Tiếng chuông cảnh tỉnh về vấn nạn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái
09/02/2018 - 20:20
Trước vụ việc một phụ nữ người Việt đã bị bạn trai cũ người nước ngoài tấn công và tưới xăng đốt khiến cô rơi vào tình trạng nguy kịch do bỏng nặng tháng 1/2018, Trưởng đại diện UN Women và Trưởng đại diện UNFPA đã mạnh mẽ lên tiếng.
Dưới đây là bài viết của bà Elisa Fernandez - Trưởng đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam và bà Astrid Bant - Trưởng đại diện của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam:
Tiếng chuông cảnh tỉnh về vấn nạn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái: Cần nhiều nỗ lực hơn nữa được thực thi
Tháng trước, tại Hà Nội, một phụ nữ người Việt đã bị bạn trai cũ người nước ngoài tấn công và tưới xăng đốt khiến cô rơi vào tình trạng nguy kịch do bỏng nặng. Tin tức gây sốc này chính là tiếng chuông cảnh tỉnh về một vấn đề rộng hơn, đó là việc không gian an toàn không bạo lực trên cơ sở giới chưa hề tồn tại. Và đây cũng là lý do phong trào #MeToo (Tôi cũng thế) được khởi xướng trên toàn thế giới nhằm nhấn mạnh sự nghiêm trọng của vấn nạn bạo lực và lạm dụng tình dục đang lan tràn.
Mặc dù trường hợp trên có thể được cho là quá cực đoan; tuy nhiên, đó là minh chứng cho thấy tình trạng bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam trên thực tế còn rất phổ biến. Theo nghiên cứu quốc gia tiến hành năm 2010, hai trong số ba phụ nữ đã từng kết hôn cho biết họ phải trải qua bạo lực. Khoảng 50% nạn nhân không nói với bất cứ ai về vụ việc và 87% không tìm kiếm sự trợ giúp từ các cơ quan chức năng. Ngoài ra, các nghiên cứu quy mô nhỏ gần đây cũng chỉ ra sự phổ biến rộng rãi của nhiều hình thức bạo lực khác nhau đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam, bao gồm cả bạo lực từ khi còn hẹn hò.
Hiện trạng bạo lực này bắt nguồn từ bất bình đẳng giới, sự phân biệt đối xử, các chuẩn mực tiêu cực về văn hoá - xã hội đang tồn tại với tư cách là trở ngại lớn ngăn cản phụ nữ tiếp cận bình đẳng. Không chỉ thế, như chúng ta có thể thấy từ trường hợp trên, bạo lực trên cơ sở giới còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài cho các nạn nhân, gia đình và cả cộng đồng. Do đó, việc giải quyết vấn đề mất cân bằng quyền lực là vô cùng quan trọng nhằm chấm dứt hoàn toàn tình trạng bạo lực trên cơ sở giới. Điểm mấu chốt ở đây là bạo lực trên cơ sở giới có thể ngăn chặn được và chúng ta cần phải cam kết rằng sẽ không dung thứ cho bất kỳ hình thức bạo lực nào.
Việt Nam và nhiều quốc gia khác đã có hệ thống luật pháp ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, tuy nhiên việc thực hiện hiệu quả các luật này vẫn đang là một thử thách lớn. Ngay cả tại những nước có các dịch vụ dành cho các nạn nhân, sự hỗ trợ hầu như vẫn chưa thực sự hữu ích và toàn diện.
Các nghiên cứu gần đây với sự hỗ trợ của Liên hợp quốc như Báo cáo Xử án hiếp dâm: Tìm hiểu đáp ứng của hệ thống tư pháp hình sự đối với bạo lực tình dục ở Thái Lan và Việt Nam và Nghiên cứu Nhận thức về Tư pháp của phụ nữ: Khả năng tiếp cận công lý của phụ nữ bị bạo lực, cho thấy các nạn nhân thường gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm sự bảo vệ và phục hồi thông qua hệ thống pháp lý hiện tại, trong đó có việc nghiêm túc tiếp nhận vụ án cũng như tôn trọng sự riêng tư của nạn nhân.
Để khắc phục vấn đề này, vào tháng 11 năm 2017, Liên hợp quốc đã cùng với chính phủ Việt Nam khởi động một chương trình mới trong khuôn khổ Chương trình chung về Các Dịch vụ thiết yếu dành cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực. Chương trình cung cấp hỗ trợ kỹ thuật nhằm phát triển một cơ chế ứng phó đa ngành toàn diện với ưu tiên hàng đầu là quyền và sự an toàn của nạn nhân bị bạo lực. Chương trình cũng đặt vấn đề theo quan điểm của nạn nhân để tìm cách nâng cao chất lượng và sự phối hợp của các dịch vụ thuộc các lĩnh vực y tế, pháp lý, cảnh sát và các dịch vụ xã hội. Đồng thời, Chương trình sẽ giúp tăng cường cơ chế phản hồi của ngành tư pháp để buộc những kẻ phạm tội phải chịu trách nhiệm, cũng như gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng bất kỳ hành động bạo lực nào đối với phụ nữ và trẻ em gái đều không thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, so với cái giá phải trả cho việc không hành động, các dịch vụ thiết yếu nhằm ứng phó bạo lực đối với phụ nữ thực chất không hề tốn kém. Mặt khác, theo một nghiên cứu năm 2013 của UN Women, tổn thất về năng suất tổng thể, các khoản chi tiêu cá nhân và việc giảm thu nhập gây nên bởi tình trạng bạo lực đối với phụ nữ có thể chiếm tới 3,2% GDP của Việt Nam.
UN Women và UNFPA cam kết đồng hành cùng Việt Nam thực hiện luật pháp và chính sách tiến tới chấm dứt hoàn toàn tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Để xảy ra thêm bất cứ vụ việc nào như vụ việc gần đây đều không thể chấp nhận được. Mỗi một vụ việc như vậy là một lời nhắc nhở đau đớn rằng nhiều nỗ lực hơn nữa cần được thực hiện. Trong khuôn khổ Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững, tất cả chúng ta cần phải đấu tranh cho một thế giới mà không một ai bị bỏ lại phía sau vì bạo lực.