Tiết kiệm hơn nửa tháng lương nhờ thay đổi những thói quen nhỏ nhất

Vân Anh
04/03/2024 - 20:08
Tiết kiệm hơn nửa tháng lương nhờ thay đổi những thói quen nhỏ nhất

Ảnh minh họa

Với các cô gái này, xây dựng tài chính cá nhân vững mạnh giúp họ có cái nhìn tích cực hơn về tương lai.

Tiêu dùng lãng phí là thói quen xấu khó bỏ của nhiều người trẻ. Đó là khi bạn quyết định mua một chiếc áo xinh xắn mà có lẽ nhiệm vụ sau này của chúng chỉ để “làm đẹp" cho tủ đồ. Hoặc có khi bạn vung tiền cho thú vui cá nhân mà đâu biết rằng chúng chỉ đem lại cảm giác hài lòng nhất thời. Cũng chính vì những thói quen chi tiêu "nằm ngoài kiểm soát" thế này sẽ khiến bạn "cháy túi" lúc nào chẳng hay.

Trái ngược với những trường hợp trên, có nhiều người trẻ lại để ý đến quản lý tài chính cá nhân từ sớm. Với họ, số dư lớn trong tài khoản là phần thưởng xứng đáng hơn rất nhiều so với một chiếc váy đẹp hoặc bữa ăn không mang lại giá trị về lâu dài. Đó cũng là câu chuyện của 2 cô gái dưới đây - những người đã nỗ lực kiểm soát chi tiêu để tiết kiệm được ít nhất 50% lương hàng tháng.

Nỗ lực tiết kiệm để thay đổi tương lai

Nhật Linh (SN 1995, Hà Nội) bắt đầu thay đổi cách quản lý tài chính từ 4 năm trước. Hiện cô đang làm nhân viên văn phòng ngành Marketing và có dự định kết hôn vào năm nay.

Từng rơi vào tình cảnh rỗng ví và cần tiêu tiền mà không còn xu nào trong túi, cũng vì thế cô càng trân trọng giá trị của tiền bạc. Nhật Linh tâm sự: “4 năm trước là bắt đầu của chuỗi ngày mình rỗng ví. Ban đầu mình rơi vào tình cảnh thất nghiệp, sau đó mấy năm là dịch bệnh Covid-19 khiến tổng thu nhập bị ảnh hưởng nặng nề.

Công việc gặp rắc rối, gia đình lại cần mình hỗ trợ về tài chính mà trong tài khoản tiết kiệm chỉ còn vài triệu đồng. Để có tiền gửi cho bố mẹ, mình phải lấy hết khoản tích lũy, kết hợp thêm vay mượn từ bạn bè. Khi đó mình mới tự nhủ, nếu cứ kiếm được đồng nào mà xài hết đồng đó thì lúc tài chính đi xuống, mình lấy đâu ra tiền để trang trải?”.

Tiết kiệm hơn nửa tháng lương nhờ thay đổi những thói quen nhỏ nhất- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Nhật Linh tự nhận, trước đó cô chưa bao giờ giỏi trong việc kiểm soát bản thân, việc chi tiêu cũng thế. Ngay từ khi mới ra trường đã có mức lương tốt hơn so với bạn bè đồng trang lứa khiến cô càng nảy sinh ảo tưởng về tài chính.

“Đơn cử như chỉ vì đi dự đám cưới của bạn, mình sẵn sàng chi gần 2 triệu đồng để mua quần áo. Thời điểm đó, mình tiêu tiền không cần toan tính quá xa, cũng bởi nghĩ mình còn trẻ, cơ hội kiếm tiền đâu thiếu?

Chính thời điểm khó khăn về tài chính trước kia đã thức tỉnh mình. ‘Tiền không thể như lá cây' và nếu mình cứ sống vô lo vô nghĩ với tiền bạc như hiện tại thì lúc bị cơn sóng tài chính đánh gục, mình và gia đình không thể đứng lên", cô nàng tâm sự.

Một trường hợp khác, Phan Hải (SN 1997, chuyên viên nhân sự) lại bắt đầu chuyển sang tiết kiệm từ khi nghỉ việc ở công ty lương cao và chuyển về làm việc gần nhà cách đây 2 năm tại Hà Giang.

Một nguyên nhân khiến số tiền tích luỹ của Phan Hải tăng lên bởi chi phí sinh hoạt ở quê thấp hơn nhiều so với thành phố Hà Nội. Thêm nữa, cô cho rằng có lẽ khi tuổi tác tăng dần, cảm giác mong muốn đạt được an toàn tài chính tăng lên rất nhiều, khiến Phan Hải không thể tiếp tục lơ là chuyện học cách tiết kiệm.

Phan Hải cho biết thêm: “Sau nhiều năm sống ở thành phố, mình hiểu rằng cuộc sống có nhiều yếu tố ‘hoạ vô đơn chí' nên bản thân đã cố gắng tích lũy để có thể sống an tâm hơn. Với mình, nếu có đủ tiền thì bạn mới tự tin đi tới những nơi mình thích, mua món đồ mong muốn, có thể giúp được gia đình trong giới hạn tài chính. Nếu xảy ra vấn đề nào thì mình có thể bình tĩnh giải quyết, không phiền đến cha mẹ và nhờ người khác giúp đỡ".

Tiết kiệm hơn nửa tháng lương nhờ thay đổi những thói quen nhỏ nhất- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Thay đổi từ những thói quen nhỏ nhất để tiết kiệm được nửa lương

Hiện với mức lương từ nhân viên Marketing, Nhật Linh kiếm được 30 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, hàng tháng chi tiêu cá nhân của cô chỉ dao động dưới 10 triệu đồng, tức là tiết kiệm hơn 2/3 thu nhập. Để đạt được mục tiêu tiết kiệm này, Nhật Linh đã duy trì kế hoạch tài chính nghiêm ngặt.

Đầu tiên, cô bắt bản thân học cách tạo ra ngân sách. Cụ thể hơn, cô nàng bắt đầu lên giới hạn cho từng khoản chi tiêu chứ không “thả cửa” như trước, được chia làm 3 khoản cố định là chi phí sinh hoạt bắt buộc - tiền mua sắm cho sở thích cá nhân - tiền phát sinh (chỉ chiếm 10% trong chi tiêu cá nhân hàng tháng).

Bên cạnh đó, hàng tháng Nhật Linh còn ghi chép lại từng khoản chi không cần thiết đáang có mặt trong nhà, bao gồm những mục nhỏ nhất như mua đồ ăn lãng phí, lỡ vung tiền mua thêm quần áo không sử dụng đến trên sàn thương mại điện tử…. Ngoài ra, cô bắt bản thân ra đường phải cầm theo nhiều tiền mặt. Như thế, Nhật Linh sẽ hạn chế chuyển khoản và suy nghĩ cẩn thận hơn trước khi bắt tay tiêu xài một món đồ nào đắt giá.

Tuy nhiên, Nhật Linh cũng nhận định, yếu tố quan trọng nhất trong hành trình tiết kiệm của cô là biết hài lòng với mức sống, dù các khoản chi tiêu đã cắt giảm.

Cô nàng chia sẻ một số tips để thắt giảm chi tiêu: “Mình chuyển từ ở căn hộ giá thuê 7 triệu đồng/tháng, xuống ở ghép căn chung cư mini chỉ 4 triệu đồng đã bao gồm tất cả chi phí. Tiếp theo là trong chuyện mua sắm quần áo và mỹ phẩm, số tiền dành cho những khoản này của mình đã cắt giảm một nửa so với trước đây. Nếu như ngày trước, mình cần đến hơn 30 phút cho khâu makeup trước khi ra đường thì giờ mọi thứ tối giản hơn, chỉ vỏn vẹn trong 4 bước thiết yếu là bôi kem dưỡng - bôi kem chống nắng - kẻ lông mày và tô son.

Số tiền cần chi cho những buổi ăn uống vô nghĩa giờ cũng được cắt giảm gần hết, một phần vì mình không có nhiều bạn, một phần vì giờ mình chỉ chọn hiệu ăn bình dân, hiếm hoi lắm mới thấy mình bỏ đến hơn 500 ngàn đồng cho một buổi tiệc như trước. Tiêu xài cho các thiết bị công nghệ đắt tiền cũng không cần thiết nữa, vì giờ mình thấy bản thân không có nhu cầu flex qua các món đồ vật chất nữa".

Tiết kiệm hơn nửa tháng lương nhờ thay đổi những thói quen nhỏ nhất- Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

Còn về phía Phan Hải, dù sau khi chuyển về quê thì đồng nghĩa thu nhập cũng giảm bớt, nhưng cô nàng đã thành công để dành được 50% lương, khi giảm mức chi phí sinh hoạt từ 15 triệu đồng xuống 7 triệu đồng hàng tháng - một mục tiêu mà cô khó đạt được khi sinh sống tại thành phố lớn. Sự thay đổi tài chính này được cô tổng kết lại trong 2 thói quen:

- Đặt mục tiêu tiết kiệm

“Việc tiết kiệm không đơn giản như bạn nghĩ. Tức là nhiều người thường có suy nghĩ, nếu mình cứ cố gắng cắt giảm chi tiêu thì một ngày nào đó quỹ tiết kiệm của bạn sẽ tăng dần. Tuy nhiên, mình nhận ra, bản thân không thể để dư tiền nếu không đặt ra mục tiêu. Bởi nếu không tạo kỷ luật cho bản thân thì bạn vẫn sẽ quen đường ‘mua sắm vô tội vạ', vừa mua món đồ này lại muốn mua thêm món đồ khác".

Cũng vì thế, từ sau khi chuyển về quê, Phan Hải đã bắt bản thân phải hoàn thành mục tiêu tiết kiệm được ít nhất 50% lương hàng tháng. Cứ mỗi khi nhận lương đầu tháng, cô nàng sẽ chuyển thẳng vào tài khoản ngân hàng hoặc gửi tiết kiệm online. Còn bao nhiêu tiền thì cô mới tính đến chuyện chi tiêu cá nhân.

- Tối giản hoá các khoản chi tiêu

Tương tự như Nhật Linh, Phan Hải cũng cố gắng cắt giảm những khoản chi không cần thiết, để phù hợp với tài chính cá nhân hơn. Một điều quan trọng mà Phan Hải luôn nhắc nhở mình là suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi mua.

“Từ một đứa chi tiêu không quá tính toán, giờ đến việc mua chiếc laptop mới hay điện thoại mình cũng cần suy nghĩ đến vài tháng. Nói chung, tiêu chí mua đồ của mình là rẻ và bền, chỉ khi nào cần thiết lắm thì mới sắm đồ mới. Hay khi còn ở thành phố lớn, mình có thể dễ dàng bỏ gần 1 triệu đồng đi concert của thần tượng, nhưng giờ đây mình phải cân nhắc hơn trước khi tiêu các khoản chi lãng phí. Một điều quan trọng nữa là khi chuyển về quê, mình tiết kiệm được 6 triệu đồng/tháng tiền thuê nhà - khoản chi lớn nhất của mình khi còn sống ở thành phố lớn", cô nàng cho hay.

Sau cùng, Phan Hải cho rằng dù với nhiều người trẻ, cách tiết kiệm của cô nàng sẽ không được họ đồng tình và cho rằng có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm cá nhân. Tuy nhiên, khi nhìn lại tài khoản tích lũy đến hiện tại là một con số không nhỏ thì cũng đủ khiến cô nàng vui vẻ vô cùng.

“Việc có một khoản tích lũy tốt và tài chính ổn định giúp mình an toàn hơn. Mình không còn lo sau này nếu chẳng may có bị thất nghiệp, hoặc chi phí sinh hoạt tăng cao ở thành phố lớn và băn khoăn liệu tiền lương của mình mình có đủ để trang trải cho chúng hay không?", Phan Hải tâm sự.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm