pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thưởng tết bằng hiện vật có làm đảo lộn chi tiêu gia đình?
Nếu thưởng hiện vật, bấm dụng chi tiêu nửa năm để lo Tết
Ngày tết, người lao động mong muốn hai điều là được trở về đoàn viên bên gia đình và có một khoản thưởng tết kha khá để sắm sửa, chi tiêu cho kỳ nghỉ dài. Thậm chí, đối với nhiều người, khoản thưởng tết đóng vai trò rất lớn trong tổng thu nhập cả năm của họ, ít thì cũng bằng một tháng lương (tháng lương thứ 13) nhiều thì cũng đủ tiêu trong mấy tháng.
Đối với người Việt Nam, tết còn là sự thể hiện đạo hiếu, là sự bắt đầu cho cả một năm nên thứ gì cũng cần mới và đầy đủ. Từ việc chuẩn bị đồ lễ tết, chúc tết hai bên nội ngoại, chuẩn bị tiền mừng tuổi con cháu, ông bà đã phải mất đến dăm triệu, chưa kể đến "ngày 30 tết thịt treo trong nhà', dẫu có nghèo đến đâu ngày tết cũng phải mâm cao cỗ đầy, khách đến nhà phải đầy đủ thứ tiếp như rượu, cà phê, bánh kẹo, mứt, hoa quả….và đặc biệt là quần áo mới cho các con cũng phải tiêu tốn đến cả chục triệu.
Nếu giờ như tiền thưởng được quy hết sang hàng hóa, mọi chi tiêu sẽ phải cắt giảm vì chẳng ai lại mang được hết chỗ hàng hóa đó đi bán tháo lấy tiền được. Chưa kể đó là các hàng hóa cồng kềnh, không thiết yếu hoặc mua ở đâu cũng được người lao động lại còn mất phí để chuyển về quê, hoặc cho mà chẳng ai lấy như xi-măng, gạch, thuốc men, đồ gỗ…
Chị Nguyễn Thị Tính (45 tuổi, Hà Nam), thợ may tại một công ty may áo dài cho biết, mỗi bộ áo dài của công ty chị giá từ 5 đến 7 triệu. Chị là công nhân ở quê còn làm ruộng. Công ty mà thưởng áo dài thay tiền mặt thì chẳng bao giờ mặc đến, đem bán vội thì lại không được giá. Nếu năm sau mà thế thật có lẽ phải bấm bụng chi tiêu từ giữa năm để lo Tết.
Doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ khi thưởng Tết bằng hiện vật
Việc không có tiền thưởng tết chắc chắn sẽ làm đảo lộn chi tiêu ngày tết, đặc biệt với những người tay hòm chìa khóa, quản lý tài chính trong nhà. Trước tết cũng lo mà sau tết cũng lo.
"Doanh nghiệp có thể thưởng hiện vật nhưng không nên quá 50% giá trị thưởng tết, ngoài ra hiện vật nên để cho người lao động lựa chọn, thỏa thuận, không nên cưỡng ép để tạo ra niềm vui cho cả hai bên".
ThS. Hoàng Bảo Ngọc, giảng viên Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội
Theo ThS. Hoàng Bảo Ngọc, giảng viên Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội, thói quen tiêu dùng ngày tết của người Việt đã được hình thành suốt chiều dài lịch sử. Nhiều nhà "tết mới dám mua, tết mới dám mặc" mà nay không có tiền thì mua làm sao được. Nếu doanh nghiệp thưởng hàng hóa cho người lao động sẽ tạo nên tâm lý đi "thanh lý" hàng hộ doanh nghiệp, từ đó làm người lao động giảm nhiệt huyết cống hiến. Vì vậy, dù luật quy định những doanh nghiệp cần có nghiên cứu kỹ hơn về thưởng tết bằng hiện vật cho người lao động.
Chị Nguyễn Thị Thảo (41 tuổi, thị xã Sơn Tây) chia sẻ, công ty chị làm là công ty mỹ phẩm, những năm trước công ty còn nhiều hàng thường thưởng cho nhân viên về dùng nhưng chỉ là thưởng thêm, chính vẫn là tiền mặt. Như năm ngoái, mấy thùng xà phòng, kem rửa mặt cả nhà chị dùng, đem cho họ hàng cả một năm chưa dùng hết. Bình quân, tết gia đình chị tiêu hết khoảng 20 triệu đồng trong khi tiền lương tháng của hai vợ chồng chị chỉ được khoảng 15 triệu đồng. Nếu không có tiền thưởng Tết thì việc chi tiêu sẽ rất căng.