pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thương ngày nắng về: Vượt lên giá trị giải trí thông thường
Thương ngày nắng về đã chính thức khép lại với con số 87 tập phim. Sau thành công của những bộ phim như Về nhà đi con, Hương vị tình thân…, Thương ngày nắng về tiếp tục ghi tên mình vào danh sách những tác phẩm đề tài gia đình hay nhất của màn ảnh nhỏ Việt Nam. Cái kết của Thương ngày nắng về có thể vẫn gây ra những tranh cãi ở đâu đó, nhưng nhìn lại hành trình mà bộ phim đã đi, chẳng ai có thể phủ nhận những giá trị mà tác phẩm mang đến.
Thương ngày nắng về - bộ phim dành cho tất cả những ai có mẹ
Thương ngày nắng về xây dựng một hình ảnh người mẹ rất đỗi bình thường như bao người mẹ ở ngoài kia, đó chính là bà Nga béo - một người mẹ cả đời tảo tần, lam lũ, vất vả, một người mẹ có lẽ sống duy nhất là chăm lo, nuôi nấng các con khôn lớn trưởng thành, để chúng có đủ cơm ăn áo mặc, được đi học bằng bạn bằng bè. Có không ít khán giả sau khi xem phim đã để lại những bình luận rằng họ nhìn thấy mẹ mình trong đó, rằng không biết bằng một cách thần kỳ nào đó mà biên kịch phim lại có thể "bê" nguyên chuyện nhà họ lên phim…
Có lẽ bởi vì bất kỳ người mẹ Việt Nam nào cũng có một phần hình bóng trong bà Nga béo. Những người mẹ luôn tất bật làm lụng; những người mẹ luôn tiết kiệm chắt chiu, thậm chí ky cóp từng đồng; những người mẹ hay phàn nàn, cằn nhằn, than vãn, đôi khi khiến đám con cái cảm thấy khó chịu; những người mẹ mà chúng ta cảm thấy phiền phức hay thậm chí bất mãn vì cách mà các mẹ thu vén, sắp xếp cuộc đời các con, như việc nhắc đứa lớn lấy chồng, bắt đứa nhỏ học trường mà chúng không thích…
Những người mẹ như bà Nga có thể chẳng bao giờ nói ra tiếng yêu con, bởi vì cả cuộc đời mẹ đã dành để chứng minh điều đó. Mẹ vẫn sẽ mắng mỏ, thậm chí đánh đòn, nhưng chẳng ai biết rằng, khi con ngã mẹ là người đau nhất, và khi đánh con thì chính bản thân mẹ cũng như đang chịu đựng đòn roi.
Con có thể thấy mẹ là một bà già lắm điều, cổ hủ, áp đặt, con mải mê vẫy vùng với cuộc sống tự do ngoài kia, nhưng những khi con tổn thương, mệt mỏi, những khi cả thế giới quay lưng lại với con, thì mẹ vẫn luôn ở đó, vỗ về, chở che rằng "có mẹ đây rồi".
Có mẹ, dường như đó là điều quá quen thuộc, đến tất yếu, đến thành bình thường, thành thói quen với mỗi người. Nên con người ta có thể ra đời lấy lòng cả thiên hạ, nhưng không bao giờ cần lấy lòng mẹ. Chúng ta mải mê tô vẽ cho cuộc sống và các mối quan hệ, để rồi thờ ơ với những thứ mà ta coi là tất nhiên ở trong đời.
Thương ngày nắng về nhắc nhở mỗi người rằng có mẹ không phải điều tất yếu. Có mẹ và còn mẹ là một điều may mắn. Hãy trân trọng, yêu thương và quan tâm mẹ khi còn có thể. Bởi mẹ sẽ luôn ở đó chờ đợi, yêu thương, chia sẻ, quan tâm các con. Tình yêu của mẹ là vô hạn, nhưng thời gian là hữu hạn.
2 tiếng gia đình thiêng liêng trong Thương ngày nắng về
Bên cạnh việc xây dựng hình tượng người mẹ giản dị, bình thường mà vĩ đại, thì Thương ngày nắng về cũng khắc ghi 2 tiếng gia đình thiêng liêng, luôn là bến đỗ bình an, ngập tràn yêu thương của mỗi người trước sóng gió cuộc đời, giống như câu hát "ngoài kia thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình".
Tất cả các nhân vật của Thương ngày nắng về, dù chính hay phụ cũng đều có một câu chuyện gắn với yếu tố tình thân, tình thương, gia đình thiêng liêng đó. Rõ nhất, có thể kể đến nữ chính Vân Trang, một cô gái xinh đẹp, giỏi giang, thành công, một cô gái bước ra ngoài có tất cả mọi thứ, nhưng không bao giờ quên đi xuất phát điểm của bản thân. Với Trang, dù làm bất cứ điều gì cô cũng đều đặt gia đình lên trên hết, dù rằng gia đình ấy với cô không phải là những người có chung máu mủ.
