Tiền chậm đóng BHXH trong khối doanh nghiệp nhà nước tăng nhanh

PV
01/07/2021 - 10:20
Tiền chậm đóng BHXH trong khối doanh nghiệp nhà nước tăng nhanh

Hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về BHXH tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa BHXH

Tại hội nghị thẩm tra Báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong năm 2020, tình hình chậm đóng BHXH tiếp tục gia tăng. Trong đó, số tiền chậm đóng BHXH ở khu vực doanh nghiệp nhà nước gia tăng rất nhanh, với số tiền chậm đóng là 1.161 tỷ đồng, tăng hơn 50% so với năm 2019.

Mới đây, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tiến hành thẩm tra Báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2020. 

Báo cáo tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên trong năm 2020, số người tham gia BHXH bắt buộc bị giảm so với năm trước. Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương nên kết quả phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp tiếp tục giữ được đà tăng, đặc biệt phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đã đạt 1,1 triệu người chiếm hơn 2% lực lượng lao động trong độ tuổi - vượt chỉ tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Theo Báo cáo của Chính phủ, trong năm 2020, tình hình chậm đóng BHXH tiếp tục gia tăng. Đến 31/12/2020, tổng số tiền chậm đóng BHXH bắt buộc là 11.666 tỷ đồng, tăng 1.566 tỷ đồng so với năm 2019, tương đương mức tăng 15,5% so với năm 2019, chiếm 4,2% số phải thu (nợ lãi 3.017 tỷ đồng).

Xét riêng với từng khu vực, theo ông Nguyễn Bá Hoan, năm 2020 ghi nhận sự gia tăng nhanh số tiền chậm đóng BHXH ở khu vực doanh nghiệp nhà nước, với số tiền chậm đóng là 1.161 tỷ đồng, tăng hơn 50% so với năm 2019. Phân tích theo thời gian chậm đóng thì số chậm đóng tập trung ở nhóm từ 1 tháng đến dưới 6 tháng với tỷ trọng 18,81%; nhóm chậm đóng từ 3 năm trở lên với tỷ trọng 34,4% và lãi chậm đóng với tỷ trọng 25,86%. Trong nhóm chậm từ 3 năm trở lên thì chủ yếu là chậm đóng từ 4 năm, 5 năm trở lên với tỷ trọng 92,12%, ông Hoan cho biết.

Xét theo tỷ trọng giữa các khu vực, thì khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh đang có tỷ lệ chậm đóng BHXH cao nhất, chiếm tới 71,06% tổng số tiền chậm đóng (chậm đóng BHXH 6.146 tỷ đồng, tăng 14,69% so với năm 2019). Ngược lại, khu vực hành chính sự nghiệp có tỷ lệ chậm đóng BHXH chiếm 2,83% tổng số tiền chậm đóng. Qua đó cho thấy mức độ ảnh hưởng của từng khu vực trước sự tác động của đại dịch Covid-19 và việc tuân thủ thực hiện các quy định về đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động.

Tiền chậm đóng BHXH trong khối doanh nghiệp nhà nước tăng nhanh - Ảnh 1.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại phiên họp

Tại Phiên họp, ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết, năm 2020 số nợ BHXH bắt buộc là 11.660 tỷ đồng, tăng so với 2019 và số nợ phải tính lãi lên đến 3.017 tỷ - đây là điều đáng báo động. Do đó, trong tổng số nợ BHXH này sẽ phân ra nhiều loại nợ nên Chính phủ cần phân rõ từng loại nợ BHXH ra, loại nợ BHXH nào do chây ỳ, nợ BHXH nào do ảnh hưởng dịch Covid-19 (nợ trước và sau dịch), nợ của khối doanh nghiệp phá sản, giải thể... để có giải pháp phù hợp.

Phát biểu tại phiên họp, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết: Trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh như vậy, số thu tăng là do cơ quan BHXH đã quyết liệt trong công tác thu hồi nợ BHXH; tăng cường thanh kiểm tra, giám sát ngay từ khi chưa phát sinh số nợ; cán bộ BHXH các cấp đã chủ động đôn đốc thu hồi nợ tại các đơn vị phát sinh. Đặc biệt, nhờ ứng dụng CNTT, nhất là từ khi triển khai BHXH số VssID, người lao động tự giám sát quá trình đóng của chủ sử dụng lao động nên đã phát hiện đơn vị nợ BHXH và đã thu hồi được hàng tỷ đồng do người lao động giám sát, cùng cơ quan BHXH đòi nợ BHXH (mỗi đơn vị vài tỷ đồng). 

Bên cạnh đó, từ việc phân loại nợ, BHXH Việt Nam phân tích các đối tượng nợ; trong số đó, có trên 1.200 tỷ là nợ của các doanh nghiệp đã phá sản, giải thể và đồng thời không có địa chỉ kinh doanh, cần có phương án đòi nợ hiệu quả. Đồng thời, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để xây dựng các tiêu chí nợ, nợ chây ỳ trốn đóng để có cảnh báo, phân tích đôn đốc kiến nghị và vẫn đảm bảo theo Chỉ thị của Thủ tướng…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm