Chị Hương, nhân viên một công ty dịch vụ ở quận 1, TPHCM, nổi tiếng trong đám bạn bè là người kỹ tính, nhất là trong chuyện ăn uống. Hễ nghi dư luận nghi ngờ một sản phẩm nào không an toàn là lập tức chị “cạch mặt”, còn chỗ nào có những sản phẩm an toàn thì đắt mấy chị cũng lùng mua cho bằng được. Thế nhưng gần đây, bỗng dưng chị lại “thay tâm đổi tính”, thứ gì cũng ra chợ mua ào ào, chẳng còn lo sợ gì chuyện “an toàn” nữa.
Chỉ nhìn bằng mắt thường thì khó ai có thể phân định được đâu là thực phẩm ‘sạch’, đâu là ‘bẩn’. Ảnh minh họa: shutterstock
Có người tưởng chị Hương bị “viêm màng túi”, không có tiền mua đồ ăn “sạch” có giá cao gấp mấy lần “hàng chợ”, thì chị cười: “Tiền thì chưa hết nhưng hết… lòng tin”. Rồi chị lý giải: Lâu nay mình cứ cất công chạy theo sản phẩm này, cửa hàng nọ, chẳng qua là vì nghĩ rằng nó đảm bảo an toàn, không có hóa chất độc hại. Nhưng mới hôm rồi, mình cũng bị ngộ độc thực phẩm một trận gần chết. Đem chuyện nói với đám bạn học, tụi nó cười ầm lên: “Không có lửa sao thử được vàng? Thời buổi “vàng thau lẫn lộn” này, tốt nhất là cứ mua… “thau” cho nó rẻ, dại gì mang tiền đi mua vàng… giả!”. Nghĩ lại mới thấy lâu nay mình suy nghĩ chưa thấu đáo, cứ bị người này người kia dẫn dụ, chứ đã có ai chứng minh được những thứ sản phẩm mình thường mua là sạch, là an toàn đâu!
Trong “cơn lũ” thực phẩm “bẩn” hiện nay, thì những thứ được cho là “sạch” nhiều khi cũng chỉ là cái danh nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Bởi nếu chỉ nhìn bằng mắt thường thì chẳng ai có thể phân định được đâu là “sạch”, đâu là “bẩn”.
Gần đây, trên facebook có một chị đăng tin “cần mua thịt “sạch” cho gia đình sử dụng”, nhưng chỉ được ít ngày thì mẩu tin trên đã bị chủ nhân rút xuống. Thay vào đó là dòng chia sẻ: “Chẳng có ai chứng minh được thịt họ bán thực sự là “sạch”. Thôi thì đành chấp nhận “trời kêu ai nấy dạ”. Thực trạng này thật đáng lo ngại. Và chẳng biết đến bao giờ lòng tin của người tiêu dùng mới quay trở lại, nếu đà này vẫn cứ tiếp diễn?