Người ấy cũng có thể là một nhân vật đứng giữa lằn ranh chính – tà như ông Hoàng Long, chủ tịch Hoàng Kim, người đã làm nhiều chuyện sai trái, người không từ thủ đoạn mục đích vì thứ mà ông cho là đại nghiệp. Ông Long là một con "cáo già" trên thương trường, luôn sống với phương châm không tin ai, nhưng ở một khía cạnh khác, đó cũng là người chồng vì thương nhớ vợ mình mà suy sụp, vì yêu con mình mà sẵn sàng làm điều sai với người khác. Dù rằng phải đi gần hết cuộc đời, vị chủ tịch kiêu ngạo mới khiến người khác nhận ra sự ấm áp ẩn sau trái tim băng giá, nhưng lời xin lỗi muộn màng của ông với gia đình bà Nga dẫu sao cũng đã xoa dịu trái tim người xem.
Và đọng lại ấn tượng nhất sau 87 tập phim vẫn là hình ảnh gia đình bà Nga quây quần bên nhau, có thể là khoảnh khắc bên mâm cơm nhà, khi chàng rể rơi nước mắt vì được mẹ vợ quan tâm, có thể là lúc cùng nhau cúng giỗ người bố đã khuất, hay là khi người mẹ mắc chứng Alzheimer nhân lúc minh mẫn "điểm danh" các con mình… Bất kỳ khoảnh khắc sum vầy nào cũng dễ khiến khán giả rơi nước mắt, vì hạnh phúc cùng các nhân vật, hay vì nhớ chính những khoảnh khắc sum vầy ít ỏi của gia đình mình. Đã bao lâu rồi bạn chưa về thăm nhà? Đã bao lâu rồi bạn chưa ăn một bữa cơm cùng bố mẹ? Thương ngày nắng về là một bộ phim nhắc con người ta về những khoảnh khắc ấm áp đáng giá như thế.
Đẫm đủ vị hương đắng cay ngọt bùi như chính cuộc sống
Thương ngày nắng về không phải là một tác phẩm kể những câu chuyện cổ tích. Đó là lý do có nhiều người có thể không hài lòng với một hay nhiều tình tiết trong phim. Vì đời không là cổ tích, nên Khánh đã ly dị chồng; nên bà Nga đã mắc bệnh Alzheimer sau cả một cuộc đời vất vả, lam lũ; nên Trang – Duy dù đến với nhau nhưng vẫn còn những lấn cấn vì chuyện gia đình…
Cuộc sống của chúng ta cũng vậy, luôn có những biến cố và ngã rẽ, những điều khó đoán định, những thứ chẳng vẹn tròn. Thương ngày nắng về đã chọn cách kể một câu chuyện tiệm cận với cuộc sống nhất có thể. Ở đó có một bà mẹ rất gần với mọi bà mẹ, có những gia đình rất giống với mọi gia đình, thế thì cũng sẽ có những bi kịch rất gần với nhiều bi kịch ở ngoài kia…
Và định nghĩa về sự viên mãn, đôi khi cũng rất khác dưới con mắt của mỗi người. Người ta cho rằng kết phim không viên mãn, vì Khánh – Đức vẫn không quay lại với nhau, vì bà Nga mắc căn bệnh quái ác. Nhưng ở một góc nhìn khác, Khánh lại đang tận hưởng cuộc sống mà cô cảm thấy hạnh phúc nhất bên các con mình. Cô trở thành một người phụ nữ độc lập hơn, có trách nhiệm hơn, và cũng thành công hơn.
Bà Nga mắc bệnh suy giảm trí nhớ, nhưng dù sao, bà đã sống một cuộc đời thật đẹp. Bà vẫn luôn tỉnh táo vào những lúc cần tỉnh táo nhất, đủ để chứng kiến những khoảnh khắc hạnh phúc, thành công của các con. Bà đã đạt được ước mơ của cuộc đời mình, đó là sống và chứng kiến ước mơ của các con trở thành hiện thực. Với một người mẹ như bà, chẳng còn điều gì viên mãn hơn thế.
Trong những trang nhật ký cuối cùng bà Nga viết cho người chồng quá cố, bà đã nói rằng mình cũng chẳng biết viết gì nữa. Không còn những tâm sự, chẳng còn những khúc mắc, những lo lắng cần giãi bày, với bà Nga, ấy đã là một cuộc đời trọn vẹn. Cuộc đời bà, có thể không viên mãn theo góc nhìn của người ngoài cuộc, nhưng đã quá đủ đầy với góc nhìn của chính chủ nhân.
Câu chuyện của bà Nga, cũng là để mỗi khán giả soi chiếu và nhắc nhở bản thân hãy trân quý hơn quãng thời gian ít ỏi được ở bên người thân, gia đình, hãy cùng nhau tạo ra nhiều kỷ niệm đẹp khi còn có thể, hãy tranh thủ yêu thương và nói lời yêu thương lúc còn minh mẫn khỏe mạnh.
Thương ngày nắng về, nhận xét ngắn gọn là một bộ phim đẹp. Đó là bộ phim về tình yêu, tình thương, tình thân, tình người. Chữ tình ấm áp xuyên suốt tác phẩm ấy đã khiến bộ phim vượt lên trên giá trị giải trí thông thường. Nó đã trở thành tác phẩm để gắn kết, để nhìn lại, để mỗi người tự soi bản thân mình. Người xem Thương ngày nắng về thấy yêu gia đình hơn, biết ơn cha mẹ hơn, và trân trọng quỹ thời gian ít ỏi bên người thân yêu nhiều hơn… Đó là những giá trị mà có lẽ bất cứ tác phẩm nào cũng hướng tới.