đó là do chính hệ thống siêu thị đó phát hành và bán cho khách hàng với đúng mệnh giá in trên đó. Có nghĩa, để có 1 phiếu mua hàng 100.000 đồng thì người ta cũng phải bỏ ra 100.000 đồng tiền mặt. Vậy, có thể hiểu những tờ phiếu mua hàng ấy thực ra là một loại “tiền nội bộ” dùng để thanh toán chỉ trong hệ thống siêu thị ấy, nơi đã phát hành và bán cho khách hàng. Mà như vậy thì siêu thị có trách nhiệm phải quy đổi và hoàn trả khoản tiền thừa nếu khách hàng không sử dụng hết giá trị mới phải chứ!

Nhiều người (cũng thỉnh thoảng “được” mời đi họp) cho biết, họ rất “không thích” nhận quà là những tờ phiếu quà tặng của các siêu thị A, B hay C... Họ thường tìm người nào có nhu cầu để “sang nhượng” lại, chấp nhận “chịu thiệt”. Ví dụ, “bán” 10 tờ phiếu trị giá 100.000 đồng nhưng chỉ nhận lại 900.000 đồng, hay thậm chí chỉ 800.000 đồng.

Xung quanh câu chuyện về các loại phiếu quà tặng, còn có rất nhiều câu chuyện gây “tức... anh ách” khác. Ví dụ, một siêu thị điện máy nọ tặng phiếu quà tặng trị giá 100.000 đồng cho những khách hàng mua hàng với hóa đơn từ 2 triệu đồng trở lên. Nhưng khách cầm tờ phiếu quà tặng, dạo qua dạo lại mà không biết mua gì. Bởi những món đồ rẻ nhất cũng có giá cao gấp 5-6 lần trị giá phiếu quà tặng. Chẳng lẽ, để “tiêu thụ” cho được tờ phiếu quà tặng thì cần phải bỏ ra mấy trăm ngàn tiền mặt nữa?

Đó cũng là chuyện thường gặp ở một số hiệu sách, cửa hàng ăn... Những tờ phiếu quà tặng được họ phát hành ra nhưng lại không thể sử dụng được nếu không được “nạp thêm” một khoản tiền mặt không ít.

Phát hành phiếu quà tặng kiểu này, hẳn chẳng “Thượng đế” nào muốn được nhận quà!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm