Tiến sĩ Lương Bạch Vân: "18 năm ở Pháp, lúc nào cũng đau đáu nghĩ về Việt Nam"

TIẾN SĨ LƯƠNG BẠCH VÂN: "18 NĂM Ở PHÁP, LÚC NÀO CŨNG ĐAU ĐÁU NGHĨ VỀ VIỆT NAM"

Suốt 18 năm ở Pháp nhưng lúc nào Tiến sĩ Lương Bạch Vân cũng đau đáu nghĩ về Việt Nam, mong muốn được làm điều gì đó đóng góp cho đất nước.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Tiến sĩ Lương Bạch Vân - nguyên Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM, có cuộc trò chuyện với PV Báo Phụ nữ Việt Nam về hành trình "ra đi là để trở về", đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước.

+ Bà có thể chia sẻ về tuổi thơ của mình, lúc ở Sài Gòn?

Tiến sĩ Lương Bạch Vân: Tôi sinh năm 1946 tại Sài Gòn. Cha tôi là biệt động thành. Khi tôi chưa đầy năm thì ông bị bắt khi đang cố gắng về nhà để gặp con gái kể từ khi tôi chào đời.

Khi tôi biết nhận xét, quan sát và ghi nhớ những thứ xung quanh thì lúc này tôi đang ở trong cô nhi viện. Mẹ tôi, vì phải đi làm quản gia cho một gia đình người Pháp nên không thể đưa tôi đi cùng. Thi thoảng, tôi được về nhà ngoại chơi và gặp mẹ. Trong một lần, mẹ nói với tôi rằng bà sẽ đi Pháp.

Sau đó, tôi chuyển ra khỏi cô nhi viện, khi thì ở nhờ nhà cậu, lúc thì ở nhà dì bên ngoại. Cũng vì thế mà việc học không được liên tục. Cuối cùng, tôi về ở với bà nội gần chợ Bà Chiểu. Nhà nội nghèo, bà sống bằng nghề dệt chiếu và nhiều nghề khác. Sáng sáng, tôi dậy sớm chạy ra chợ Bà Chiểu mua giá để bà đổ bánh cuốn bán, buổi chiều thì phải xay bột bằng cối đá. Có khi lại được bà giao cho ít khoai, bắp đựng trong chiếc mẹt để đi bán.

Tôi vừa phụ bà, vừa đi học và may mắn được cô giáo chỉ dẫn, kèm cặp rất nhiều. Nhờ vậy mà lực học ngày một tốt hơn.

+ Vậy điều gì đã khiến bà rời Sài Gòn để qua Pháp?

Ban đầu, thú thực tôi không muốn đi vì có nhiều lo lắng, trăn trở. Nhưng sau đó, bà nội đi coi bói và họ nói rằng sau khi bị bắt, cha tôi đã thoát được và đã ra miền Bắc. Do đó, bà nói, nếu được sang Pháp thì tôi sẽ có cơ hội liên lạc với miền Bắc để tìm thông tin về cha, biết đâu cha con lại được gặp nhau. Đây cũng là động lực để tôi quyết định đi.

Phần nữa, nội cũng muốn tôi đi để có điều kiện học tập, có cuộc sống tốt hơn.

Tiến sĩ Lương Bạch Vân: "18 năm ở Pháp, lúc nào cũng đau đáu nghĩ về Việt Nam"- Ảnh 1.

Theo Tiến sĩ Lương Bạch Vân, cuộc sống của người dân ngày càng được nâng lên, vị thế của Việt Nam ngày càng lớn, kể cả trong khu vực và thế giới. Ảnh: Đình Hưng

+ Cuộc sống trên đất Pháp của bà đã trôi qua như thế nào?

Tôi đặt chân sang đất Pháp lúc 14 tuổi. Thời gian đầu, tôi làm việc trong nhà hàng của mẹ, chăm sóc 2 em cùng mẹ khác cha.

Khi tôi sang Pháp được chừng 15 ngày thì mẹ bảo sẽ đưa tôi đi làm thủ tục để nhập quốc tịch Pháp, ổn định cuộc sống. Lúc này, tôi có nói với mẹ là con sẽ về Việt Nam nên xin mẹ được giữ quốc tịch Việt Nam và xin được đi học trung học ở Pháp.

Đang học chương trình Việt, lại chưa biết tiếng Pháp nên thời gian đầu, việc học của tôi gặp không ít khó khăn. Tôi may mắn được 2 cô giáo rất quý, một người dạy tiếng Pháp và một người dạy tiếng Anh, đã hỗ trợ và giúp đỡ tôi rất nhiều.

Cũng có lúc mẹ tôi bực bội vì việc tôi không chịu nhập quốc tịch Pháp, bởi không ít lần vì việc này mà chúng tôi gặp phải những khó khăn, phiền phức trong cuộc sống.

"Trong suốt 18 năm ở Pháp, lúc nào quê hương Việt Nam cũng ở trong trái tim, tâm trí tôi".

Tiến sĩ Lương Bạch Vân

Cũng thời điểm này, tôi tham gia vào trại hè của Liên hiệp sinh viên Việt Nam tại Pháp. Đây cũng là bước ngoặt trong cuộc đời tôi, bởi ở trại hè, tôi được nghe những thông tin về miền Bắc, về Chính phủ cách mạng lâm thời, Mặt trận dân tộc giải phóng.

Tiến sĩ Lương Bạch Vân: "18 năm ở Pháp, lúc nào cũng đau đáu nghĩ về Việt Nam"- Ảnh 2.

Kiều bào Pháp đón Đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam sang Pháp (bà Lương Bạch Vân đứng thứ 2, hàng đầu, từ phải qua). Ảnh: NVCC

Lúc bấy giờ, phong trào Việt kiều ở Pháp rất mạnh mẽ. Chúng tôi tổ chức các cuộc mít-tinh, văn nghệ để tuyên truyền về cuộc chiến tranh chính nghĩa của Việt Nam. Tôi cũng tham gia vào đội văn nghệ. Tôi đã rất xúc động khi lần đầu được nghe ca khúc "Bình Trị Thiên khói lửa". Cứ như thế, theo thời gian, ý thức cách mạng, tình yêu nước trong tôi càng lớn hơn, tôi dấn thân hơn.

Năm 19 tuổi, tôi không ở cùng mẹ nữa mà ra ngoài để thuận lợi hơn cho việc học. Tôi không thể nào vừa làm việc ở nhà hàng của mẹ, vừa trông các em, lại vừa học khi chương trình ngày càng nặng. Đến năm 21 tuổi, tôi lập gia đình và sống ở Paris, vào đại học, quyết tâm học cao hơn.

+ Nghĩa là lúc nào bà cũng nghĩ về Việt Nam và khao khát được trở về?

Đúng như vậy. Tôi theo dõi, nắm bắt tình hình trong nước bằng cách nghe đài, đọc báo, theo dõi tình hình dư luận. Điều này cũng giúp nhớ từng cột mốc, sự kiện quan trọng của đất nước. Trong thời gian Hội nghị Paris về Việt Nam, chúng tôi được phép liên lạc với hai phái đoàn ngoại giao Việt Nam nên thường xuyên theo dõi tình hình quê nhà.

Phải nói rằng, trong suốt 18 năm ở Pháp, lúc nào quê hương Việt Nam cũng ở trong trái tim, tâm trí tôi.

Tiến sĩ Lương Bạch Vân: "18 năm ở Pháp, lúc nào cũng đau đáu nghĩ về Việt Nam"- Ảnh 3.

Tiến sĩ Lương Bạch Vân cùng bác sĩ Dương Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế TPHCM - thời điểm qua Phần Lan chuẩn bị triển khai nhà máy sản xuất vòng tránh thai. Ảnh: NVCC

Để đóng góp cho đất nước, đại diện phong trào sinh viên tại Việt Nam kêu gọi lập "Quỹ vì Tổ quốc" để gửi về ủng hộ phong trào cách mạng trong nước. Để có tiền đóng quỹ, chúng tôi tổ chức nhiều hoạt động như cuốn chả để bán, rồi bán áo thun có in chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, hình em bé đội mũ rơm kèm dòng chữ "Thắng giặc Mỹ, em sẽ xây dựng đất nước đẹp hơn mười lần nay". Chúng tôi còn đi xin thuốc men, dụng cụ y tế để gửi về miền Bắc.

Hoạt động nhiều và liên tục là vậy nhưng sinh viên Việt Nam luôn động viên, hỗ trợ nhau trong việc học, cố gắng tích lũy kiến thức. Vợ chồng chúng tôi cũng xác định sẽ về Việt Nam, làm đơn tình nguyện, lúc nào đất nước cần thì mình về ngay.

Đến năm 1974 thì tôi hoàn thành luận án tiến sĩ, lĩnh vực hóa học cao phân tử. Tôi được thầy giới thiệu vào làm việc tại một trung tâm nghiên cứu về vật liệu sinh học y tế - nơi làm những loại gân, da nhân tạo để điều trị cho thương bệnh binh. Vì một số lý do, nhất là sự an toàn tối đa khi can thiệp vào cơ thể người nên phía trung tâm đề nghị tôi phải bổ sung thêm giấy cam kết sẽ xin nhập quốc tịch Pháp. Tôi không chấp nhận lời đề nghị này và thế là phải đi tìm công việc ở nơi khác.

+ Bà có nói là ở Pháp 18 năm, như vậy là sau ngày đất nước thống nhất thì bà về nước?

Ngày 30/4/1975, khi nghe tin đất nước thống nhất, chúng tôi ai cũng vui mừng khôn xiết. Lúc đó, tôi không biết là mình đang mơ hay tỉnh vì niềm vui chiến thắng quá lớn.

Ngày hôm sau là Ngày Quốc tế Lao động (1/5), nhân dịp này, người Việt Nam cũng xuống đường ăn mừng, mọi người cùng chúc mừng đất nước thống nhất, ai cũng rạng rỡ.

Năm 1976, tôi vinh dự được tham gia phái đoàn Việt kiều về dự kỳ họp Quốc hội đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất. Sau kỳ họp, tôi cùng nhiều người khác được vào miền Nam để thăm nhà. Đoàn được bố trí xe đi đường bộ vào. Trên đường từ Hà Nội vào TPHCM, tôi càng hiểu, thấm thía những khó khăn của đất nước sau chiến tranh. Đó là hình ảnh của những chiếc cầu, đường xá bị bom đạn cày xới, phá nát. Chuyến đi này càng khiến tôi hiểu hơn về sự tàn phá của chiến tranh và cả những hy sinh, mất mát. Tôi càng nung nấu ý chí về nước để làm điều gì đó.

Tiến sĩ Lương Bạch Vân: "18 năm ở Pháp, lúc nào cũng đau đáu nghĩ về Việt Nam"- Ảnh 4.
Tiến sĩ Lương Bạch Vân: "18 năm ở Pháp, lúc nào cũng đau đáu nghĩ về Việt Nam"- Ảnh 5.
Tiến sĩ Lương Bạch Vân: "18 năm ở Pháp, lúc nào cũng đau đáu nghĩ về Việt Nam"- Ảnh 6.

Tiến sĩ Lương Bạch Vân có nhiều hoạt động, công trình nghiên cứu góp sức vào sự phát triển của đất nước sau khi đất nước thống nhất. Ảnh: NVCC

Quay trở lại Pháp, tôi và chồng thống nhất cần nhanh chóng về nước và dùng phần lớn số tiền có được để mua tài liệu chuẩn bị đem về. Năm 1978, tôi cùng chồng và 3 đứa con đi tàu hỏa về Việt Nam cùng gia tài là 40 chiếc rương đựng tài liệu và hàng chục nghiên cứu khoa học với tinh thần là tình nguyện làm bất cứ việc gì, bất cứ ở đâu để đóng góp cho quê nhà.

Khi cả nhà đặt chân lên mảnh đất quê hương thì ai cũng thực sự rất xúc động.

+ Khi về nước thì bà làm công việc gì, có gặp nhiều khó khăn không?

Trở về nước, tôi được phân công làm việc tại Nhà máy Z181, Viện Kỹ thuật Quân sự (Bộ Quốc phòng) ở Hà Nội. Cũng quãng thời gian này, thì tôi biết được cha đã hy sinh.

Dù khó khăn là điều đã lường trước, biết trước nhưng phải nói là rất lớn. Chúng tôi phải tự xây phòng thí nghiệm, xắn tay vào làm tất cả mọi việc. Trong nghiên cứu thì gặp không ít khó khăn vì thiếu nguyên liệu, hóa chất, kinh phí eo hẹp. Nhưng chúng tôi cố gắng khắc phục, thích nghi với cuộc sống mới. Chúng tôi không nề hà bất cứ điều gì và cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Sau khi tôi về được chừng 1 năm thì mẹ tôi về nước. Bà ra Hà Nội xem chúng tôi sống như thế nào. Mẹ nói không hiểu tại sao tôi có thể sống được trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn như vậy. Chỉ một cục xà bông mà vừa tắm gội, rửa chén, giặt đồ…. Mặc dù trước khi về, tôi đã chuẩn bị tâm lý nhưng thực sự cũng bị hẫng, khó khăn lắm.

Đến 1983, vì lý do sức khỏe nên gia đình chuyển vào TPHCM và có quãng thời gian làm ở Viện Kỹ thuật nhiệt đới, rồi sau đó chuyển sang làm việc ở Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM.

+ Được biết, trong quá trình làm việc, bà đã có nhiều nghiên cứu và đóng góp rất quan trọng. Bà có đặc biệt ấn tượng với công trình nào không?

Có lẽ đó là công trình làm vòng tránh thai. Trước khi về nước, tôi đã nghĩ đến việc nghiên cứu làm vòng tránh thai vì nghĩ rằng, khi đất nước hòa bình, ai cũng mong có con, nếu không có công cụ để phòng tránh thì việc sinh quá nhiều con trong bối cảnh đất nước còn khó khăn sẽ khiến cho tình hình thêm khó.

Giai đoạn năm 1985 -1986, tôi cùng cộng sự xây dựng Nhà máy sản xuất vòng tránh thai cho phụ nữ, theo mẫu vòng Dana (Tiệp Khắc) do hệ thống y tế trong nước đã quen sử dụng loại vòng này.

Tiến sĩ Lương Bạch Vân là 1 trong s60 gương mặt tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển TPHCM (1975-2025). Đây là những người có thành tích đặc biệt xuất sắc, có nhiều cống hiến, đóng góp cho cộng đồng, xã hội trên các ngành, lĩnh vực trong chặng đường 50 năm xây dựng, bảo vệ và phát triển Thành phố.

Được sự chỉ đạo của TS. Dương Quang Trung, lúc đó là Giám đốc Sở Y tế TPHCM, quy trình sản xuất được sự phối hợp của nhiều đơn vị: thử nghiệm sinh học trên động vật gồm chó, thỏ, mèo, chuột do Viện Pasteur TPHCM thực hiện. Kiểm tra các tính năng cơ, lý, hóa, độ đàn hồi của vật liệu do Trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 phụ trách. Khâu tiệt trùng vòng tránh thai bằng tia xạ gamma do Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt thực hiện. Bệnh viện phụ sản Từ Dũ và Bệnh viện phụ sản Hùng Vương là 2 đơn vị phụ trách thử nghiệm lâm sàng trên người.

Tiến sĩ Lương Bạch Vân: "18 năm ở Pháp, lúc nào cũng đau đáu nghĩ về Việt Nam"- Ảnh 7.

TS Lương Bạch Vân (bìa trái) tại hội thảo về chương trình nước sạch nông thôn bể chứa xử lý nước dung tích lớn vật liệu composite Cần Thơ năm 1997. Ảnh: NVCC

Trong quá trình sản xuất phải qua nhiều giai đoạn: bắt đầu làm 50 vòng, sau lên 500, rồi 1.000, tăng đến 100.000 vòng... Tổng cộng, đã cung cấp 5 triệu vòng tránh thai phân phối trong cả nước. Kết quả này giúp TPHCM và toàn quốc thực hiện chương trình kế hoạch hóa dân số.

Lúc bấy giờ, các chuyên gia của Liên hiệp quốc khi đến Việt Nam cũng bày tỏ sự ngạc nhiên khi chúng ta có thể sản xuất được vòng tránh thai đạt chuẩn trong điều kiện khó khăn về kinh tế, kỹ thuật như vậy.

Một lần khác, tôi được ông Mai Chí Thọ - Chủ tịch UBND TPHCM - đặt hàng nghiên cứu sản xuất các sản phẩm bằng composite phục vụ đời sống. Từ đó, những chiếc xuồng ba lá, ghe tam bản, bồn chứa nước bằng composite được sản xuất hàng loạt, cung cấp cho nông dân. 

Tôi cũng lặn lội đến các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long giúp người dân làm màng địa chất nuôi tôm, đi lên Tây Nguyên nghiên cứu làm túi chứa nước phục vụ trong mùa khô cho đồng bào vùng cao.

+ Sau khi nghỉ hưu, bà có thời gian dài gắn bó với công tác kiều bào. Cảm nhận của bà thế nào về những đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài đối với đất nước?

Phải nhắc lại một chút, vào năm 1977, khi còn ở Pháp, tôi được giao vận động thành lập Hội Hóa học Việt Nam tại Pháp, rồi tổ chức Hội nghị Hội Hóa học Việt Nam tại Pháp lần thứ nhất.

Tiến sĩ Lương Bạch Vân: "18 năm ở Pháp, lúc nào cũng đau đáu nghĩ về Việt Nam"- Ảnh 8.

Tiến sĩ Lương Bạch Vân hạnh phúc khi đã được tham gia, đóng góp công sức nhỏ bé vào sự phát triển của đất nước. Ảnh: Đình Hưng

Cũng nhờ điều này mà sau khi về nước, tôi đã được sự hậu thuẫn rất lớn từ các anh chị, bạn bè khi gặp khó khăn. Trong quá trình nghiên cứu, làm việc, nếu thiếu tài liệu, vật liệu thì lực lượng các nhà khoa học kỹ thuật ngành hóa tại Pháp sẵn sàng hỗ trợ, gửi về. Tôi rất biết ơn vì trong suốt chặng đường mình đi đã nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ nhiệt thành của các cộng sự.

Năm 2001 tôi nghỉ hưu, rồi tham gia công tác Mặt trận Tổ quốc, được giao công tác đối ngoại nhân dân và công tác kiều bào. Tôi biết ơn lãnh đạo Thành phố, cảm ơn Mặt trận Tổ quốc đã tin tưởng, giao công việc và tạo điều kiện để tôi thực hiện nhiệm vụ này.

Tôi đã sống hết mình, phát huy hết tất cả những kinh nghiệm đã tích lũy được để công tác Việt kiều được tốt, hiệu quả nhất. Tôi nghĩ rằng, không thể nào đong đếm được hết những đóng góp của kiều bào đối với đất nước mình. Gần như trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng có sự đóng góp của kiều bào. Có những người đóng góp, cống hiến rất thầm lặng.

+ Bên cạnh tình yêu nước, liệu còn điều gì giúp bà toàn âm toàn ý cho công việc trong suốt hành trình dài như vậy?

Về điều này thì tôi phải thực sự cảm ơn chồng tôi (Tiến sĩ Nguyễn Bình - PV). Anh không chỉ hỗ trợ chuyên môn, giúp tôi trong việc nghiên cứu mà cả trong chuyện gia đình. Có những khi đi công tác cả tháng trời, con còn nhỏ thì anh luôn động viên tôi yên tâm công tác, việc con cái để anh lo và thực sự anh đã làm được.

Khi các con lớn hơn, có những lúc ham việc, khi về đến nhà thì tôi đã thấy mâm cơm đã dọn sẵn. Các con đã bảo ban nhau nấu ăn, giặt giũ… nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho cha mẹ làm việc. Hạnh phúc vậy đó!

+ 50 năm sau ngày thống nhất, đất nước ngày phát triển; giờ đây đã có đường cao tốc, những cây cầu hiện đại, bà nghĩ gì về điều này?

Trước hết, tôi sung sướng khi được sống trên đất nước Việt Nam thống nhất. Là người dân Việt Nam, tôi thấy rằng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng lên, vị thế của đất nước ngày càng lớn, kể cả trong khu vực và thế giới. Chúng ta đã vượt qua, khắc phục được những khó khăn sau chiến tranh để xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh hơn.

Bây giờ nhìn lại thì thấy rằng, ở thời điểm đó, hoàn cảnh đó, với điều kiện và phương tiện như vậy thì những điều tôi đã làm là những gì tốt nhất tôi có thể làm được.

Trong quá trình phát triển của đất nước, tôi hạnh phúc khi đã được tham gia, đóng góp công sức nhỏ bé vào sự phát triển đó.

+ Xin cảm ơn bà đã chia sẻ!

Đình Hưng (thực hiện)