pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tiêu thưởng Tết ra sao để vẫn tiết kiệm?
Chưa nhận thưởng đã liệt kê danh sách khoản chi ngày Tết
Mỹ Linh (26 tuổi, làm trong ngành bảo hiểm) ước tính thưởng Tết năm nay nhận được bằng khoảng 5 tháng lương. Những năm trước, phần lớn thưởng Tết, cô bạn dành để mua quần áo mới - thói quen trong những dịp đón năm mới. Ngoài ra, Mỹ Linh sẽ mua sắm đồ gia dụng mới trong nhà. "Mình sống cùng gia đình, anh chị và các cháu nên luôn muốn chia sẻ những trách nhiệm tài chính dù chỉ là nhỏ nhặt thôi. Phần còn lại, 1/3 mình sẽ biếu ba mẹ, chuẩn bị tiền quà cáp đi biếu, lì xì, đi chơi với bạn bè".
Năm nay, làm việc liên quan đến hoạch định tài chính, do vậy Mỹ Linh học cách phân chia khoản tiền lương và thưởng hợp lý hơn. Đặc biệt, cô bạn đã dành có 1 khoản riêng cho bảo hiểm.
"Mình yêu ăn uống nên trước đây tiền tiêu Tết hoàn toàn dành cho ăn uống là chính. Song, mình tự nhận thấy ăn tiêu vô tổ chức chỉ làm mình vui một lúc, sau đó không những ảnh hưởng đến sức khỏe, ngoại hình mà còn cả túi tiền nữa. Năm nay, mình quyết định hạn chế uống trà sữa và dành 1 khoản tiền thưởng để tiết kiệm".
Hiện tại, Mỹ Linh đã rục rịch sắm Tết, rồi mua quần áo. Cô lập một danh sách đồ cần mua để không bị chi tiêu quá tay hay bỏ lỡ món đồ nào. Công ty của Mỹ Linh lương thưởng khá nhiều và hấp dẫn, do vậy cô cũng khá mong chờ khoản tiền thưởng Tết này. Mỹ Linh sẽ dành hơn 50% thưởng Tết dùng để tiết kiệm và tích lũy cho những lần mua sắm tài sản lớn.
Còn Ngọc Diệp (24 tuổi) chia sẻ rằng lương cứng hàng tháng khoảng 12 triệu, chưa tính hoa hồng. Cộng thêm thưởng tháng thứ 13 và thưởng KPI, tổng số tiền nhận vào cuối năm khoảng 30 triệu. Cô dự tính sẽ biếu bố mẹ khoảng 10 triệu, 10 triệu để chi tiêu cho bản thân, tiền vé xe về nhà, ăn uống và sum họp cùng gia đình, bạn bè. Số còn lại, cô dự định bỏ vào tiết kiệm. "Mình có suy nghĩ sẽ tiêu Tết thoải mái một chút. Vì dù sao, cố gắng cả năm cũng cần tự thưởng bản thân, tạo động lực cho năm mới làm việc hiệu quả hơn".
Dù chi tiền nhiều hơn cho mua sắm dịp lễ, nhưng bên cạnh đó, cô nàng cũng có kế hoạch để kiểm soát thu chi cuối năm. Chẳng hạn như việc mua 1 món - bỏ 1 món. Diệp áp dụng nguyên tắc này đã từ lâu.
"Mình lập ra 1 danh sách những món đồ cần sắm cho năm mới, từ A-Z và lên dự trù ngân sách sẵn. Danh sách được liệt kê từ thứ quan trọng nhất theo thứ tự từ trên xuống dưới. Mỗi lần xuống tiền để mua món đồ được xếp đầu danh sách, mình sẽ gạch bỏ đi món đồ đứng cuối danh sách. Cứ liên tục lặp lại quy tắc này, mình dừng lại khi khoản chi cho việc mua sắm báo động. Điều này giúp mình mua được những món đồ không thể thiếu và lược bớt đi những món đồ không cần thiết 1 cách dễ dàng hơn. Không còn tình trạng xuống tiền theo cảm xúc".
Song, tiền tiêu Tết bao nhiêu mới đủ?
Không như Mỹ Linh hay Ngọc Diệp có khoản thưởng Tết khá lớn, một số người trẻ phải tiết kiệm từ trước mới có đủ tiêu Tết. Trí Lê (25 tuổi) cho biết, ngoài số tiền có thể tính được cụ thể, thì sẽ còn những khoản tiền phát sinh, không nằm trong dự tính. "Tết mà, tiêu bao nhiêu mà chẳng đủ!".
Danh sách tiền tiêu Tết của Trí Lê đã được soạn sẵn: Tiền sửa nhà cửa, Trí Lê có dự định làm lại cổng chính và sơn lại nhà; Tiền mua đồ trang trí như cây cảnh, hoa, phụ kiện; Tiền biếu Tết bố mẹ và lì xì đám trẻ con... Ngoài ra, những khoản tiền để sắm sửa khác thì Trí Lê đưa cho mẹ để mẹ phụ trách, vì ''mẹ bao giờ cũng lo toan tốt hơn. Việc của mình là kiếm tiền đem về cho mẹ''.
Ngoài những khoản tiền cố định đó, Trí Lê có trích thêm tiền để chi tiêu cho những buổi gặp mặt bạn bè, thăm lại thầy cũ. Đây là khoản tiền không dự toán trước được, nên Trí Lê trích 20% thu nhập với quan điểm "Tiêu hết số tiền này là thôi, nghỉ ăn Tết để đi làm là vừa". Khi có một con số cụ thể, Trí Lê cũng cho biết thêm: "Với mình, tiền tiêu Tết phụ thuộc vào số tiền kiếm được của năm vừa rồi. Ăn nên làm ra thì mạnh dạn chi tiền đón Tết, coi như ăn mừng 1 năm nỗ lực được đền đáp. Còn năm nào kiếm được ít hơn, thì ăn Tết bé lại, không khoe khoang với họ hàng là được. Mình vẫn còn nhớ, những năm đầu mở cửa hàng, thậm chí gần Tết còn phải chạy tiền trả nợ. Những tháng ngày như thế, thì dù có ăn Tết to cũng không thấy vui nữa. Nên bây giờ, khi kiếm được tiền rồi, nợ cũng trả hết rồi, mình ăn Tết thoải mái hơn. Không quá áp lực về tài chính nữa thì khoản gì cũng muốn tiêu. Tâm trạng vui vẻ, kiếm bao nhiêu, tiêu bao nhiêu cũng thấy đủ!".
Mặt khác, có những bạn trẻ tiêu Tết khá đơn giản. Chẳng hạn, Hải Yến (26 tuổi, đang làm trong lĩnh vực thương mại điện tử) chỉ vừa mới sắm một cái áo trong dịp săn sale cuối năm. Năm nay, Hải Yến dự tính sẽ mua một số quà cáp để biếu Tết vào khoảng 2-3 triệu và mua một ít bánh mứt, đồ ăn, trang trí cho gia đình vào khoảng 1-2 triệu.
Cô thường lập danh sách những khoản chi cần (quà cáp, bánh mứt,...) và khoản chi muốn (quần áo mới, làm đẹp trước Tết,...) Sau đó để mức chi phí phù hợp cho từng mục để quản lý chi tiêu ở mức mình mong muốn. Đến khi mua sắm, chi tiêu sẽ nhìn vào đó để tránh tiêu dùng quá mức.