Tiền rơi vào bẫy còn đòi được không

08/04/2016 - 12:50
Điều mà nhiều nạn nhân trong vụ hơn 80 phụ nữ Việt bị 2 đối tượng người Nigeria lừa đảo khoảng 10 tỷ đồng quan tâm là có thu lại được tài sản đã bị chiếm đoạt? Theo một cán bộ điều tra, số tiền đòi lại được sẽ không đầy đủ, thậm chí có người mất trắng.
Các đối tượng Micheal IkeChukwu Leonard (44 tuổi, quốc tịch Nigieria cầm đầu), Huỳnh Hạ Bình (26 tuổi); Huỳnh Hạ Uyển (24 tuổi) và Nguyễn Trần Quỳnh Nhi (25 tuổi, cùng ngụ TP.HCM) bị bắt ngày 6/4 về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Điều tra ban đầu cho thấy: Từ đầu năm 2015 đến khi bị bắt, nhóm này đã thực hiện hàng trăm vụ lừa đảo các phụ nữ từ Bắc chí Nam qua mạng internet, chiếm đoạt hơn 20 tỷ đồng.  Ảnh: cơ quan điều tra cung cấp

Trao đổi với Báo PNVN, một cán bộ điều tra cho biết: Về nguyên tắc, tang chứng, vật chứng, tài sản phạm tội có được sẽ được cơ quan công an điều tra, thu thập kịp thời, đầy đủ, được mô tả đúng thực trạng vào biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án. Tất cả đều phải được niêm phong, bảo quản theo quy định của pháp luật để bàn giao cho Tòa án xét xử.

- Các nạn nhân bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản cần viết đơn tố cáo, trình báo tới cơ quan công an để bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình.

- Có các bằng chứng, chứng cứ, ví dụ như: quá trình đối tượng kết bạn, tin nhắn làm quen, việc mình chuyển khoản tiền qua ngân hàng, chủ tài khoản nhận tiền, hóa đơn, chứng từ giao dịch… để quá trình điều tra về hành vi lừa đảo được làm rõ ràng và có sức thuyết phục hơn khi ra Tòa án giải quyết theo đúng pháp luật.

Bên cạnh đó, một vị thẩm phán cũng đã chia sẻ: Qua thực tế xét xử nhiều vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhóm đối tượng người nước ngoài qua mạng xã hội, thì Tòa án sẽ nghiên cứu kỹ các hồ sơ, tư liệu, chứng cứ, quan hệ giao dịch, yêu cầu bồi thường của nạn nhân và quan trọng nhất là việc thu hồi tài sản đã bị các bị cáo chiếm đoạt để có hướng xử lý theo từng tình huống cụ thể.

Nếu vụ án có nhiều nạn nhân cùng bị lừa thì số tài sản thu hồi được sẽ sử dụng để hoàn trả cho bị hại. Việc bồi thường, hoàn trả được tính tùy theo tỉ lệ phần trăm số tiền can phạm đã chiếm đoạt của từng bị hại.

 Ảnh minh họa

Theo tìm hiểu của PV, trong vụ án hơn 80 phụ nữ Việt bị lừa “tình - tiền” vừa xảy ra, tính tới thời điểm tại, số bị hại tới cơ quan điều tra trình báo, cung cấp thông tin là chưa nhiều bởi những lý do khách quan lẫn chủ quan. Bởi vậy, điều này cũng gây khó khăn, trở ngại trong quá trình thu thập chứng cứ, tư liệu, số lượng bị hại cụ thể, số tiền chiếm đoạt… để bàn giao cho Tòa án xử lý.

Vị cán bộ điều tra cho biết: Khả năng các nạn nhân lấy lại được khoản tiền bị lừa là có thể. Tuy nhiên, chắc chắn rằng số tiền bị chiếm đoạt sẽ không thể hoàn trả đầy đủ được. Thậm chí, có trường hợp đành chấp nhận mất trắng bởi khả năng đòi được là không cao khi các bị cáo người nước ngoài đã ranh mãnh, tìm đủ mọi cách để có thể tẩu tán số tiền đã chiếm đoạt.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm